BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp trên 3,5%/năm

Cập nhật ngày: 01/02/2010 - 05:33

Trồng hoa trong nhà lưới, một bước đi hướng tới nông nghiệp CNC của nông dân Tây Tựu (Từ Liêm-Hà Nội).

Nông nghiệp nước ta vẫn còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, phương thức và công cụ sản xuất lạc hậu, kỹ thuật áp dụng không đồng đều dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định. Thực tế này đòi hỏi cần thiết phải có Đề án tổng thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) từ nay đến năm 2020.

Bởi vậy Đề án có tên nêu trên đã vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành với mục tiêu góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng trên 3,5%/năm; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

Cụ thể sẽ từng bước sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hàng hoá ƯDCNC, có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất NNƯDCNC chiếm 10-15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước vào năm 2015 và tăng lên 30-35% vào năm 2020.

Mỗi tỉnh tối thiểu có 3 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thực tế chính các khu công nghiệp công nghệ cao này sẽ đóng vai trò làm “đầu tàu”, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn hướng nhanh tới hiện đại hoá.

Vì vậy, Đề án xây dựng kế hoạch từng bước xây dựng và hình thành nền NNƯDCNC, trọng tâm là doanh nghiệp NNƯDCNC và vùng sản xuất NNƯDCNC. Mục tiêu trước mắt đến năm 2015, mỗi tỉnh vùng kinh tế trọng điểm xây dựng được 3-5 doanh nghiệp, 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp; cả nước có 3-5 khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại một số vùng sinh thái nông nghiệp.

Trong giai đoạn 2016-2010 sẽ đẩy mạnh phát triển toàn diện NNƯDCNC. Đến năm 2020, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng 7-10 doanh nghiệp, 5-7 vùng sản xuất nông nghiệp và mỗi vùng sinh thái có 1-3 khu NNƯDCNC. Giai đoạn này sẽ đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư và mở rộng các vùng sản xuất NNƯDCNC để phát triển 1 hay một số loại sản phẩm nông nghiệp hàng hoá có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như: sản xuất thâm canh lúa chất lượng, lúa đặc sản; sản xuất rau, chè, cây ăn quả an toàn...

Song song với đó sẽ từng bước hình thành hệ thống cơ sở dịch vụ CNC phục vụ nông nghiệp như: dịch vụ môi giới, tư vấn kỹ thuật; dịch vụ cung ứng vật tư, máy móc, thiết bị và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm... Từng bước hình thành sàn giao dịch CNC trong nông nghiệp.

Hỗ trợ phát triển NNCNC với mức cao nhất

Nhà nước sẽ ưu đãi, hỗ trợ phát triển nghiên cứu CNC trong nông nghiệp với mức cao nhất. Cụ thể, tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển CNC trong nông nghiệp được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; được hỗ trợ mức cao nhất kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các dự án sản xuất thử nghiệm các CNC mới.

Chủ đầu tư dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu, phát triển, ƯDCNC trong NN được ưu đãi cao nhất về thu tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất. Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ mức cao nhất kinh phí nhập khẩu một số CNC, máy móc, thiết bị CNC trong NN trong nước chưa tạo ra được để thực hiện một số dự án nghiên cứu ứng dụng...

Ngoài ra, thực hiện chính sách ưu tiên, hỗ trợ đào tạo, ưu đãi đặc biệt để thu hút, sử dụng nguồn nhân lực CNC trong NN.

Nhiều mô hình CNC đã thành công

CNC đã được áp dụng trong nông nghiệp nước ta và bước đầu có một số thành tựu nhất định, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của một số sản phẩm nông nghiệp. Điển hình là tại Đà Lạt (Lâm Đồng) với các mô hình trồng hoa trong nhà có mái che plastic đạt giá trị sản lượng 605 triệu đồng/ha, trồng rau an toàn đạt 150 triệu đồng/ha. Đà Lạt đang đi theo hướng chuyên môn hoá cao trong sản xuất hoa và rau. Việc sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô phát triển khá nhanh, với gần 40 phòng nuôi cấy mô tư nhân đang hoạt động có hiệu quả. Cây giống rau và hoa đã được sản xuất công nghiệp để cung cấp cho người trồng.

Tại Hà Nội cũng xuất hiện mô hình trồng rau, hoa - cây cảnh công nghệ cao, đem lại giá trị sản lượng gấp 5 đến 10 lần so với phương thức canh tác khác. Tại Hà Nội và Hải Phòng, mô hình trồng hoa và rau ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính đã được triển khai với việc nhập nhà kính có hệ thống điều khiển tự động, mở ra một hướng mới trong sản xuất nông nghiệp.

TP. Hồ Chí Minh là nơi có khá nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đã có 1.663 ha trồng rau an toàn ứng dụng CNC, sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn/năm, đặc biệt là diện tích rau sản xuất trong nhà lưới cho giá trị sản lượng 120-150 triệu đồng/ha; hơn 700 ha trồng hoa - cây cảnh, các hộ đã áp dụng CNC trong sản xuất hoa cảnh đem lại thu nhập 600 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Để tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC, TP. Hồ Chí Minh đã có dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp CNC với quy mô 88,17 ha. Đây là mô hình thử nghiệm đầu tiên của nước ta về một khu nông nghiệp CNC đa chức năng để nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, trình diễn công nghệ mới và chuyển giao công nghệ. Khu nông nghiệp CNC là trung tâm, từ đó lan toả công nghệ, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở phía Nam.

(Theo chinhphu.vn)