Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nền kinh tế có mức tăng trưởng cao 8,4%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển đổi theo hướng tích cực, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao. Quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế tỉnh nhà trong năm 2020.
Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp FDI. Ảnh: Hoàng Anh
Theo đó, trong năm 2019, nhờ sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân dân, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh ta tiếp tục tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đạt hầu hết chỉ tiêu đề ra. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được thực hiện quyết liệt.
Nền kinh tế có mức tăng trưởng cao 8,4%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển đổi theo hướng tích cực, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao. Quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế tỉnh nhà trong năm 2020.
Trên cơ sở đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác năm 2019 và thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra phương hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong năm 2020.
Trong năm mới, tỉnh tiếp tục chủ động nắm vững tình hình đất nước và của tỉnh, bám sát sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cấp uỷ các cấp sâu sát thực tiễn, cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm đạt và vượt các mục tiêu về kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2015-2020, tạo tiền đề, cơ hội để phát triển nhanh và bền vững cho giai đoạn 2021-2025; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII), chống tham nhũng, lãng phí; củng cố niềm tin của nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết; lãnh đạo thành công Đại hội Đảng bộ các cấp trong tỉnh, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc XIII.
Trên cơ sở dự báo tình hình, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể như sau: tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 8% trở lên. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 3.300 USD. Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP (giá hiện hành): Công nghiệp - xây dựng: 41%-42%; dịch vụ (chưa tính thuế sản phẩm): 32%-33%; nông - lâm - thuỷ sản: 21%-22%.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 14,5% trở lên. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng từ 6,5% trở lên. Giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản tăng 3% trở lên. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 10.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn bằng 35% GRDP. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 12%.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,7%. Số lao động có việc làm tăng 17.000 lao động. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 70%. Tỷ lệ hộ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%. Tỷ lệ hộ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 99%. Tỷ lệ che phủ của rừng (bao gồm độ che phủ của cây cao su) đạt 39,8%.
Tỷ lệ che phủ của rừng (đã loại trừ cây cao su) đạt 16,3%. Tỷ lệ các cơ sở y tế, khu công nghiệp, khu chế xuất xử lý chất thải rắn, nước thải theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 100%. Tỷ lệ đô thị xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chất thải rắn đạt 100%, nước thải đạt 50%. Tỷ lệ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đạt 100%.
Phương tiện vận tải thông quan qua cửa khẩu Xa Mát (ảnh minh hoạ).
Tỷ lệ đảng bộ xã biên giới đạt “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên là 90%; không có tổ chức cơ sở đảng “Không hoàn thành nhiệm vụ”. Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 85%. Phát triển Đảng đạt 750 đảng viên trở lên (20 xã biên giới kết nạp đạt 60 đảng viên trở lên).
Để thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo như sau:
Về cải cách hành chính, trước hết cần tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc để đẩy nhanh các giải pháp đột phá nhằm trực tiếp hỗ trợ hợp lý đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 và các năm tiếp theo… Cấp uỷ, chính quyền, các sở, ngành chủ động rà soát nhanh, bãi bỏ các rào cản, thủ tục hành chính bất hợp lý, đơn giản hoá thủ tục hành chính - nhất là trong các khâu, trong quy trình của các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường; tiếp tục cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, ICT... Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ người dân làm thủ tục về đất đai; khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư mới, xây dựng mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh tại địa phương của tỉnh…
Về hạ tầng, tỉnh tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và “dành dụm” ngân sách của tỉnh để tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ, kết nối nội tỉnh cho nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, du lịch; phối hợp chặt chẽ với thành phố Hồ Chí Minh và cơ quan Trung ương để triển khai thực hiện đầu tư đường cao tốc Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh theo lộ trình đã được công bố; chuẩn bị nguồn vốn ngân sách địa phương và làm tốt công tác giải phóng mặt bằng ngay trong năm 2020 để kịp tiến độ đầu tư; triển khai thu hút đầu tư cảng đường thuỷ và trung tâm logistic trên tuyến sông Sài Gòn, thúc đẩy thực hiện đầu tư các cảng sông Vàm Cỏ Đông với quy mô đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong cả giai đoạn, ngắn hạn và dài hạn, phấn đấu khởi công trong năm 2020; có giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hoá, phương tiện vận tải tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Về nông nghiệp, để đạt được hiệu quả hơn trong quá trình cơ cấu lại nông nghiệp, tỉnh chú trọng chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ... Chính quyền địa phương, hiệp hội là người có vai trò kết nối, hỗ trợ, vận động để xây dựng chuỗi liên kết chuyển biến nhanh.
Cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, 2 (ảnh minh hoạ).
Về công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tạo ra các khu, cụm công nghiệp mới, đồng bộ và phát huy sử dụng hiệu quả các nguồn lực... Tiếp tục nghiên cứu mở rộng khai thác tiềm năng các dự án năng lượng tái tạo gắn với quy hoạch kết nối, truyền tải điện.
Lĩnh vực du lịch trong vài năm tới được xác định là yếu tố đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Vì vậy, nhiệm vụ tiếp tục thu hút vốn đầu tư của xã hội cho các sản phẩm dịch vụ đa dạng, đồng bộ để đón đầu, tận dụng cơ hội mới trong du lịch cần tập trung thu hút đầu tư về cơ sở giải trí, tham quan, thắng cảnh... cơ sở nghỉ dưỡng, thu hút kéo dài thời gian lưu trú; xây dựng sản phẩm, dịch vụ mang đậm bản sắc văn hoá, lịch sử với chất lượng cao và xây dựng, phát triển thương hiệu của vùng đất Tây Ninh, vùng Đông Nam bộ.
Đình Chung