Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Năm nay đã 64 tuổi, ông Phạm Văn Thái- một thương binh 4/4 ngụ ấp Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành vẫn còn hoạt bát, năng nổ và luôn đi đầu trong các phong trào hoạt động xã hội ở địa phương.
Ông Thái chăm sóc vườn rau.
Cách đây 45 năm, chàng trai 19 tuổi Phạm Văn Thái từ giã quê nhà ở Ninh Bình để vào quân đội. Sau 3 tháng quân trường, anh lính trẻ được phiên chế vào Ðoàn 205 và vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, người lính ấy đã tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ trên các chiến trường và đã 4 lần bị thương do bom, đạn của Mỹ, nguỵ.
Ngày đất nước thống nhất, ông Thái vẫn tiếp tục tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Giai đoạn này, ông Thái cũng từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt.
Trong đó có trận mở màn cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam trên đất Tây Ninh diễn ra ngày 10.2.1977 tại huyện Bến Cầu. Sau đó, ông tiếp tục cùng đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang giúp nước bạn Campuchia. Trên đất nước chùa Tháp, trong một trận đánh ác liệt với quân Khmer đỏ, ông Thái đã bị thương và chịu thương tật 4/4. Năm 1984, ông chuyển ngành, đến năm 2002 thì nghỉ hưu.
Trở về với cuộc sống đời thường, ông Thái phải đối mặt với gánh nặng mưu sinh. Ðể nuôi dạy 5 đứa con còn nhỏ dại, vợ chồng ông phải bươn chải đủ nghề. Tuy bản thân bị thương tật khắp người, việc đi đứng khó khăn, nhưng ông Thái vẫn cố gắng làm lụng để kiếm tiền lo cho gia đình. Mỗi ngày, ông thức dậy thật sớm đi chở hàng về cho vợ bán.
Vất vả nhiều năm, lần hồi hai vợ chồng cũng nuôi được cả 5 người con khôn lớn, thành tài. Trong số các con của ông bà, hiện có 2 người đã tốt nghiệp đại học, 3 người còn lại cũng đã có việc làm ổn định. Thời gian gần đây, vợ chồng ông Thái không buôn bán nữa, chỉ ở nhà trồng rau và chăn nuôi heo.
Với gần 300 mét vuông đất vườn, ông Thái trồng đủ các loại rau và đậu bắp; cứ cách vài ngày lại thu hoạch một lần. Mỗi lần thu hoạch, đem bán cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng. Khoản thu nhập này cộng với lương hưu cũng đủ để hai ông bà sống qua ngày.
Thời gian này ông Thái tham gia công tác xã hội ở địa phương nhiều hơn. Là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Bình Phong, ông Thái rất tích cực trong các hoạt động- từ việc vận động nhân dân đóng góp cho phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, quỹ giảm nghèo đến việc ủng hộ xây dựng nông thôn mới.
Ông còn đi vận động các mạnh thường quân ủng hộ để giúp đỡ các đồng đội cũ, các hội viên cựu chiến binh gặp khó khăn. Những đóng góp của ông đã góp phần tích cực cho xã Thái Bình đạt chuẩn nông thôn mới.
Nay tuổi đã cao, nhưng ông Thái vẫn tỏ ra yêu đời, yêu cuộc sống. Lúc rảnh rỗi, ông lại đem đàn ra tập dượt để giúp vui cho đồng đội trong những buổi họp mặt. Qua câu chuyện, ông Thái bày tỏ tâm tư: “Ước mơ lớn nhất của tôi là có sức khoẻ để sống vui cùng vợ con và còn đi vận động nhằm giúp đỡ những đồng đội cũ, những hội viên còn khó khăn để họ có cuộc sống tốt hơn”.
Nói về ông Thái, bà Lê Thị Thu Hương- Chủ tịch UBND xã Thái Bình nhận xét: “Ðó là một cựu chiến binh rất năng nổ, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luôn đi đầu trong mọi hoạt động ở địa phương. Sự phấn đấu vươn lên vượt qua nghèo khó và sự đóng góp của ông Thái cho địa phương chính là tấm gương sáng để mọi người noi theo”.
Minh Thư