Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phấn đấu vì một Tây Ninh phát triển phồn vinh
Chủ nhật: 12:35 ngày 14/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thủ trưởng đơn vị phải thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với nhà đầu tư, với doanh nghiệp để nắm tình hình, chia sẻ khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả.

Đóng gói xi măng Fico. Ảnh: Công Điều

Cuối tháng 2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc chủ trì buổi làm việc về công tác kêu gọi, thu hút đầu tư; quản lý đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng và cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Tham dự buổi làm việc có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thủ trưởng các sở, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố. Sau khi nghe các ngành, địa phương báo cáo, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2020; phân tích những thuận lợi, hạn chế của tỉnh hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, nhằm tạo đột phá về môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng để Tây Ninh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện (sau đây gọi tắt là thủ trưởng đơn vị) phải thể hiện mạnh mẽ quyết tâm chính trị, khát khao phát triển, ý chí vươn lên, quyết tâm xây dựng cho được môi trường đầu tư của tỉnh chuyên nghiệp, minh bạch, có tính cạnh tranh cao với các tỉnh, thành phố khác; giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Thủ trưởng đơn vị phải thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với nhà đầu tư, với doanh nghiệp để nắm tình hình, chia sẻ khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả. Thực hiện phương châm 3 không “Không nói không được; không nói không có hợp tác và không nói không có trách nhiệm” trong giải quyết thủ tục đầu tư, thể hiện sự trân trọng, tạo niềm tin và an tâm cho nhà đầu tư.

Múa rồng nhang lễ vía Đức Chí Tôn Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Ảnh: Nhựt Tường

Chủ động tiếp cận, xúc tiến và mời gọi, không thụ động chờ nhà đầu tư đến

Thủ trưởng đơn vị phải chủ động tiếp cận, xúc tiến và mời gọi, không thụ động chờ nhà đầu tư đến; trực tiếp đảm trách và chỉ đạo giải quyết các thủ tục đầu tư thuộc thẩm quyền. Khi có đề xuất của nhà đầu tư, thủ trưởng đơn vị tiếp nhận phải chỉ đạo, đánh giá kỹ dự án, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xem xét, cho ý kiến; hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận thông tin, hoàn chỉnh thủ tục pháp lý theo quy định.

Thủ trưởng đơn vị trực tiếp làm việc, nghe và cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư. Nếu đề xuất phù hợp, đủ điều kiện pháp lý, chỉ đạo giải quyết ngay trong thời gian sớm nhất. Trường hợp dự án phù hợp với định hướng, nhu cầu phát triển của địa phương nhưng chưa bảo đảm điều kiện liên quan đến thủ tục pháp lý thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước như chưa phù hợp quy hoạch ngành, chưa có trong kế hoạch sử dụng đất... thủ trưởng đơn vị phải có giải pháp tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý, giải quyết để tạo điều kiện thu hút dự án đầu tư, tránh tình trạng “thấy vướng, thấy khó” thì dừng lại hoặc từ chối làm nản lòng nhà đầu tư.

Lấy lợi ích, sự phát triển chung của tỉnh để xem xét thấu đáo từng dự án, nếu chưa phù hợp với điều kiện ở địa phương mình thì giới thiệu, hướng dẫn nhà đầu tư tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội ở địa phương khác trong tỉnh, với tinh thần làm hết trách nhiệm, tháo gỡ tối đa khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Khi cơ quan chủ trì gửi văn bản lấy ý kiến về dự án đề xuất đầu tư, đơn vị được lấy ý kiến phải trả lời bằng văn bản đầy đủ các nội dung và bảo đảm về thời gian. Văn bản trả lời phải thể hiện rõ chính kiến, phương án chọn, không trả lời chung chung, không rõ hàm ý.

Nội dung trả lời phải là ý kiến thống nhất của tập thể lãnh đạo của đơn vị và văn bản phải do thủ trưởng đơn vị ký, cấp phó chỉ ký thay khi cấp trưởng vắng, không có ở địa phương. Trong trường hợp thay đổi ý kiến góp ý, phải thể hiện rõ bằng văn bản gửi đến đơn vị chủ trì lấy ý kiến.

Hạ thế điện nông thôn. Ảnh Dương Đức Kiên

Đối với văn bản tham mưu của đơn vị chủ trì, sau khi đã có ý kiến của các đơn vị có liên quan, nếu có nhiều phương án khác nhau, đơn vị chủ trì phải tham mưu UBND tỉnh phương án lựa chọn và nêu rõ căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn để đề xuất lựa chọn phương án.

Sau khi có chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền, thủ trưởng đơn vị có liên quan có trách nhiệm chủ động mời và hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục tiếp theo theo quy định pháp luật, không được để nhà đầu tư tự liên hệ.

Trong giai đoạn triển khai dự án, các cơ quan, đơn vị địa phương theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc triển khai dự án đó; thường xuyên báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh) tiến độ thực hiện, những khó khăn, vướng mắc (nếu có) và thực hiện báo cáo định kỳ hằng quý, năm về các dự án đầu tư trên địa bàn.

Nội dung báo cáo nêu cụ thể số dự án thực hiện trong năm (số dự án triển khai đúng quy định, số dự án vi phạm quy định), luỹ kế số dự án đang triển khai trên địa bàn. Trên cơ sở đó, giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý kịp thời theo quy định những vấn đề nảy sinh hoặc các hành vi vi phạm.

Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm rà soát, củng cố, kiện toàn bộ máy, nhân sự trực tiếp tham mưu giải quyết thủ tục đầu tư đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có cơ chế kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức, nhất là CB-CC-VC làm công tác tham mưu, giải quyết các thủ tục về đầu tư, đất đai, cải cách hành chính; kiên quyết thay thế những CB-CC-VC chây ì, ngại khó, ngại khổ, sợ trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ.

Đền bù, giải phóng mặt bằng: Khó đâu, gỡ đó

Đối với công tác quản lý đất đai, thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tác động đến công tác thu hút đầu tư; tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, tạo động lực cho sự phát triển của địa phương.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, vì tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của tổ chức và cá nhân, song không vì vậy mà chùn bước, ngược lại phải quyết tâm, quyết liệt hơn trên tinh thần “làm cho bằng được, khó đâu, gỡ đó”.

Đặc biệt là phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc. Trong đó coi trọng công tác tuyên truyền, vận động và sự nêu gương, đi trước, làm trước của cán bộ, đảng viên để Nhân dân hiểu, ủng hộ và làm theo.

Công tác quản lý nhà nước về đất đai và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm chính của UBND cấp huyện, thị xã, thành phố, trong đó, Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện.

Về quản lý đất đai, ông Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo quản lý chặt chẽ đất đai theo quy định pháp luật, không để tổ chức, cá nhân lợi dụng sự bất cập, những yếu kém trong quản lý nhà nước để trục lợi, có giải pháp đồng bộ quản lý, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi đầu cơ đất đai, tạo cơn sốt ảo về giá, gây ảnh hưởng đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng pháp luật, bảo đảm mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương làm cơ sở thu hút đầu tư; xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến quản lý và sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo việc cập nhật, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất phù hợp với nhu cầu phát triển, khắc phục nhũng bất cập, điểm nghẽn cản trở quá trình phát triển và thu hút đầu tư của địa phương.

Cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen do Tập đoàn Sun Group đầu tư. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo và tham mưu cấp uỷ (huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ) lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác giải toả, đền bù ở địa phương, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị ở địa phương.

Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền; vận động, đảm bảo thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch các dự án để người dân biết. Nội dung thông tin, tuyên truyền cần nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích mà dự án đem lại đối với sự phát triển của tỉnh, địa phương, cũng như người dân.

Từ đó, xác định rõ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ, sự tham gia của người dân trong triển khai thực hiện dự án. Chú trọng sử dụng người có uy tín, kinh nghiệm, lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, đặc biệt tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên có đất trong khu vực dự án nghiêm chỉnh chấp hành, đi trước, làm trước để quần chúng noi theo, làm theo. Chủ động, sáng tạo, tìm ra phương pháp, cách thức thực hiện phù hợp, hiệu quả.

Quyết tâm phấn đấu, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính

Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo, củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ trực tiếp làm công tác giải quyết thủ tục cải cách hành chính; bảo đảm bố trí CB-CC-VC có phẩm chất đạo đức, có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm cao và thái độ phục vụ tốt thực hiện công tác này; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, trong giải quyết thủ tục hành chính; có cơ chế giám sát chéo giữa các bộ phận. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong công tác cải cách hành chính; kiên quyết xử lý, thay thế ngay các vị trí không đáp ứng yêu cầu, không hoàn thành nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị.

Thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo, giám sát việc thực hiện và kết quả công tác cải cách hành chính của đơn vị, quyết tâm phấn đấu, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện về tinh thần, thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Chủ tịch UBND tỉnh Giao Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh xem xét, sửa đổi nội dung đánh giá, xếp loại thi đua đảm bảo công bằng, khách quan, phù hợp với thực tế đối với từng loại hình đơn vị, lĩnh vực.

Tượng Phật Bà trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh Dương Đức Kiên

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công và Trung tâm điều hành kinh tế - xã hội tập trung của tỉnh. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối với Văn phòng UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đề ra giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các nội dung này, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc cập nhật và cung cấp thông tin, số liệu kịp thời, chính xác trên các lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước như: đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng, cải cách hành chính... lên hệ thống điều hành chung nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh cũng như làm cơ sở kiểm tra, giám sát, đánh giá năng lực quản lý, điều hành của các ngành, địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị triển khai quán triệt nội dung tinh thần chỉ đạo này trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để tạo sự thống nhất, lan toả về ý chí, quyết tâm chính trị, trách nhiệm và khát khao phát triển, tạo động lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phấn đấu vì một Tây Ninh phát triển phồn vinh.

Hy Uyên

Tin cùng chuyên mục