Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phải hiểu đúng về bạo lực học đường
Thứ tư: 13:06 ngày 12/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các chuyên gia cho rằng, bạo lực thể chất không chỉ ảnh hưởng đến người bị bạo lực mà còn ảnh hưởng đến người chứng kiến. Hình thức bạo lực khó nhận biết và khó kiểm soát nhất là bạo lực tinh thần (tâm lý, tình cảm...).

Thiếu nhi thành phố Tây Ninh thuyết trình tranh vẽ tại diễn đàn “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” năm 2018. Ảnh: Quế Hương

Gần đây, bạo lực học đường là một đề tài được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều người cho rằng những vụ việc mà các phương tiện truyền thông đề cập mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Vì vậy, việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết cho mọi người để phòng tránh, ngăn chặn có hiệu quả bạo lực học đường là một trong những biện pháp căn cơ, bền vững.

Bạo lực được hiểu là dùng sức mạnh để cưỡng bức, trấn áp, lật đổ... một cá nhân, thực thể nào đó. Bạo lực học đường là hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, trái với luân thường đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là hành vi xâm phạm thân thể, đời sống tâm lý của giáo viên, sinh viên, học sinh. Nó xảy ra và tồn tại trong môi trường giáo dục.

Hình thức của bạo lực học đường hết sức đa dạng, phức tạp nhưng có thể quy về một số phương diện. Trước hết, bạo lực về vật chất tức là những hành vi gây thiệt hại về đồ dùng, trang phục, phương tiện đi lại, chiếm đoạt tiền bạc, của cải, cố ý huỷ hoại hay làm hư hỏng các vật dụng của giáo viên, sinh viên, học sinh. Rất nhiều em không hiểu việc mình bôi bẩn quần áo, sách vở, xì hơi bánh xe của bạn đã là... bạo lực! Có em tưởng rằng mình yêu cầu một số bạn “cho tiền hoặc quà” để được bênh vực, che chở là yêu quý bạn…

Một hình thức khác thường xảy ra hơn là bạo lực về thể chất- tức là dùng hành động, sức mạnh cơ thể, vật dụng áp đặt lên người khác như cấu, véo, đấm, đá, đánh đập... thân thể người khác. Rất nhiều học sinh không biết rằng mình kéo tay, véo tai, giật tóc... bạn ngồi cạnh là bạo lực. Nhiều giáo viên nghĩ rằng mình có quyền phạt học sinh bằng khẽ tay, đánh vào mông, bắt thụt dầu, đứng úp mặt vào tường, vào bảng...  mà không phải là bạo lực.

Các chuyên gia cho rằng, bạo lực thể chất không chỉ ảnh hưởng đến người bị bạo lực mà còn ảnh hưởng đến người chứng kiến. Hình thức bạo lực khó nhận biết và khó kiểm soát nhất là bạo lực tinh thần (tâm lý, tình cảm...). Những lời nói, cử chỉ mang tính xúc phạm, những hành vi mắng mỏ, doạ nạt, gây ức chế đối với người khác... đều là bạo lực. Muôn hình vạn trạng nếu như thầy cô giáo, sinh viên, học sinh không cân nhắc, kiểm soát... lời nói, hành động  có thể vô tình vi phạm bạo lực học đường.

Nếu đặt câu hỏi, bạo lực học đường diễn ra ở đâu, nhiều người sẽ trả lời là trong trường học, lớp học... Câu trả lời đó đúng nhưng chưa đủ. Cùng với sự phát triển của xã hội, bạo lực học đường xảy ra mọi nơi, mọi lúc. Trong đó, những vụ bạo lực học đường xảy ra bên ngoài nhà trường như vườn hoa, công viên, những nơi vắng vẻ trên đường đi học... còn nghiêm trọng hơn bởi có tổ chức, có sự chuẩn bị và khó bị phát hiện.

Ngày nay, khi internet, mạng xã hội trở nên phổ biến thì việc bị bạo hành và tham gia bạo hành càng có cơ hội phát triển. Qua mạng, qua tin nhắn, qua gọi trực tiếp... người ta có thể nói xấu, chửi bới, xúc phạm, tẩy chay, cô lập một cá nhân nào đó, hay hứa hẹn nhau lập nhóm, lập hội để bạo hành người khác, nhóm khác. Ðối tượng của bạo lực học đường là học sinh, thầy cô giáo, nhân viên y tế, thư viện, bảo vệ và cũng có thể là các đối tượng khác như cha mẹ học sinh, thanh thiếu niên, cư dân gần trường học...

Thời gian vừa qua, bạo lực học đường đã xảy ra giữa thầy cô giáo với học sinh, học sinh với học sinh, phụ huynh với thầy cô giáo, phụ huynh với học sinh... Ví dụ một phụ huynh vào tận lớp lôi con mình về nhà với lý do thường xuyên nói dối, trốn học cũng là bạo lực học đường.


Học sinh tham gia diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường”

Nguyên nhân của bạo lực học đường cũng rất đa dạng. Trước hết xuất phát từ chính bản thân học sinh. Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi có sự chuyển biến về tâm lý, nhận thức, tính cách (người ta thường gọi là tuổi “ẩm ương”) chưa ổn định, thích hoạt động, thích “gây sự”, muốn giải thoát. Ða số các em có hành vi bạo lực thường có học lực không tốt, không thể khẳng định bản thân bằng kết quả học tập nên muốn thu hút sự chú ý bằng bạo lực, quậy phá... Những học sinh như vậy lại được “tiếp sức” bằng những tác động xấu từ bên ngoài, internet, mạng xã hội nên thích bắt chước, muốn thể hiện mình với những hành vi “mới, lạ”. Môi trường gia đình, xã hội cũng là một nguyên nhân của bạo lực học đường. Những cá nhân có hành vi bạo lực thường sống trong một gia đình không hạnh phúc, không được giáo dục đầy đủ. Cha mẹ rượu chè, cờ bạc, sống không lương thiện, có những hành động vũ phu sẽ ảnh hưởng lớn đến con cái và rất dễ có hành vi bạo lực. Cũng có những gia đình thương con, bao bọc con, chỉ nghe lời con trẻ mà thiếu đắn đo, suy nghĩ, sẵn sàng có hành vi bạo lực. Về phía nhà trường, những yếu tố như chương trình học quá tải, hàn lâm, nặng về lý thuyết nhẹ thực hành... cũng tạo nên áp lực đối với học sinh. Một số em có kết quả học tập không được như ý nên chán nản, bỏ bê việc học, chơi với bạn xấu.. rất dễ dẫn tới phạm pháp. Nhiều người cho rằng nội dung chương trình mới chú trọng đến những cái chung, cái lớn lao, trừu tượng mà chưa chú ý đúng mức việc giáo dục tình cảm thân thương, gần gũi với ông bà, cha mẹ, anh chị em, cô bác, gia tộc, tổ tiên... Cùng với đó là phương pháp giáo dục, giảng dạy chậm thay đổi, chưa phù hợp với sự thay đổi, phát triển tâm sinh lý của học sinh để góp phần bồi đắp lòng nhân ái, tạo niềm tin cho các em. Bạo lực học đường gây hậu quả nặng nề đối với học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội. Nó làm suy đồi đạo đức xã hội, làm lu mờ văn truyền thống “tôn sự trọng đạo” của dân tộc ta.

Phòng tránh và ngăn chặn bạo lực học đường là trách nhiệm của học sinh, giáo viên, nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Phải có những hiểu biết đúng về bạo lực học đường để giải quyết một cách căn cơ, bền vững. Học sinh phải có kỹ năng nhận biết các dấu hiệu, phải có thái độ và kỹ năng để phê phán, ứng phó, phòng chống, xử lý các tình huống khẩn cấp, phải biết kiềm chế để không trở thành chủ thể hay nạn nhân của bạo lực học đường. Ðối với giáo viên, bên cạnh việc giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho học sinh cần gương mẫu, khéo léo, tế nhị trong quan hệ với học trò. Hãy là bạn của các em, thể hiện sự quan tâm và lòng yêu thương chân thành để thông cảm, chia sẻ, khuyên bảo các em. Cần quan tâm hơn đến những em có hoàn cảnh đặc biệt. Lắng nghe và xem những điều gì đang diễn ra với học sinh của mình để kịp thời xử lý, ngăn chặn. Cũng cần thường xuyên liên hệ và hợp tác với gia đình trong việc giáo dục học sinh. Nhà trường cần có nhiều biện pháp như hướng dẫn cho các em kỹ năng kiềm chế, ứng xử, phân tích, xử lý và ứng phó với bạo lực học đường. Lãnh đạo nhà trường phải theo dõi sâu sát, ngăn chặn có hiệu quả và xử lý phù hợp khi có dấu hiệu xảy ra bạo lực học đường. 

Phòng tránh, ngăn chặn bạo lực học đường không thể thiếu vai trò của gia đình. Phụ huynh hãy xây dựng gia đình thành tổ ấm yêu thương, hạnh phúc, không tham gia bạo lực học đường. Cần phát hiện sớm khi con có những dấu hiệu của bạo lực học đường như sự bất thường trên cơ thể, bất ổn về tâm lý, thay đổi thói quen, có những biểu hiện lạ... Phải tìm hiểu rõ nguyên nhân, biết kiềm chế và tìm kiếm phương án xử lý nhân văn nhất. Cha mẹ phải là những tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, cách ứng xử cho con cái noi theo. Quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình và xã hội. Ðẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn hoá ở khu dân cư của cả hệ thống chính trị cũng là góp phần đẩy lùi nạn bạo lực học đường.

Bạo lực học đường, chuyện không  mới và không phải của riêng ai. Trong thời đại ngày nay, bạo lực học đường trở nên đa dạng và diễn biến phức tạp. Sự lây lan và hậu quả của nó là không thể đo lường. Cần nâng cao hiểu biết để cùng chung tay phòng tránh, ngăn chặn có hiệu quả bạo lực học đường, giúp thế hệ trẻ được sống trong một môi trường trong lành, phát triển thể chất, nhân cách, tinh thần và trí tuệ một cách hoàn thiện.

DIỆU MAI

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục