Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phản biện xã hội đối với dự thảo dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Thứ tư: 19:40 ngày 13/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 13.4, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng hình thức trực tuyến trên toàn quốc.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Ông Lê Tiến Châu- Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Ngô Sách Thực- Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Tây Ninh, ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị.

Sau khi được trình, xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 9, ngày 23.3.2022 và tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo Thông báo số 831/TB-TTKQH ngày 26.3.2022, dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được đưa ra lấy ý kiến phản biện xã hội trên phạm vi toàn quốc.

Luật này quy định chung về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại đơn vị hành chính cấp xã, đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân…

Từ định hướng và gợi ý nội dung trọng tâm cần phản biện của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đại biểu tham dự hội nghị tập trung ý kiến phản biện về tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở so với quy định Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành; phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật; các quy định thể hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; các quy định về dân chủ cơ sở ở cấp xã, khu dân cư; vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong dự thảo luật…

Tại Tây Ninh, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành công văn gửi đến Ban Thường vụ các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ cấp huyện, thành viên Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật tỉnh để lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Có nhiều ý kiến góp ý về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, cụ thể: tại khoản 6, Điều 8 cần bổ sung cụm từ “gây rối làm mất đoàn kết nội bộ”, thực tế có những trường hợp lợi dụng thực hiện quyền dân chủ để đăng tin, đưa hình ảnh hoặc nêu những vấn đề nhằm bôi nhọ, gây rối, làm mất đoàn kết nội bộ… những hành vi này cần quy định nghiêm cấm.

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào đoạn cuối khoản 7, Điều 13 nội dung “kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân liên quan đến đạo đức, lối sống, lề lối làm việc”. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân liên quan đến đạo đức, lối sống, lề lối làm việc của cán bộ cơ sở, nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với tình hình chung là chỉnh đốn xây dựng Đảng, củng cố chính quyền cơ sở, tính nêu gương của người đứng đầu và cán bộ đảng viên, cần thiết phải công khai và chịu sự giám sát của nhân dân.

Dự thảo Điều 31 nêu ra 2 hình thức để nhân dân thực hiện giám sát: thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm hình thức giám sát thứ 3 là nhân dân tham gia các hoạt động giám sát của HĐND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp khi được mời…

Ông Lê Tiến Châu- Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định việc xây dựng và ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở rất cần thiết. Nếu dự thảo luật được thông qua và tổ chức thực hiện tốt sẽ góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, cơ sở pháp lý đẩy mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu thấu đáo, rà soát kỹ để bảo đảm dự án Luật thống nhất, liên thông, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp, cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ các nội dung phản biện tại hội nghị và các ý kiến chuyển bằng văn bản để gửi đến Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan.

Phương Thảo

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục