Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phân chia 3 vùng để bảo vệ môi trường tỉnh Tây Ninh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 

Cập nhật ngày: 13/11/2023 - 09:14

BTN - Theo Nghị quyết số 117 được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khoá X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 22.9.2023, tỉnh Tây Ninh phân chia 3 vùng để bảo vệ môi trường tỉnh Tây Ninh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trung tâm thành phố Tây Ninh, vùng được xác định bảo vệ nghiêm ngặt về môi trường, bảo đảm cuộc sống xanh - sạch - đẹp,hướng đến đô thị loại II trong thời gian tới.

Cụ thể, vùng bảo vệ nghiêm ngặt: Gồm các khu dân cư tập trung ở đô thị (khu vực nội thành, nội thị) của các đô thị loại II, loại III trên địa bàn tỉnh, bao gồm các phường thuộc thành phố Tây Ninh (đô thị loại II), các phường thuộc thị xã Hoà Thành và thị xã Trảng Bàng (đô thị loại III).

Cùng với đó, nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh  hoạt: Vùng nước mặt cần bảo vệ hồ Dầu Tiếng; khu bảo tồn, cũng là di sản thiên nhiên theo khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (huyện Tân Biên); các khu bảo vệ cảnh quan gồm núi Bà Đen (thành phố Tây Ninh và huyện Dương Minh Châu), Căn cứ Đồng Rùm (xã Tân Thành, huyện Tân Châu), Căn cứ Huyện uỷ Châu Thành (huyện Châu Thành); các di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia đã được công nhận.

Vùng hạn chế phát thải: các vùng đệm của các khu bảo tồn (Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen); vùng đất ngập nước quan trọng hồ Dầu Tiếng; hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; khu dân cư tập trung là nội thành, nội thị của các đô thị được quy hoạch loại IV và V; rừng phòng hộ Dầu Tiếng; khu vui chơi giải trí dưới nước theo quyết định của uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Vùng bảo vệ khác: Bao gồm các khu vực còn lại, trong đó đáng chú ý là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề có khả năng gây ô nhiễm cao.

Tỉnh Tây Ninh cũng chú trọng bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng; nâng cao hiệu quả bảo tồn các loài hoang dã, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; duy trì bảo tồn và phát triển nguồn gen; sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái.

Tổ chức quản lý, vận hành hiệu quả khu bảo tồn Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, các khu bảo vệ cảnh quan gồm núi Bà Đen, Căn cứ Đồng Rùm, Căn cứ Huyện uỷ Châu Thành và các khu di tích lịch sử nằm trong quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia.

Tăng cường hợp tác nghiên cứu đa dạng sinh học, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn trong hệ thống các Vườn di sản ASEAN; phát triển du lịch sinh thái hài hoà với bảo vệ môi trường, lựa chọn các loại hình, quy mô du lịch hợp lý.

Một nội dung quan trọng khác được các đại biểu Hội đồng nhân dân thông qua trong quy hoạch phát triển tỉnh Tây Ninh thời gian tới là phương án phân bổ không gian các nghĩa trang.

Theo đó, đối với nghĩa trang cấp tỉnh, sẽ nâng cấp, hoàn thiện nghĩa trang tập trung liên đô thị Trường Hoà với đầy đủ các hạng mục như nhà hoả táng, nhà tưởng niệm, nhà lưu cốt, tượng đài… tại xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành phục vụ cho thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành và thị trấn Chà Là, huyện Dương Minh Châu trong tương lai.

Duy trì nghĩa trang Cực lạc Thái Bình tại xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, phục vụ người dân theo đạo Cao Đài, khoanh vùng không mở rộng và cải tạo nâng cấp thành nghĩa trang công viên.

Còn tại các địa phương, dự kiến xây dựng mới 8 nghĩa trang vùng huyện, liên đô thị cho các huyện chưa có nghĩa trang cấp huyện, trong đó: Tân Biên có 1 công trình, Tân Châu 3 công trình, Châu Thành 2 công trình, Gò Dầu 1 công trình và thị xã Trảng Bàng 1 công trình.

Quy hoạch nghĩa trang tập trung cấp xã đã xác định trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bảo đảm theo tiêu chí quy hoạch nông thôn mới, mỗi xã xây dựng nghĩa trang tập trung phục vụ cho người dân.

Đến năm 2030 có 6 cơ sở hoả táng, 11 nhà tang lễ tại các đô thị, khu đô thị trên địa bàn tỉnh.

Đức An