Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thu hút đầu tư, phát triển kinh tế đối ngoại: Góp phần quan trọng vào sự phát triển của Tây Ninh
Phần 1: Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt
Thứ năm: 23:50 ngày 12/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”...

Người lao động làm việc tại một doanh nghiệp ở KCN Phước Đông (ảnh minh hoạ: Hoàng Anh)

Đại hội XII (năm 2016) của Đảng bổ sung và hoàn thiện quan điểm về kinh tế đối ngoại: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, chú trọng chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; chủ động lựa chọn và có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ quản lý và công nghệ hiện đại, có vị trí hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu, có liên kết với doanh nghiệp trong nước.

Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”, thống nhất “sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Trong đó, thu hút đầu tư được xem là một chủ trương lớn để phát triển nền kinh tế. Nhân kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 36 năm đất nước đổi mới, Báo Tây Ninh có cuộc trò chuyện với ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư để nhìn lại một chặng đường dài trong việc thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Vì là chặng đường dài, nhiều thông tin, xin chia cuộc trò chuyện thành ba phần để tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc theo dõi.

PV: Dòng vốn đầu tiên về đầu tư nước ngoài vào Tây Ninh bắt đầu từ khi nào, của nhà đầu tư nào, đầu tư vào địa bàn nào, sản xuất, kinh doanh mặt hàng nào, hiệu quả ra sao, đến nay, nhà đầu tư đó còn hoạt động ở Tây Ninh không?

- Ông Trịnh Ngọc Phương: Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam lần đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 29.12.1987. Do Luật ĐTNN mới đi vào thực hiện, thị trường đầu tư của Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng còn mới mẻ với các nhà ĐTNN, nên từ giai đoạn 1987 - 1992, tỉnh Tây Ninh chưa tiếp nhận được dự án FDI nào, chủ yếu vẫn là các hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu môi trường kinh doanh của các nhà ĐTNN. Đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Tây Ninh, có thể chia ra 5 giai đoạn như sau:

Giai đoạn trước năm 2000:

Trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐTNN tại Việt Nam trong các năm 1990, 1992 và năm 1996 cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư, các nhà ĐTNN đã quan tâm nhiều hơn đến thị trường đầu tư tại Việt Nam và tỉnh Tây Ninh. Giai đoạn 1993-1999 đã đánh dấu bằng việc Tây Ninh tiếp nhận 24 dự án ĐTNN, tổng số vốn đăng ký 195,829 triệu USD, trong đó có dự án đến nay vẫn còn hoạt động ổn định, cụ thể: Dự án Nhà máy sản xuất tinh bột khoai mì, đường glucoza (mạch nha), đường fructose, kẹo của Công ty cổ phần Khoai mì Tây Ninh; Dự án sản xuất tinh bột sắn cao cấp của Công ty TNHH Thành Vi; Dự án sản xuất dây thừng, dây cáp, dây đai của Công ty TNHH công nghiệp Penro.

Giai đoạn 2000-2005:

Đến năm 2000, khi Khu công nghiệp Trảng Bàng- là khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh Tây Ninh được thành lập, số lượng dự án tăng rõ rệt. Trong giai đoạn này, trên địa bàn đã thu hút được 106 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 289,574 triệu USD (bao gồm cả vốn tăng thêm).

Giai đoạn 2006-2015: Kết quả thu hút giai đoạn 2006-2015 cấp mới đạt 195 dự án, vốn thu hút (kể cả vốn tăng thêm) đạt 3.314,79 triệu USD.

Giai đoạn 2016-2018: Luật Đầu tư năm 2014 đánh dấu sự đổi mới toàn diện về thể chế, mở ra môi trường đầu tư thông thoáng, giai đoạn này đánh dấu quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết. Việc thu hút đầu tư nước ngoài đối với tỉnh Tây Ninh đầy khởi sắc. Giai đoạn từ 2016-2018, tỉnh Tây Ninh đã thu hút được 76 dự án FDI, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 2.534,38 triệu USD, có 83 lượt dự án FDI tăng vốn, với số vốn tăng thêm 1.044,14 triệu USD.

Từ năm 2019 đến nay (17.3.2022), trên địa bàn tỉnh có 346 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 8.635 triệu USD, trong đó có 240 dự án hoạt động với số vốn 6.669 triệu USD; 42 dự án đang xây dựng với số vốn 949 triệu USD; 51 dự án chưa triển khai với số vốn 982 triệu USD; 13 dự án dừng hoạt động với số vốn 35 triệu USD; vốn thực hiện luỹ kế chiếm khoảng 50% tổng vốn đăng ký.

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của kinh tế đối ngoại đối với sự phát triển của Tây Ninh, ông có thể đưa ra một cái nhìn tổng thể về thu hút, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Tây Ninh, kể từ buổi ban đầu cho đến nay?

- Ông Trịnh Ngọc Phương: Xác định kinh tế đối ngoại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của công tác đối ngoại, trong những năm qua, UBND tỉnh đã coi trọng thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 15.4.2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tăng cường quan hệ với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước... đạt được kết quả khả quan. Quan hệ hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia ngày càng phát triển và củng cố.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường công tác ngoại giao trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đã tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, đem lại hiệu quả thiết thực- nhất là về hợp tác đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một số kết quả đạt được như sau:

Mở rộng và đưa quan hệ hợp tác quốc tế với các nước đi vào chiều sâu, tham gia các liên kết kinh tế, diễn đàn kinh tế đa phương nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực cho phát triển kinh tế của tỉnh.

Về ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế:

Tính đến nay, Tây Ninh đã ký kết 6 thoả thuận hợp tác quốc tế nhân danh cấp tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh Tây Ninh ký 2 bản thoả thuận hợp tác với các địa phương của Hàn Quốc (thành phố Gimhae, tỉnh Gyeongsangnam và thành phố Chungju, tỉnh Chungcheongbuk) và 4 thoả thuận hợp tác với các tỉnh thuộc Campuchia (Svay Rieng, Prey Veng, Tboung Khmum và Kampong Cham).

Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai ký kết và thực hiện những thoả thuận đã ký kết với đơn vị bạn tương ứng.

Nhìn chung, công tác ký kết và thực hiện thoả thuận hợp tác được triển khai theo hướng ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả. Việc ký kết và thực hiện các thoả thuận quốc tế của tỉnh với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia thời gian qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy công tác đối ngoại; củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, toàn diện với các tỉnh giáp biên; duy trì, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, phát triển, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Campuchia; huy động tích cực các nguồn lực bên ngoài vào phát triển kinh tế xã hội.

Việt Đông

(còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục