BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phải tự chịu trách nhiệm nếu vaccine H1N1 viện trợ gây biến chứng

Cập nhật ngày: 10/12/2009 - 02:48

Ngày 9.12, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết: “Muốn nhận được vaccine vaccine cúm A/H1N1 được tài trợ từ các nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam phải ký vào một bản cam kết trong đó có nội dung nhà sản xuất vaccine và WHO không chịu bất cứ một trách nhiệm nào nếu xảy ra trường hợp biến chứng hoặc tử vong do tiêm loại vaccine này”.

Trước đó, theo thông báo của WHO, lô vaccine cúm A/H1N1 AREPANRIX A80CA007A do công ty GlaxoSmithKline (GSK) sản xuất đã gây phản ứng phụ cho người dân tại Canada, khiến họ đã phải nhập viện. Điều đáng nói là loại vaccine Việt Nam được tài trợ chính là loại vaccine đã gây ra tác động bất lợi nghiêm trọng sau khi tiêm cho nhiều người dân tại Canada.

Thông báo ngày 9.12 của WHO cho biết, báo cáo giám sát vaccine ngày 4.12 của Cơ quan Y tế Công cộng Canada cho thấy đã có bảy trường hợp xác nhận sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine từ lô REPANRIX A80CA007A của GSK. 

Tổng cộng đã có 172.000 liều được phân phối, tuy nhiên sau khi công bố thu giữ, còn khoảng hơn 14.700 liều chưa sử dụng. Tính toán dựa trên số lượng liều chưa sử dụng, tần suất sốc phản vệ sau tiêm chủng do vaccine từ lô REPANRIX A80CA007A là 4 trường hợp/ 100.000 liều được phân phối. 

Tần xuất này cao hơn khi so sánh với tỷ lệ thông thường là 0.1-1 trường hợp/100.000 liều. Trong khi chờ đợi điều tra thêm, vaccine chưa sử dụng từ lô này đã bị thu hồi. 

Trong khi đó, một trong những điều kiện để WHO cung cấp vaccine tài trợ cho Việt Nam là Việt Nam sẽ phải ký vào một bản cam kết trong đó có nội dung nhà sản xuất vaccine và WHO không chịu bất kỳ một trách nhiệm nào nếu xảy ra trường hợp biến chứng hoặc tử vong do loại vaccine này gây nên! 

Theo ông Hiển, đây là quy định quốc tế. Nhà sản xuất vaccine sẽ vẫn phải cung cấp đầy đủ thông tin về vaccine (như nguồn gốc, tính an toàn, độ hiệu quả, …) cho bên tiếp nhận. 

“Vì thế, Việt Nam cũng phải chờ đợi kết quả báo cáo chính thức từ phía Canada. Chúng ta phải cân nhắc, chọn lựa thật kỹ lưỡng giữa nguy cơ và lợi ích trong vấn đề này”, ông Hiển nói. 

Đến nay, theo thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), các nước khác nằm trong diện viện trợ (trong đó có Việt Nam) sẽ vẫn sử dụng loại vaccine của GSK trong chiến dịch tiêm chủng ngừa cúm A/H1N1. Tuy nhiên, riêng lô vaccine gây phản ứng tại Canada sẽ bị loại khỏi kế hoạch sử dụng vaccine của Việt Nam. 

Hiện WHO đã sẵn sàng cung cấp vaccine phòng cúm A/H1N1 cho Việt Nam. Có thể bắt đầu ngay từ ngày 9.12, Việt Nam đã có thể tiếp nhận loại vaccine này. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa ký thoả thuận với WHO. 

Lý do chưa ký thoả thuận với WHO, theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) là Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp thông tin về độ an toàn, tính hiệu quả của vaccine cúm A/H1N1 của GSK do WHO viện trợ. Kế hoạch triển khai tiêm vaccine cúm A/H1N1 do WHO tài trợ cũng đã được Việt Nam xây dựng hoàn chỉnh và trình nhưng chưa được ký duyệt.

WHO khuyến cáo Việt Nam cũng cần chuẩn bị đối phó với các trường hợp bị sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine cúm A/H1N1. Sốc phản vệ có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được chăm sóc y tế kịp thời. Các cơ quan chính quyền cũng cần chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận và tiến hành điều trị thích hợp đối với các phản ứng này. 

Hiện WHO tiếp tục điều phối mạng lưới giám sát toàn cầu để thu thập và ứng phó khi có thông báo về các trường hợp bất lợi sau tiêm chủng. WHO sẽ tiếp tục cung cấp cho Chính phủ Việt Nam thông tin về các trường hợp bất lợi do vaccine cúm A/H1N1 gây ra.  

K.D (tổng hợp)