Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tổng kết công tác PCTT và TKCN hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng- Phước Hòa:
Phải đảm bảo an toàn công trình hồ Dầu Tiếng
Thứ bảy: 15:06 ngày 02/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 1.11, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa tổ chức tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2018, 9 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2019.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Phó trưởng ban chỉ huy, ông Nguyễn Tiếp Tân - Chủ tịch Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, Phó trưởng ban đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM và Long An.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh- Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT phát biểu kết luận hội nghị.

Mùa khô năm 2018 xuất hiện nhiều đợt mưa trái mùa, nhu cầu dùng nước trên hệ thống và tình hình xâm nhập mặn trên các sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông ở mức thấp. Mực nước hồ Dầu Tiếng khi kết thúc mùa khô (30.6.2018) cao hơn so với trung bình cùng kỳ nhiều năm là 0,46m. Bên cạnh đó, trên lưu vực hồ Dầu Tiếng chịu tác động trực tiếp của cơn bão số 9, gây mưa lớn làm sạt lở cục bộ một số vị trí trên tuyến kênh chính Tây.

Do đó, để không xảy ra thiệt hại về ngập lụt cho vùng hạ du, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP.Hồ Chí Minh vận hành, điều tiết xả nước vào thời kỳ triều thấp, đưa mực nước hồ đúng quy trình. Lưu lượng xả lớn nhất là 150m3/s.

Mùa khô 2019, tình hình xâm nhập mặn ở hạ du sông Sài Gòn cao hơn so với trung bình hàng năm. Theo báo cáo, từ đầu năm 2019 đến nay có 5 cơn bão  và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Tổng lượng mưa 9 tháng đầu năm 2019 là 1210,40 mm, xấp xỉ năm 2018 và đạt 89% so với trung bình hàng năm. Đế ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước trên sông Sài Gòn, Công ty Dầu Tiếng- Phước Hòa đã xả 4 đợt nước đẩy mặn, ứng với lưu lượng 30-80m3/s.

Công ty cũng xây dựng kế hoạch cấp nước từng vụ, cả năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng theo diện tích nước tưới và sinh hoạt.

Tính đến ngày 30.10.2019, hồ Dầu Tiếng tích nước đạt đến cao trình 23,42m, tương ứng với dung tích hồ chứa 1368,53 triệu m3, thấp hơn báo động III (24,40m) là 0,98m, ứng với dung tích hữu ích là 898,52 triệu m3; dung tích phòng lũ 797,32 triệu m3‑.

Báo cáo về công tác an toàn công trình, ông Trần Quang Hùng- Q. Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa cho biết, hiện tại các hạng mục công trình đầu mối bao gồm đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, cống dẫn dòng, cống lấy nước số 1, số 2 và 3 ổn định, hoạt động bình thường. Công ty thường xuyên quan trắc đo thẩm, bão hòa tại đập chính, đập phụ, kết quả tổng lưu lượng nhỏ hơn giới hạn cho phép.

Đồng thời, kiểm tra, sửa chữa các hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn, bảo trì, vận hành thử tất cả các hạng mục công trình trước mùa mưa lũ để tránh gây sự cố khi vận hành, bao gồm các thiết bị điện, đóng mở cửa van,…

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề an toàn hồ chứa, an toàn cho hệ thống kênh, công tác quản lý đập, đặc biệt đập chính, những nơi xung yếu; tình trạng khai thác cát gây đục nước hồ; khó khăn trong quá trình kiểm soát đối với hành vi vi phạm công trình hồ; tình trạng ngập úng cục bộ do xả nước,…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến đề nghị Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa cần xây dựng kế hoạch kiểm tra các hạng mục để đảm bảo cho công trình an toàn tuyệt đối.

Các đại biểu đề nghị cần thành lập lực lượng chuyên trách được tập huấn nghiệp vụ để bảo vệ an toàn công trình, sớm bổ sung lực lượng vũ trang canh gác bảo vệ vào danh mục theo quy định, vì xác định đây là công trình an ninh quốc gia; xây dựng phương án hồ tiết kiệm tích nước, điều tiết cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt cũng như đẩy mặn; quy hoạch lại khu vực để xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời trong khu vực lòng hồ, phát triển các dự án đa mục tiêu, như trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái; quy định lại thời gian, trữ lượng đối với các doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước.

Ông Nguyễn Tiếp Tân- Chủ tịch Công ty khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, công ty đang triển khai dự án kiên cố hóa kênh Tây, kiểm tra toàn bộ khu vực đầu mối; an toàn công trình hồ luôn được đảm bảo. Đối với việc xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời trên hồ Dầu Tiếng, ông cho rằng đây là dự án có nhiều tiềm năng, nhưng cần điều tra đánh giá khu vực nào cần thiết, quy hoạch để quản lý, đảm bảo môi trường.

Ghi nhận những ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến đề nghị Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục để đảm bảo cho công trình an toàn tuyệt đối; phối hợp với tỉnh Tây Ninh trong việc triển khai dự án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp kênh Tây thuộc hệ thống hồ Dầu Tiếng với dự án tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ Đông.

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Tỉnh- Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi ghi nhận các tỉnh, thành phố đã có trách nhiệm cao trong công tác PCTT&TKCN hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng- Phước Hòa. Ông Tình đề nghị các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP.HCM cùng đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo quy trình riêng, phù hợp với điều kiện của hồ Dầu Tiếng để tích và cấp đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân trong khu vực, đồng thời ban hành quy chế phối hợp giữa các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước để thống nhất quản lý các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Đại diện Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo tình hình thời tiết trong thời gian tới.

Cũng trong ngày 1.11, Tổng cục Thủy lợi công bố Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng- Phước Hòa năm 2019. Theo đó, Ban chỉ huy có 33 thành viên, ông Nguyễn Văn Tỉnh- Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi làm Trưởng ban; ông Nguyễn Tiếp Tân- Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa làm Phó Trưởng ban thường trực; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng làm Phó trưởng ban.

 Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng- Phước Hòa năm 2019 còn có 28 ủy viên là đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, Tổng cục Thủy lợi, Đài Khí tượng thủy văn, các sở, ngành, công an, lực lượng vũ trang các tỉnh, thành liên quan. Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa là cơ quan thường trực.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ huy là chỉ đạo Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa tổ chức thực hiện quy trình hồ Dầu Tiếng, hồ Phước Hòa và quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai. Phương án ứng phó thiên tai cho công trình đầu mối và hệ thống kênh thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng- Phước Hòa, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với hồ Dầu Tiếng, Phước Hòa, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khác trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

Tâm Giang

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục