Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Trao đổi với phóng viên về tình hình thu hút đầu tư của tỉnh, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dù gặp khó khăn, bất lợi do khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng Tây Ninh vẫn đạt được kết quả tích cực, đáng để lạc quan.
Sản xuất ở KCN Phước Đông.
PV: Thưa giám đốc, ông có thể nêu rõ hơn nhận định của mình về hiệu quả thu hút đầu tư ở tỉnh ta trong thời gian gần đây?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: -Thời gian qua, việc thực hiện ba khâu đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cải cách hành chính ở tỉnh ta đã góp phần rất quan trọng cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh nhà. Điều này đã tác động tích cực đến kết quả kêu gọi, thu hút đầu tư. Trong giai đoạn 2011-2014, thu hút đầu tư nước ngoài tăng 3,38 lần so với giai đoạn 2006-2010. Đặc biệt, trong thời gian gần đây Tây Ninh đã thu hút được một số dự án có quy mô đầu tư lớn như: dự án chế tạo lốp xe của Công ty TNHH Sailun Việt Nam (400 triệu USD); dự án sản xuất vải dệt thoi, vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác của 2 công ty TNHH: Brotex Việt Nam (248 triệu USD) và Unisoll Fabric (200 triệu USD). Các dự án này có tiến độ giải ngân rất nhanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
PV: Số liệu thống kê cho thấy, số dự án FDI đang hoạt động gấp hàng chục lần so với số dự án chưa triển khai nhưng vốn thực hiện được chỉ đạt 55,3% so với vốn đăng ký. Tương tự, vốn thực hiện của dự án đầu tư trong nước ở tỉnh ta đến thời điểm hiện tại chỉ là 44,4% vốn đăng ký. Có phải đây là biểu hiện của kết quả thu hút đầu tư “ảo” không, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: -Thông thường khi đăng ký đầu tư, các chủ đầu tư đều có phân kỳ đầu tư theo thời gian để thực hiện dự án. Con số thể hiện vốn thực hiện chưa cao so với vốn đăng ký là do chưa đến phân kỳ đầu tư. Có thể khẳng định giai đoạn hiện nay, các chủ đầu tư đã thực hiện các dự án với tiến độ giải ngân, đưa vốn vào hoạt động nhanh hơn trước. Cụ thể như giai đoạn 2006-2010, vốn đầu tư nước ngoài là 621,22 triệu USD, vốn thực hiện là 391,28 triệu USD.
Trong giai đoạn hiện nay, vốn đầu tư nước ngoài là 2.723,3 triệu USD, vốn thực hiện là 1.073,2 triệu USD. Như vậy, có thể thấy vốn đưa vào thực hiện của 4 năm gần đây so với giai đoạn 5 năm trước đã tăng 2,7 lần. Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng có nhiều dự án đã đăng ký nhưng chưa thực hiện, khi thực hiện thì gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng hoặc gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế. Đối với những trường hợp này, tỉnh đã phân loại để có giải pháp xử lý phù hợp. Qua kiểm tra (giai đoạn 2011-2014), tỉnh đã xử lý, thu hồi 41 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký là 223,8 triệu USD và 79 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký là 11.191,58 tỷ đồng.
PV: 10 tháng đầu năm 2014, Tây Ninh thu hút đầu tư trong nước có giảm so với cùng kỳ, vì sao thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: -Thu hút đầu tư trong nước hết tháng 10 năm nay đạt 1.787 tỷ đồng- so với năm 2013 thì có giảm. Đó là vì năm 2013 có yếu tố đột biến- do thu hút được các dự án có vốn đầu tư lớn như nhà máy cồn (300 tỷ đồng), trang trại bò sữa (708,5 tỷ đồng) - đây là dự án sang nhượng, chuyển đổi mục tiêu hoạt động của dự án có yếu tố nước ngoài nhưng hoạt động không hiệu quả (Công ty TNHH Taichi Biotech), nếu loại trừ yếu tố đột biến của năm 2013 thì kết quả đạt được năm nay là khá cao.
Ngoài ra, qua theo dõi có thể nêu nhận xét chung là doanh nghiệp trong nước thường có xu hướng đầu tư bên ngoài khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, định hướng chung của tỉnh là ưu tiên tập trung thu hút vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch để bảo đảm các yếu tố về hạ tầng kỹ thuật cho doanh nghiệp, đồng thời hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhìn chung thu hút đầu tư trong nước năm 2014 có giảm so cùng kỳ song cũng chỉ giảm chưa tới 4%, kết quả này không quá lo ngại.
|
Hệ thống xử lý nước thải ở một KCN trong tỉnh.
PV: Công tác thu hút nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, nguồn viện trợ phi Chính phủ ở tỉnh ta những năm gần đây ra sao?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: - Hiện nay, tỉnh được Trung ương hỗ trợ 3 dự án ODA bao gồm: hệ thống xử lý nước thải thành phố Tây Ninh (380 tỷ đồng), phát triển đô thị dọc hành lang sông Mê Kông tại Mộc Bài (945,6 tỷ đồng) và dự án phát triển cơ sở hạ tầng núi Bà (417,9 tỷ đồng). Các dự án này hiện nay giải ngân còn thấp do vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Thời gian qua, công tác vận động viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong năm 2014, Tây Ninh được các tổ chức phi chính phủ ủng hộ 6 dự án với tổng ngân sách toàn dự án tương đương 403.937 USD. Nguồn viện trợ phi chính phủ chủ yếu tập trung viện trợ vào vấn đề nhân đạo, góp phần cải thiện đời sống cho các đối tượng được hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
PV: Ông nhận định thế nào về kết quả thu hút đầu tư tỉnh ta đến thời điểm hiện tại so với quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: -Theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, con số đề ra trong kế hoạch thu hút đầu tư trong và ngoài nước cả nhiệm kỳ 2011-2015 là 3.200 triệu USD. Tính đến thời điểm hiện nay, vốn thu hút đầu tư là 2.554,74 triệu USD, đạt gần 80% so với kế hoạch. Theo đánh giá của các ngành chức năng có liên quan thì hết năm 2015, Tây Ninh sẽ thực hiện đạt kế hoạch 5 năm đã đề ra.
PV: - Trong thời gian tới, tỉnh ta cần làm gì để thu hút các nguồn vốn đầu tư hiệu quả, nhất là vốn FDI, ODA, nguồn viện trợ phi chính phủ?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: - Để thu hút các nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả, trong thời gian tới tỉnh ta cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, trong đó đặc biệt quan tâm tập trung thực hiện quyết liệt 3 chương trình hành động: phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách hành chính.
Đây là 3 khâu đột phá được thực hiện xuyên suốt trong giai đoạn vừa qua. Tây Ninh cũng sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, giải pháp của Trung ương để giải quyết những khó khăn, vướng mắc tồn tại, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngành chức năng có liên quan cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề trật tự an toàn xã hội để giúp các doanh nghiệp yên tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
PV: Xin cảm ơn ông!
ĐÌNH CHUNG
(Thực hiện)