Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phấn đấu đến 2022 thị xã Trảng Bàng đạt chuẩn nông thôn mới
Thứ năm: 14:32 ngày 13/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả, quá trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương trên địa bàn thị xã Trảng Bàng mang đến diện mạo nông thôn ngày một khang trang hơn.

Giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp.

Sáng tạo trong tuyên truyền, vận động

Phước Chỉ là xã cánh Tây thuộc thị xã Trảng Bàng, có đường biên giới 8,9 km giáp nước bạn Campuchia, phần lớn diện tích đất ở đây phụ thuộc vào nông nghiệp trồng lúa. Từ đầu năm 2020, Phước Chỉ nổi lên là một trong những địa phương tiêu biểu của Trảng Bàng về XDNTM.

Ông Nguyễn Thành Lập- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ chia sẻ, cơ bản xã đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu cuối năm 2020, Phước Chỉ sẽ được công nhận xã NTM. “Đây là một bước ngoặt lớn trong lịch sử xã nhà, cũng như đời sống của bà con nhân dân Phước Chỉ. Tất cả đều nhờ sự đồng tình lớn trong nhân dân”- ông Lập phấn khởi.

Theo ông Lập, để huy động sức dân, mỗi cán bộ, đảng viên trong xã phát huy tinh thần gương mẫu, tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức, tiền của, tự nguvện dỡ bỏ hàng rào, công trình phụ, cây cối, hoa màu ... để chỉnh trang, nâng cấp giao thông nông thôn; tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ ở ấp, xóm.

Từ năm 2011 đến nay, bộ mặt nông thôn xã Phước Chỉ đã có sự phát triển rõ nét. Giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư, các tuyến đường trung tâm của xã đều được nhựa hóa, đường liên ấp, nội đồng liên tục mở rộng, nâng cấp, trải sỏi đỏ… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông và phát triển sản xuất. Sức dân ở đây không chỉ dừng lại ở các khoản đóng góp mà còn là ý thức tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, trực tiếp theo dõi, quản lý giám sát đầu tư nên đã góp phần nâng cao chất lượng của các hạng mục công trình xây dựng.

Trong 10 năm (2010 - 2020), ngoài 5ha đất do người dân tự nguyện hiến tặng để mở đường đê bao, đường liên ấp, đường nội đồng, Ban chỉ đạo XDNTM xã còn vận động người dân và doanh nghiệp đóng góp trải đá 0x4, sỏi đỏ, dặm vá, khai hoang lập nền hạ 31 công trình (chiều dài 41,1 km), xây mới 22 cây cầu, 4 công trình đèn thắp sáng đường quê...

Tổng kinh phí đã huy động toàn địa bàn xã trong gần 10 năm qua trên 305 tỷ đồng. Trong đó, người dân và doanh nghiệp đóng góp được hơn 10,4 tỷ đồng. Hiện nay, xã Phước Chỉ đã cán đích nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,48%, thu nhập bình quân tăng từ 16,5 triệu đồng/năm lên 60 triệu đồng cuối năm 2019. “Hy vọng, cuối năm 2020, Phước Chỉ được công nhận xã nông thôn mới. Có như vậy, điều kiện về cơ sở vật chất lẫn tinh thần của người dân sẽ nâng lên”- ông Lập khẳng định.

Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Không chỉ sáng tạo trong việc thu hút nguồn lực từ nhân dân, các xã Phước Chỉ, Hưng Thuận, Đôn Thuận, Phước Bình còn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Có được sự thành công này, mỗi xã đều có những bước đi, cách làm linh động, sáng tạo trong xây dựng NTM.    

Như ở Phước Chỉ, địa phương này đang tập trung xây dựng 3 chuỗi giá trị nông nghiệp “lúa đặc sản, nuôi trồng thủy sản và bò sữa”. Đồng thời không ngừng tạo điều kiện cho người dân “đa dạng hóa” sản phẩm nông thôn như: mắm chua, cà na muối, nước mắm cà cuống A8, rau móp chua, chuối nước, rau thủy canh,…

Xã cũng đã thành lập mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của địa phương. Trong đó, có sự liên kết chặt chẽ của 13 tổ hợp tác, 2 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Bình, HTX Thanh niên Phước Chỉ, với tổng diện tích 1.270ha đã đi vào hoạt động có hiệu quả.

Ngoài sản phẩm nông thôn, Phước Chỉ còn triển khai và nhân rộng mô hình “lúa đặc sản” từ giống ST24, Hương Cửu Long, OM5451, OM18, mô hình nuôi cá lóc bông. Tất cả đều được Công ty TNHH Agrifood bao tiêu đầu ra.

Mô hình trồng dứa trên cánh đồng lớn đạt tiêu chuẩn VietGAP (quy mô 200ha) của nông dân Nguyễn Văn Sáu ở xã Phước Bình (trước là xã Bình Thạnh) là một điển hình cho quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng đất cánh Tây  Trảng Bàng. Năm 2018, từ vùng đất quanh năm chua phèn, nhiễm mặn, ông Nguyễn Văn Sáu đã mạnh dạn cải tạo đất, đào kênh thoát nước, rửa phèn để trồng dứa.

Đến nay, mô hình này đã cho kết quả rõ rệt. Ngoài việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cánh đồng lớn 38ha được Công ty Cổ phần Lavifood ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm (với giá ký hợp đồng từ 3.000 đồng/kg đến 6.000 đồng/kg, tùy sản lượng trái), mô hình còn được hỗ trợ 30% chi phí mua giống dứa tham gia xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 của UBND tỉnh (547,2 triệu đồng/38 ha). Tính từ cuối năm 2018, cánh đồng lớn đã cho thu hoạch sản lượng 100 tấn, với giá 6.000 đồng/kg, tổng thu 600.000.000 đồng (chi phí 70.000.000 đ/ha), diện tích này tiếp tục cho thu hoạch các đợt tiếp theo.

Mô hình thâm canh lúa hiệu quả và bền vững theo hướng VietGAP và cánh đồng lớn hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất lúa cho HTX DVNN Gia Bình với 2 máy cấy lúa, tổng giá trị 340 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 135 triệu đồng.

Nhờ sáng tạo trong tuyên truyền, vận động, người dân xã Phước Chỉ đã đồng lòng hiến đất làm đường liên ấp, nội đồng.

Mô hình này hiệu quả hơn so với sạ lan (lúa cấy trung bình cao hơn sạ lan từ 0,5-0,7tấn/ha), vì cấy cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, độ đồng đều cao, bông to, cây cứng ít đổ ngã; ít sâu bệnh; dễ quản lý cỏ dại; giảm tác hại đến môi trường sống, ít hại đến sức khỏe của người nông dân do ít sử dụng phân bón hóa học.

Hiện tại, tổng doanh thu mô hình lúa cấy trên 42 triệu đồng/ha/vụ, chi phí trung bình 18 triệu đồng/ha, lợi nhuận trên 24 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với ngoài mô hình trên 6 triệu đồng/ha/vụ (lợi nhuận 18 triệu đồng/ha/vụ). Mô hình này đang được Công ty TNHH Sài Gòn Kim Hồng hợp đồng bao tiêu 10ha/vụ, giá 6.000 - 6.400đồng/kg.

Tạo hướng đi mới cho nông dân

Ông Hà Minh Dảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng nhận định, từ việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả (như lúa, cao su, mía, vườn tạp,...) sang mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở rộng diện tích các loại cây trồng đặc sản như: dưa lưới trong nhà màng, chuối xuất khẩu, hoa lan, các loại rau rừng, rau sông, ... với diện tích 899,6 ha.

Thị xã đang tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế như: lúa đặc sản, bắp, rau, gia cầm, heo, bò sữa. ”Trong lĩnh vực trồng trọt, cây lúa vẫn chiếm ưu thế cả về năng suất, chất lượng.

Vì vậy, việc sản xuất lúa theo cánh đồng lớn thời gian quan đã có bước phát triển nhất định, đem lại hiệu quả cao cho cả người nông dân và doanh nghiệp”- ông Dảo cho biết. Theo ông, sau khi chuyển đổi, bình quân mỗi ha đất trồng trọt thu được 130,5 triệu đồng/ha/năm, tăng 24,28% so với năm 2015, thay vì 105 triệu đồng/ha/năm. Về chăn nuôi, các vùng chăn nuôi tập trung toàn thị xã được hình thành theo hướng trang trại, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Mô hình “lúa đặc sản” từ giống ST24.

Ông Dảo khẳng định thêm: “Các mô hình đã mở ra hướng đi mới cho nông dân nhằm chuyển đổi một số diện tích đất nhiễm phèn, đất đã thoái hóa, góp phần nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người nông dân, đặc biệt ở vùng biên giới”.

Đến cuối năm 2019, thị xã Trảng Bàng có 5/10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 50%. Hiện có 2 xã đạt từ 15 đến 17 tiêu chí (Đôn Thuận, Phước Bình), Trong năm 2020, xã Phước Chỉ và Hưng Thuận sẽ đạt chuẩn xã NTM, tiếp đến là Đôn Thuận và Phước Bình.

Mục tiêu đến năm 2022, thị xã Trảng Bàng đạt chuẩn NTM, với 100%  số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2025, các xã trên địa bàn thị xã đạt xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Giai đoạn 2010-2019, tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 835.998 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách 362.095 triệu đồng (chiếm 43,31%); vốn tín dụng 430.280 triệu đồng (chiếm 51,47%). Các xã đã vận động người dân và doanh nghiệp đóng góp để trải đá 0x4, sỏi đỏ, dặm vá, khai hoang lập nền hạ trên 600 công trình, chiều dài 486km, xây mới 31 cây cầu, 27 công trình đèn thắp sáng đường quê, với tổng số tiền huy động 43.623 triệu đồng, chiếm 5,22%.

Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục