Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
THÔNG TIN TIẾP VỤ VIỆC CỦA BÀ CHÂU THỊ KHOA:
Phải đóng tiền sử dụng đất để được cấp “sổ đỏ”
Chủ nhật: 13:46 ngày 20/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 15.12.2018, Báo Tây Ninh có đăng bài “Văn phòng Ðăng ký đất đai yêu cầu bà chờ… làm thủ tục”, đề cập đến khiếu nại của bà Châu Thị Khoa (ngụ ấp Sóc Lào, xã Ðôn Thuận, huyện Trảng Bàng).

Vợ chồng bà Khoa trên thửa đất đang chờ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Cụ thể, năm 2007, gia đình bà Khoa có mua một phần đất diện tích khoảng 850m2 toạ lạc tại ấp Sóc Lào. Phần đất được bà Khoa sử dụng ổn định từ đó đến nay. Lúc mới mua đất, bà Khoa nhờ bà Lê Thị Ngọc Anh (ngụ cùng địa phương) đi đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDÐ.

Tuy nhiên, bà Anh đã đăng ký phần đất trên cho... chính mình. Sau đó, bà Anh lập hợp đồng tặng cho con là Nguyễn Thị Ngọc Hồng. Tiếp đến, bà Hồng chuyển nhượng phần đất cho ông Phạm Hồng Thái và vợ là bà Phạm Thị Hết. UBND huyện Trảng Bàng cấp giấy chứng nhận QSDÐ số CH03431 cho ông Thái và bà Hết.

Bà Khoa cùng chồng là ông Phan Thanh Tùng gửi đơn khiếu nại quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai, yêu cầu UBND huyện Trảng Bàng cấp lại “sổ đỏ” theo đúng đối tượng sử dụng đất. Vụ việc trải qua một khoảng thời gian khá dài để cơ quan chức năng giải quyết nhưng chưa có kết quả.

Sau đó, ngày 17.5.2018, TAND tỉnh có Bản án số 06 “chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Châu Thị Khoa, tuyên huỷ một phần giấy chứng nhận QSDÐ mà UBND huyện Trảng Bàng đã cấp cho ông Thái và bà Hết vào ngày 21.4.2011.

Kiến nghị UBND huyện điều chỉnh giấy chứng nhận QSDÐ đất số CH03431... đối với phần diện tích đất của bà Khoa, giao UBND huyện Trảng Bàng thực hiện đo đạc đúng theo thực tế và cấp giấy chứng nhận QSDÐ cho bà Châu Thị Khoa theo quy định của Luật Ðất đai”. Sau khi Bản án số 06 có hiệu lực pháp luật, vợ chồng bà Khoa vẫn tiếp tục… chờ được cấp “sổ đỏ”.

Qua trao đổi với Văn phòng Ðăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh - Chi nhánh huyện Trảng Bàng (VPÐKÐÐ), được biết việc chậm thực hiện theo bản án là do chưa mời được ông Thái và bà Hết giao lại giấy chứng nhận QSDÐ. Theo quy định, cơ quan chức năng phải đợi đến hết thời hạn tống đạt các quyết định và thư mời hợp lệ cho vợ chồng ông Thái mới tiến hành cấp “sổ đỏ” cho bà Khoa.

Vừa qua, bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Trảng Bàng hẹn bà Khoa đến ngày 14.1.2019 sẽ giải quyết việc cấp giấy nêu trên. Ðúng hẹn, ông Tùng- chồng bà Khoa đến liên hệ các cơ quan có liên quan. Ông Tùng rất bất ngờ khi được thông báo phải đóng gần 41 triệu đồng mới được cấp giấy chứng nhận QSDÐ.

“Vợ chồng tôi sống bằng nghề làm thuê, làm mướn, từ nào đến giờ chưa từng có số tiền lớn như vậy. Tôi cần biết cụ thể về từng khoản tiền này là như thế nào? Nếu đúng phải đóng số tiền như trên, vợ chồng tôi quả thật không có khả năng, rất mong cơ quan chức năng xem xét, giúp đỡ, hướng dẫn cụ thể”- ông Tùng bày tỏ nguyện vọng.

Ngày 17.1.2019, bà Trần Thị Chung - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Trảng Bàng cho biết, Chi cục Thuế chỉ thực hiện đúng theo quy định đối với hồ sơ của bà Khoa do VPÐKÐÐ chuyển hồ sơ qua. Hồ sơ thể hiện, bà Khoa được cấp giấy chứng nhận QSDÐ theo hình thức nhận chuyển nhượng.

Trong số diện tích đất của bà Khoa cần đăng ký có 400m2 đất thổ cư, đất thuộc khu vực 3, vị trí 2. Căn cứ theo Luật Ðất đai, Nghị định số 45 ngày 15.5.2014 của Chính phủ, bảng giá đất của UBND tỉnh quy định… thì bà Khoa phải đóng tiền sử dụng đất hơn 39 triệu đồng (98.000 đồng/m2 x 400m2), tiền lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân. Tổng cộng số tiền bà Khoa phải đóng gần 41 triệu đồng.

Bà Chung còn giải thích rõ hơn, đúng ra tiền thuế thu nhập cá nhân là do bên bán đất phải đóng, nhưng vì tạm thời chưa liên hệ được với người này nên Chi cục  Thuế đã tính luôn cho bên mua (khoảng 1,2 triệu đồng) nhằm sớm giải quyết vụ việc.

Ông Hoàng Văn Phúc- Giám đốc VPÐKÐÐ cho biết, thực tế, trên thửa đất của bà Khoa có tồn tại căn nhà. Hơn nữa, trong hồ sơ, chính bà Khoa cũng thừa nhận căn nhà này được xây từ năm 2007. Thế nên, theo quy định thì bà Khoa phải đóng tiền sử dụng đất, trừ trường hợp căn nhà này được xây cất trước (ngày 15.10.1993) 400m2 đất thổ cư là hạn mức chung cho khu vực đất ở nông thôn, nếu hiện tại gia đình bà Khoa không đủ khả năng đóng số tiền trên thì có thể xin ghi nợ (thời hạn 5 năm), hoặc bà Khoa đăng ký giảm diện tích đất ở xuống thấp hơn 400m2 tuỳ theo khả năng.

Ông Hoàng Văn Phúc còn cho hay, VPÐKÐÐ tiến hành đo đạc và thiết lập hồ sơ theo hiện trạng đất, sau đó chuyển qua cho Chi cục Thuế để thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với đương sự. Tiếp đến, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện sẽ kiểm tra lại và tham mưu cho UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDÐ.

Cùng ngày 17.1, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bàng còn lưu ý, vừa qua, Phó Chủ tịch UBND huyện có hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy chứng nhận QSDÐ. Theo đó, việc xác định loại đất phải căn cứ theo hồ sơ địa chính đã được quản lý qua các thời kỳ, tức cần rà soát kỹ về nguồn gốc sử dụng đất trong suốt quá trình người dân kê khai, Nhà nước quản lý.

Ðại ý, để xác định đúng loại đất, cần thiết phải kiểm tra hồ sơ “gốc” địa chính xem có phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hay không. Trường hợp của bà Châu Thị Khoa, để cấp đất ở cho bà cũng cần phải kiểm tra lại xem có phù hợp với vấn đề vừa trình bày hay không. Nếu không, thì chỉ có thể cấp giấy chứng nhận QSDÐ cho bà theo loại đất thực tế mà không có phần đất thổ cư.

“Nguyện vọng của vợ chồng tôi là chỉ muốn cơ quan chức năng xem xét cấp “sổ đỏ” cả thửa đất mà không cần phải có phần thổ cư, vì hoàn cảnh gia đình đang rất khó khăn, không có tiền đóng thuế sử dụng đất. Trước mắt, chúng tôi chỉ cần điều kiện để vay vốn làm ăn, sau này đủ khả năng sẽ xin chuyển phần đất đang có nhà lên thổ cư sau”- ông Tùng trình bày.

Theo Giám đốc VPÐKÐÐ Hoàng Văn Phúc, qua trích lục hồ sơ địa chính, nguồn gốc loại đất của bà Khoa có hai phần là đất lúa và một phần là đất trồng cây lâu năm.

QUỐC SƠN

Tin cùng chuyên mục