Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phấn đấu đến năm 2030, Tây Ninh là nơi đáng đến và đáng sống
Thứ bảy: 06:10 ngày 21/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Tây Ninh đang hướng đến một đô thị năng động, thu hút người dân đến sống và làm việc

HĐND tỉnh vừa có nghị quyết thông qua quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Đưa công nghiệp và du lịch thành trung tâm của vùng Đông Nam bộ và cả nước

Quy hoạch tỉnh Tây Ninh với quan điểm phải phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, bảo đảm thống nhất, đồng bộ hệ thống quy hoạch, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Đông Nam bộ. Cùng với đó là tranh thủ cơ hội, tận dụng ưu thế địa phương để chuyển thành động lực tăng trưởng và phát triển cho tỉnh và cả vùng. Tổ chức, bố trí không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội hợp lý để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế vị trí cửa ngõ của Tây Ninh trong vùng Đông Nam bộ.

Mục tiêu của tỉnh Tây Ninh là phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Bên cạnh đó, nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hoá, tự động hoá, tin học hoá, số hoá và kinh tế tuần hoàn.

Một trong những ưu tiên của tỉnh Tây Ninh là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội toàn diện hướng đến thuộc nhóm tiên tiến của cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế.

Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2023:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2023 đạt khoảng 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 210 triệu đồng (tương đương 7.700 USD). Tốc độ kim ngạch xuất khẩu từ 10%/năm trở lên và tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%.

Ngoài ra, toàn bộ số xã đạt nông thôn mới, 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ chất thải nguy hại được gom, xử lý đạt 100% và tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý đạt trên 95%.

Hoàn thành công tác nâng loại đô thị thành phố Tây Ninh và các thị xã; hoàn thành phân loại các đô thị mới, các thị trấn (mở rộng) khi đủ điều kiện, tiêu chuẩn phân loại đô thị; phát triển các dự án đầu tư phát triển đô thị, khu đô thị, khu dân cư và nhà ở xã hội theo mục tiêu, định hướng, chương trình phát triển đô thị, nông thôn.

 

7 trụ cột chính đẩy nhanh phát triển

Trên cơ sở đó, Tây Ninh đưa ra những giải pháp đẩy nhanh sự phát triển, gồm:

1. Tiếp cận cân bằng có trọng tâm giữa yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường, điều chỉnh bằng công cụ chính sách: Hướng đến phát triển bền vững thông qua kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với xây dựng văn hoá, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường. Định hướng phát triển nhanh, bảo đảm hài hoà, cân đối giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, trong đó ưu tiên tập trung phát triển vùng động lực phía Nam và vùng trung tâm. Chú trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Đặt tầm nhìn xa, lộ trình vừa sức và có tính linh hoạt cao: Hướng đến mục tiêu gia nhập nền kinh tế tri thức vào năm 2040. Tầm nhìn xa với mục tiêu cao cần vạch ra lộ trình thực tế, rõ ràng, vừa sức, dựa trên phân tích tính ưu tiên trong thực thi đồng thời thiết kế các chính sách mềm dẻo, có phương án thích nghi với các biến động của khu vực và thế giới.

3. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị công, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Chính quyền kiến tạo, liêm chính, năng động, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, tạo động lực, khai thác tối đa nguồn lực, tạo bước đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Chủ động, tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ, xây dựng chính quyền điện tử góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện, nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index và DTI.

Phát triển năng lượng xanh, một trong những định hướng của tỉnh trong thời gian tới.

4. Xây dựng “Tây Ninh xanh”: Yếu tố xanh vừa là mục tiêu vừa là phương tiện phát triển của tỉnh. Từng bước chuẩn bị nguồn nhân lực, hạ tầng và chính sách để thực hiện quá trình thu hút vốn và công nghệ, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Nhận diện và phát triển các cụm ngành sản phẩm mang tính chiến lược với trọng tâm là các khâu chế biến và dịch vụ có giá trị gia tăng cao gắn với việc làm ổn định cho người dân. Tận dụng cơ hội từ quá trình lan toả phát triển hạ tầng giao thông kết nối, phát triển công nghiệp, đô thị - thương mại - dịch vụ vùng Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ.

5. Giảm lệ thuộc vào tài nguyên, phát triển thông qua hiệu suất: Ưu tiên đầu tư nguồn lực con người và công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

6. Chủ động gia nhập thị trường: Tích cực xây dựng, định vị thương hiệu sản phẩm địa phương hướng đến đối tượng, thị trường mang lại giá trị gia tăng cao, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành thương mại dịch vụ vào GRDP. Thay đổi tư duy từ sản xuất kinh doanh đơn thuần sang kinh tế tuần hoàn có giá trị gia tăng cao, khuyến khích người dân, doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, quảng bá sản phẩm trên các kênh thương mại hiện đại và phi truyền thống như thương mại điện tử, khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu gắn với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

7. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng; trong đó nhiệm vụ bảo đảm an ninh và chủ quyền lãnh thổ là điều kiện tiên quyết, phát triển kinh tế là trọng tâm. Chủ động nắm chắc tình hình, không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, đặc biệt là chú trọng ở các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới. Mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.

Tầm nhìn đến năm 2050:

Tây Ninh trở thành một tỉnh kinh tế phát triển trên nền tảng công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển và cửa ngõ thương mại quốc tế phía Nam của vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Là tỉnh có chính sách quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên hệ sinh thái bền vững và đa dạng. Chủ động gia nhập cách mạng công nghiệp 4.0, đưa Tây Ninh trở thành nơi đáng đến và đáng sống.

Đức An

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục