Năm 2008, tình trạng phân bón kém chất lượng lưu hành trên thị trường ngày càng đáng lo ngại, trong đó có thị trường tỉnh Tây Ninh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức nhiều đợt thanh tra chất lượng phân bón, đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và đã xử phạt theo quy định. Thế nhưng tình hình vi phạm thực chất vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu.
NĂM 2008- CÓ ĐẾN 45% MẪU PHÂN BÓN KIỂM TRA KHÔNG ĐẠT CHẤT LƯỢNG
Năm 2008, Đoàn thanh tra chuyên ngành Sở NN-PTNT đã lấy 20 mẫu phân bón- cả dạng hạt, bột và nước của 18 công ty sản xuất phân bón trong và ngoài tỉnh gửi kiểm định tại Trung tâm Đo lường Chất lượng 3 TPHCM. Kết quả kiểm định cho thấy trong 20 mẫu có đến 9 mẫu không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã đăng ký ghi nhãn trên bao bì. Tính ra, số mẫu phân bón không đạt chất lượng chiếm tỷ lệ đến 45% trong tổng số mẫu được Đoàn thanh tra lấy ngẫu nhiên để kiểm định. Loại phân bón có tỷ lệ kém chất lượng cao nhất là phân hữu cơ- kiểm tra 6 mẫu thì có đến 4 mẫu kém chất lượng, chiếm tỷ lệ đến 66,6%. Kế đến là phân bón lá- kiểm tra 2 mẫu thì có 1 mẫu kém chất lượng- chiếm tỷ lệ 50%. Cuối cùng là phân hỗn hợp N-P-K- kiểm tra 9 mẫu thì có đến 4 mẫu kém chất lượng, chiếm tỷ lệ hơn 44%. Tổng số lượng phân bón vi phạm chất lượng do thanh tra Sở NN-PTNT phát hiện gồm có 92 tấn dạng bột, hột và gần 100 lít dạng nước.
Đồng thời, Sở NN-PTNT lập Đoàn thanh tra liên ngành tổ chức thanh tra đột xuất tình hình sản xuất- kinh doanh tại cơ sở Thabico chuyên sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và phân bón NPK ở xã Trường Đông, huyện Hoà Thành theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Kết quả là doanh nghiệp này không đảm bảo đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật theo quy định về sản xuất phân bón; đồng thời cũng không có phòng thí nghiệm, không có cán bộ kỹ thuật đủ trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu. Đoàn thanh tra liên ngành kiến nghị cấp có thẩm quyền tạm đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp này trong thời hạn 9 tháng để tự khắc phục tồn tại những thiếu sót về điều kiện sản xuất theo đúng các tiêu chuẩn quy định của pháp luật.
Riêng về phân bón giả, đến nay ngành NN-PTNT chưa phát hiện có sản xuất hoặc lưu hành trên thị trường trong địa bàn tỉnh.
MỨC XỬ PHẠT CHƯA ĐỦ SỨC RĂN ĐE
Theo xác định của Sở NN-PTNT, đến nay Tây Ninh đã phát hiện nhiều trường hợp sản xuất- kinh doanh phân bón kém chất lượng nhưng chưa phát hiện trường hợp sản xuất- kinh doanh phân bón giả. Tuy nhiên, phân bón kém chất lượng cũng gây thiệt hại rất lớn cho nông dân do hiệu quả sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Thế nhưng thực tế mức độ xử phạt thì vẫn còn quá nhẹ nhàng, chưa đủ sức răn đe các doanh nghiệp sản xuất- kinh doanh phân bón kém chất lượng.
Từ kết quả các đợt thanh tra trong năm 2008 cho thấy vẫn còn có nhiều điều rất đáng quan tâm, trong đó tỷ lệ mẫu phân bón kém chất lượng chiếm đến 45% tổng số mẫu kiểm tra là điều đáng quan tâm trước tiên. Con số này cho thấy tình trạng phân bón kém chất lượng đang lưu hành trên thị trường đã đến mức phải “báo động”. Kế đến là các biện pháp xử lý trong thời gian qua hầu như chưa có tác dụng tích cực đối với các đơn vị sản xuất phân bón. Biện pháp xử lý hiện nay đối với sản xuất- kinh doanh phân bón kém chất lượng là xử phạt vi phạm hành chính, nhưng với mức phạt còn quá…“tượng trưng”. Cụ thể, năm 2008 ngành NN-PTNT đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với các công ty sản xuất phân bón vi phạm chất lượng với tổng số tiền 61 triệu đồng. Có tất cả 9 mẫu phân bón không đạt chất lượng với số lượng vi phạm lên đến hơn 90 tấn mà tính ra bình quân mỗi loại phân bón kém chất lượng, đơn vị sản xuất chỉ phải chịu phạt chưa đến… 7 triệu đồng. Trong khi đó, nếu lượng phân bón kém chất lượng này không bị phát hiện, khi bán hết thì chỉ khoản thu chênh lệch do kém chất lượng sẽ gấp nhiều lần số tiền phải nộp phạt. Do đó mà biện pháp xử phạt hành chính hiện nay gần như chẳng làm cho đơn vị sản xuất “bận tâm” nhiều. Hậu quả là phân bón kém chất lượng vẫn còn có mặt trên thị trường và người nông dân vẫn phải chịu thiệt thòi khi mua phải loại phân bón này.
CẦN NÂNG CAO MỨC XỬ PHẠT VÀ CÓ BIỆN PHÁP CHẾ TÀI NGHIÊM KHẮC
Năm 2009, Sở NN-PTNT tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành của Sở phối hợp với các ngành liên quan thanh tra định kỳ, độ xuất các cơ sở sản xuất phân bón và các cửa hàng kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng phân bón kém chất lượng tung ra thị trường, hạn chế thiệt hại cho nông dân. Song song đó, ngành NN-PTNT khuyến cáo nông dân khi mua phân bón nên chọn các loại có uy tín, có thương hiệu và có xuất xứ rõ ràng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN-PTNT thì khó khăn hiện nay trong việc ngăn chặn tình trạng phân bón kém chất lượng là quy định hiện hành mức xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền đối với hành vi sản xuất- kinh doanh các loại phân bón kém chất lượng còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe (chỉ xử lý hình sự đối với hành vi hành vi buôn bán hàng giả). Do đó, Sở NN-PTNT kiến nghị các cấp có thẩm quyền nâng cao mức xử phạt so với quy định hiện hành thì mới khiến cho các đơn vị sản xuất phân bón không dám vi phạm về chất lượng. Đồng thời, cũng phải có biện pháp chế tài nghiêm khắc như buộc các đơn vị sản xuất phân bón kém chất lượng phải bồi thường lại cho nông dân khi đã lỡ mua về sử dụng- không chỉ bồi thường tiền chênh lệch phân kém chất lượng so với chất lượng đã đăng ký mà còn phải bồi thường cả thiệt hại về năng suất, chất lượng cây trồng.
SƠN TRẦN
Ảnh:
- Năng suất và chất lượng cây trồng phụ thuộc nhiều vào chất lượng phân bón.
- Phân bón lá cũng có loại kém chất lượng.