Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đến nay đã xây dựng 5/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết XI: 4/7 xã) và dự kiến đến cuối năm 2019 có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Người dân tham gia làm đường nông thôn mới tại xã Trường Đông.
Năm 2010, huyện Hoà Thành bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Sau gần 10 năm triển khai, với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền cũng như sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đạt được những kết quả khả quan, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, số tiêu chí bình quân/xã tăng đều hằng năm. Đến nay đã xây dựng 5/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết XI: 4/7 xã) và dự kiến đến cuối năm 2019 có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trong giai đoạn đầu, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, do liên quan đến nhiều chuyên ngành, lĩnh vực, khối lượng công việc nhiều, nên được phân cấp triệt để cho cơ sở. Tuy nhiên, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức xã còn hạn chế, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, vì vậy khá lúng túng trong triển khai thực hiện. Mặt khác, một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chương trình, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thụ động hoặc nóng vội.
Một vấn đề khó khăn nữa là, nhu cầu vốn cho xây dựng NTM rất lớn, nhưng kinh phí đầu tư từ ngân sách và sự đóng góp của nhân dân còn có hạn; tư tưởng sản xuất nhỏ, tự cấp, tự túc trong nông thôn còn nặng nề; ruộng đất ít, lao động nhiều nên việc tích tụ ruộng đất còn khó khăn; sản xuất nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro cao nên khó thu hút doanh nghiệp về đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác triển khai Chương trình xây dựng NTM gắn với thực hiện Đề án cơ cấu lại nông nghiệp thực hiện còn chậm so với yêu cầu. Liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học chậm phát triển, thiếu bền vững; việc huy động nguồn lực từ các nguồn ngoài ngân sách còn hạn chế, nhất là từ doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và nội lực đóng góp từ người dân.
Trước những khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền triển khai nhiều giải pháp thiết thực để vượt qua những khó khăn, thách thức, đặc biệt là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức mục đích, ý nghĩa của chương trình, tích cực tham gia, đóng góp sức người, sức của như làm đường giao thông nông thôn, chăm lo sự nghiệp giáo dục, xây dựng môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, giúp nhau phát triển kinh tế giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự khu dân cư… góp phần làm thay đổi tích cực diện mạo nông thôn.
Việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới cũng góp phần rất lớn vào những kết quả khả quan mà huyện đạt được thời gian qua. Giai đoạn 2011-2015, tổng vốn huy động thực hiện chương trình hơn 592 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 410 tỷ đồng- chiếm 68,97%; vốn doanh nghiệp hơn 11 tỷ đồng- chiếm 1,93%; vốn nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 42 tỷ đồng- chiếm 7,15%....
Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn huy động hơn 928 tỷ đồng; vốn ngân sách đầu tư trực tiếp hơn 314 tỷ đồng- chiếm 33,83%; vốn doanh nghiệp hơn 150 tỷ đồng- chiếm 16,16%; vốn nhân dân đóng góp gần 104 tỷ đồng- chiếm 11,19%. Trong giai đoạn này, tỷ lệ vốn huy động ngoài ngân sách (doanh nghiệp, tín dụng, đóng góp dân cư) tăng so giai đoạn 2011-2015 từ 4%-13%. Điều đó cho thấy người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình xây dựng NTM, chung tay cùng chính quyền thực hiện.
Phong trào thi đua “Hoà Thành chung sức xây dựng nông thôn mới” nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động các cơ quan, đoàn thể huyện, xã. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế để thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; tham gia hiến đất làm các công trình công cộng; đóng góp tiền của, công sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn...
Huyện xác định rõ công tác xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá, quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và tổ chức lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Giai đoạn 2011-2015, huyện đã xây dựng, nâng cấp 153,46km đường giao thông nông thôn (nhựa và bê tông 56,18km đường trục xã, liên xã; cứng hoá 88,78km đường trục ấp, ngõ xóm; 8,5km đường trục chính nội đồng) với kinh phí hơn 122 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, huyện nâng cấp nhựa hoá 28,03km; cứng hoá 100,411km đường ngõ xóm, 9,78km đường trục chính nội đồng, kinh phí thực hiện gần 100 tỷ đồng.
Tính đến nay, toàn huyện đã cơ bản hoàn thành kế hoạch cải tạo, nâng cấp, xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn theo quy hoạch. Cụ thể đã mở rộng, nâng cấp nhựa hoá được 84,21km đường trục xã, liên xã; cứng hoá 189,191km đường trục ấp, ngõ xóm; 18,28 km đường nội đồng
Từ năm 2016 đến nay, Hoà Thành đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp và sửa chữa, nạo vét khai thông dòng chảy 42 lượt công trình, gồm hệ thống kênh mương nội đồng, kênh tiêu thoát nước... Thường xuyên quan tâm duy trì, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống điện, cải tạo đường hạ thế với kinh phí hơn 38 tỷ đồng, chủ yếu là vốn của ngành Điện, bảo đảm 100% hộ dân đều có điện sử dụng, ổn định, an toàn.
Giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư trường học hơn 274 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 266 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 8 tỷ đồng; kiên cố hoá các phòng học và xây dựng 10 trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Giai đoạn 2016-2020, đã xây dựng nâng cấp đạt chuẩn thêm 26 trường, luỹ kế có 36/46 trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 22/46 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Nổi bật là công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Huyện triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn, giúp cho các hộ nghèo có việc làm và nâng cao thu nhập; tạo điều kiện cho hộ nghèo vay hơn 72 tỷ đồng để phát triển sản xuất, cho vay giải quyết việc làm hơn 67 tỷ đồng. Mặt trận cùng với các ngành, các cấp vận động Quỹ Vì người nghèo được hơn 33 tỷ đồng, xây tặng 681 căn nhà đại đoàn kết, 54 căn nhà tình nghĩa. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 0,2%/năm, từ 1,54% năm 2015 còn 0,93% hiện nay. Đánh giá theo bộ tiêu chí quốc gia, có 7/7 xã đạt tiêu chí 11- hộ nghèo.
Công tác vệ sinh môi trường nông thôn có nhiều tiến bộ, tỷ lệ số hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đến năm 2018 đạt 99,76%, tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia 71,14%. Công tác thu gom rác thải được thực hiện tốt, 100% xã có tổ thu gom rác thải sinh hoạt; thường xuyên kiểm tra, đánh giá môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở giết mổ trên địa bàn huyện. Toàn huyện có 3.145 cơ sở (2.708 hộ kinh doanh, 437 doanh nghiệp), trong đó 638 cơ sở thuộc đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có phát sinh chất thải phải đăng ký cam kết, đề án bảo vệ môi trường. Đến nay đã cấp 1.164 giấy xác nhận, đề án bảo vệ môi trường cho các cơ sở.
Qua 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tính đến ngày 30.6.2019, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 60,75 triệu đồng/người/năm (khu vực thành thị: 68 triệu đồng/người/năm, khu vực nông thôn 53,5 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 0,93% (khu vực thành thị 0,68%, khu vực nông thôn 1,18%); tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực nông thôn 50,55%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 73,35% (khu vực nông thôn 75,52%)…
Huyện đã đề ra mục tiêu phấn đấu, đến cuối năm 2019, có 7/7 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2020, đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
THANH NHI - NGHĨA NHÂN