Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Huyện Gò Dầu:
Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 30%
Thứ bảy: 16:20 ngày 24/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phấn đấu bình quân giá trị sản phẩm thu hoạch trên diện tích đất trồng trọt áp dụng công nghệ cao đến năm 2020 đạt từ 200 triệu đồng/ha trở lên và đến năm 2030 đạt 300 triệu đồng/ha trở lên; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện và đến năm 2030 đạt 50%...

Vùng sản xuất lúa tập trung theo mô hình liên kết 4 nhà của huyện Gò Dầu.

Đó là một trong những mục tiêu cụ thể trong kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp của Huyện uỷ Gò Dầu.

Những năm gần đây, nông dân huyện Gò Dầu từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là giống mới, biện pháp thâm canh mới, cơ giới hoá trong thu hoạch lúa đã được ứng dụng rộng rãi; Công tác thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông luôn được triển khai kịp thời, hạn chế dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; Từ đó góp phần tăng năng suất, hiệu quả trong sản xuất.

Cụ thể, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2015 thực hiện được gần 1.810 tỷ đồng- đạt 138% so với Nghị quyết; tốc độ tăng bình quân hằng năm là 3,08%. Huyện triển khai thực hiện có hiệu quả, chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng vùng sản xuất lúa tập trung theo mô hình liên kết 4 nhà theo hướng VietGAP.

Công tác quản lý và khai thác các tuyến kênh thuỷ lợi trên địa bàn huyện tiếp tục được triển khai hiệu quả. Việc đầu tư, nâng cấp, sửa chữa và bê tông hoá hệ thống kênh mương thường xuyên được thực hiện. Diện tích tưới tăng lên hằng năm, bảo đảm cơ bản phục vụ việc sản xuất.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến tiêu thụ nông sản chưa phát triển mạnh, việc hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao còn chậm; ngành nghề nông thôn quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao; các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản còn hạn chế cả về số lượng và quy mô; chăn nuôi phát triển chưa rõ nét theo hướng tập trung, hiệu quả; chưa có mô hình thật sự điển hình về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp chưa đồng bộ; sản xuất nông nghiệp của huyện nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún...

Từ thực trạng đó, Huyện uỷ Gò Dầu có kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp của huyện.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao khoảng 1.000 ha, trong đó hình thành chuỗi liên kết sản xuất ứng dụng công nghệ cao 500 ha; đến năm 2030 phát triển 1.500-2.000 ha, trong đó có 1.000 ha ứng dụng công nghệ cao.

Xây dựng các vùng chuyên canh rau thực phẩm các loại ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 khoảng 200-300 ha và định hướng đến năm 2030 là 500 ha, phát triển hoa, cây cảnh đến năm 2030 với diện tích khoảng 100 ha...

N.H

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục