Kinh tế   Nông thôn mới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phấn đấu đến năm 2025, xã Thạnh Tân đạt nông thôn mới kiểu mẫu 

Cập nhật ngày: 15/04/2024 - 14:52

BTN - Xã Thạnh Tân tiếp tục nâng cao chất lượng 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao và phấn đấu đến năm 2025 đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019. Kế thừa những thành quả đạt được, xã Thạnh Tân tiếp tục chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Mới đây, vào đầu tháng 4.2024, UBND Thành phố tổ chức lễ công bố xã Thạnh Tân đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Mô hình tuyến đường cờ trên địa bàn xã Thạnh Tân.

Lãnh đạo UBND xã cho biết, xác định công tác xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện, mục đích cuối cùng là để nhân dân thụ hưởng, do đó quá trình xây dựng nông thôn mới phải huy động nguồn lực cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân cùng chung tay; người dân tham gia bàn bạc đóng góp ý kiến, công sức... đem đến hiệu quả cao trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Địa phương cũng rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ xã và tầng lớp nhân dân; các ngành, đoàn thể xã liên hệ chặt chẽ với ấp, các cơ quan cấp trên để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tranh thủ nguồn vốn đầu tư thực hiện các tiêu chí.

Đến nay, xã Thạnh Tân huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao với tổng kinh phí hơn 43 tỷ đồng, cụ thể: ngân sách Nhà nước gần 21 tỷ đồng, vận động nhân dân đóng góp hơn 22 tỷ đồng.

Cơ sở hạ tầng trên địa bàn được đầu tư, nâng cấp. 75/75 tuyến đường giao thông được nâng cấp cứng hoá, bảo đảm sáng - xanh - sạch - đẹp. Các tuyến đường xã, đường trục ấp, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng thường xuyên được kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng; bảo đảm nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân.

Tỷ lệ hộ có đăng ký trực tiếp và được sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất bảo đảm an toàn, tin cậy và ổn định đạt 100%; trong đó, số hộ dân có điện 2.587/2.587 hộ, đạt 100%. 4/4 ấp được công nhận giữ vững danh hiệu “Ấp văn hoá” từ 5 năm trở lên; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 97%.

Trên địa bàn xã có Trường mầm non Hoa Mai (2 cơ sở); Trường tiểu học La Văn Cầu và Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (2 cơ sở); Trường THCS Nguyễn Viết Xuân được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ II.

Xã có khoảng 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp với thế mạnh là cây mãng cầu, cao su, mì... và môt số loại cây ngắn ngày khác. Thời gian qua, chính quyền địa phương cùng các hội đoàn thể đã triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân. Tổng thu nhập bình quân đầu người trên 80 triệu đồng/năm.

Bà Phạm Thị Dân, ngụ ấp Thạnh Hiệp cho biết, từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Thạnh Tân từng bước có sự chuyển mình, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trạm y tế, trường học, hệ thống lưới điện nông thôn... ngày càng được đầu tư, nâng cấp. Đối với đường giao thông, không chỉ các tuyến đường trục chính mà cả đường ngõ xóm, đường nội đồng cũng được đầu tư cứng hoá, tạo điều kiện phát triển sản xuất khu vực nông thôn.

“Bản thân tôi cũng rất tích cực chung tay cùng chính quyền địa phương trong thực hiện chương trình như tham gia và vận động mọi người tham gia bảo hiểm y tế; cùng các hộ dân trên tuyến đường liên xã Thạnh Tân - Tân Bình thực hiện mô hình tuyến đường cờ; trồng hoa trước cổng tạo cảnh quan... Đặc biệt mô hình tuyến đường cờ với tôi vô cùng có ý nghĩa; vào các dịp lễ, tết, nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay, đi trên tuyến đường này, lòng tôi cảm thấy vô cùng tự hào”- bà Dân chia sẻ.

Thu hoạch mãng cầu ở Hợp tác xã mãng cầu Thạnh Tân.

Theo ông Phạm Hoàng Thành Nam- Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thạnh Đông, trên địa bàn ấp có 227 hộ Khmer với 962 nhân khẩu, đây là ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với sự đầu tư về “điện, đường, trường, trạm” đã tạo nên sự thay đổi rõ rệt trong đời sống của người dân. Chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Người dân thay đổi phương thức chăn nuôi, tổ chức sản xuất theo chiều hướng văn minh, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn được bảo đảm; tích cực tham gia đóng góp làm đường giao thông nông thôn, mô hình thắp sáng đường quê, tuyến đường cờ, đường hoa... qua đó, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang.

Thời gian tới, xã Thạnh Tân tiếp tục nâng cao chất lượng 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao và phấn đấu đến năm 2025 đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Ngô Thành Lợi- Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân cho biết, Đảng uỷ, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã sẽ tập trung duy trì nông thôn mới nâng cao, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác phối hợp để huy động tất cả các nguồn lực cùng tham gia, chung tay thực hiện.

 Cụ thể, về phía địa phương xác định, cán bộ, công chức xã cần chủ động, quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung truyền thông về ý nghĩa, hiệu quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, đa dạng hoá các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các trang mạng xã hội, nhằm triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và phản ánh kịp thời thực tiễn xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân nông thôn; ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập cho người dân; chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hiện đại.

Nâng cao chất lượng đời sống văn hoá và giữ gìn an ninh trật tự, gắn xây dựng nông thôn mới với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng tại các ấp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp; xây dựng và thực hiện hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.

Trúc Ly