Thể thao   Bóng đá

BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Phải quan tâm đến khán giả, khán đài mới đông CĐV” 

Cập nhật ngày: 30/09/2017 - 07:52

Quyền chủ tịch CLB TP.HCM Lê Công Vinh và chủ tịch Hội CĐV bóng đá chuyên nghiệp VN (VFS) Trần Hữu Nghĩa đã nhận định như thế khi nói về tình trạng vắng khán giả ở V-League.


Hội CĐV trẻ CLB TP.HCM cổ vũ ở khán đài C trong trận thắng HAGL 1-0 ở vòng 19 V-League 2017. Ảnh: N.K

Cả hai cũng nói về giải pháp để kéo khán giả đến sân sau khi phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Bộ VH-TT&DL, tổng cục TDTT và LĐBĐVN (VFF) cần phải tổ chức một hội nghị mở rộng để lắng nghe tất cả ý kiến.

Quyền chủ tịch CLB TP.HCM Lê Công Vinh: “Phải làm cho khán giả hài lòng khi đến sân”

Tôi không dám bàn về chuyện vĩ mô làm sao để phát triển bóng đá VN. Ở vị trí một chủ tịch CLB, theo tôi, muốn kéo khán giả đến sân, chúng ta phải có cơ sở vật chất tốt. Sân vận động phải có chỗ ngồi đẹp để giới trẻ (đa phần sẽ đến sân) chụp ảnh, checkin cùng bạn bè. Dịch vụ kèm theo tại sân cũng phải tốt như các quầy ăn uống, giải trí.

Nhưng thực tế bóng đá VN hiện tại chẳng có CLB nào đáp ứng được các tiêu chuẩn trên cả. Người hâm mộ đến sân theo dõi trận đấu mà như phải chịu đựng thay vì thư giãn đúng nghĩa cùng gia đình vào mỗi chiều cuối tuần. Ngoài ra, các sân vận động ở VN đa phần cũng đều không có chỗ giữ xe cho người hâm mộ khi họ đến sân cổ vũ cho đội bóng. Không có chỗ gởi xe, họ đành phải gởi xe ở các bãi giữ xe bên ngoài với giá cao.

Chúng ta cứ thử nghĩ xem, mua chiếc vé vào sân xem trận đấu nhiều khi có 20 ngàn đồng (mệnh giá thấp nhất) nhưng phải tốn tiền giữ xe 30-40 ngàn đồng/xe. Số tiền trên không lớn với nhiều người, nhưng với nhiều người trẻ chưa đi làm, nó là số tiền không nhỏ và không đáng phải bỏ ra cao hơn so với thực tế.  

Từng thi đấu ở Bồ Đào Nha, Nhật Bản cũng như đi xem bóng đá ở nhiều nước khác như Thái Lan, Đức, tôi  thấy việc kéo khán giả đến sân là rất quan trọng. vì vậy, chúng tôi đã và đang làm việc với các doanh nghiệp để có nhiều chương trình ăn uống, vui chơi giải trí dành cho người hâm mộ khi đến sân Thống Nhất cổ vũ cho CLB TP.HCM. Chúng tôi muốn cho mọi người thấy rằng họ đến sân là được xem bóng đá (với người nam) và thư giãn (với người phụ nữ đi cùng).

Chúng tôi cũng đã phối hợp với Trung tâm TDTT Thống Nhất để sửa chữa lại các nhà vệ sinh để khán giả cảm thấy thoải mái. Và việc cho ra đời Hội CĐV trẻ CLB TP.HCM (ra mắt ở vòng 19) cũng là một bước thay đổi khác.

Nhiều người sẽ nói rằng tại sao lại phải thành lập ra đến hai Hội CĐV dễ tạo ra sự phân hóa, mất đoàn kết. Nhưng tôi không nghĩ thế bởi không phải CĐV lớn tuổi nào ở Hội CĐV CLB TP.HCM ngồi ở khán đài B cũng có thể nhảy múa, hò hét suốt trận. Do đó, sự ra đời của Hội CĐV trẻ ngồi ở khán đài C sẽ là sự hỗ trợ, tương tác tốt cho đội bóng.    

Chủ tịch Hội VFS Trần Hữu Nghĩa: “Đừng để người ta chế nhạo bóng đá VN chơi theo chiến thuật hihi haha”.

Trong 3 nguyên nhân mà phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng cần làm rõ nguyên nhân nào thực sự khiến người hâm mộ không đến sân nhiều trong thời gian qua, tôi thấy bóng đá VN đều có cả.

Đó là sân bãi không tốt, trình độ cầu thủ chưa cao và giải đấu chưa thực sự trong sạch. Vấn đề là khi mở hội nghị mở rộng để lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người như đề xuất của phó thủ tướng, chúng ta cần phải nhìn nhận những tồn tại một cách thẳng thắn, không giấu diếm, vì bóng đá VN chứ không phải theo kiểu vạch trần hay lật mặt mà cách một nhóm người mang danh nghĩa chấn hưng bóng đá đang làm.

Đúng là thực tế trong hai năm trở lại đây, những điểm tụ tập xem và ủng hộ cho bóng đá VN như Nhà văn hóa thanh niên đã không còn đông như trước mỗi khi có trận đấu diễn ra. Nhưng cho dù không đông, người hâm mộ cũng chưa bao giờ quay lưng với đội tuyển hay U-22.

Như ở SEA Games 2017 vừa qua, có những trận đấu diễn ra khi trời mưa, vậy mà người hâm mộ vẫn đến Nhà văn hóa thanh niên xem và cổ vũ cho thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng thay vì ngồi nhà xem tivi. VFF hay tổng cục TDTT cần phải nhìn hình ảnh ấy để làm cơ sở xây dựng cho bóng đá VN phát triển hơn thay vì èo uột như hiện nay.

Quy chế bóng đá chuyên nghiệp VN quy định phải có sân riêng. Nhưng đa số các CLB đều sử dụng sân của ngành TDTT tỉnh nhà. Sân thuê mượn thì làm sao đòi hỏi các CLB nghĩ đến việc đầu tư cho sân bãi tốt được. Như chuyện nhà vệ sinh là ví dụ. Sân Thống Nhất ngày trước, khán giả nam lẫn nữ phải đi chung nhà vệ sinh ở khán đài D. Hay khi Đồng Nai còn đá V-League, khán giả đi xem muốn đi vệ sinh phải đi vòng ra ngoài và "trút bầu tâm sự" vào bức tường có dòng chữ “Nơi đi vệ sinh”.

Sân Thống Nhất lác đác khán giả trong một trận đấu của CLB Sài Gòn. Ảnh: N.K

Còn những sân có phòng vệ sinh thì cũng hôi hám, dơ bẩn khiến khán giả chẳng dám bước vào. Rồi chuyện gởi xe. Chúng tôi đến sân Gò Đậu (Bình Dương) xem bóng đá, gởi xe mất 10 ngàn trong bãi xe rất rộng. Nhưng đến sân Thống Nhất, chúng tôi phải gởi ở các bãi xe tự phát quanh sân với giá 30-40 ngàn/xe máy, thậm chí 50 ngàn đồng. Gửi xe giá cao như vậy, ai mà muốn đi xem nữa.

Ai có theo dõi diễn biến V-League thì đều biết giải bóng đá cao nhất VN này vẫn còn những trận đấu bạo lực, không trung thực. Cầu thủ Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) phải giải nghệ ở tuổi 26 là ví dụ rõ nhất cho tình trạng bạo lực ở V-League.

Người ta nói vui rằng bóng đá Tây Ban Nha hay CLB Barcelona nổi tiếng với lối chơi tiki taka thì VN cũng có lối chơi hihi haha. Xin lỗi chứ đá không có chiến thuật nào, làm trò cười không thì ai mà coi”.

Nguồn TTO