Tình trạng mía chín tập trung và khô nhanh bất thường so với các vụ trước đã dẫn đến áp lực thu hoạch của bà con trồng mía tăng cao trong những tháng cuối vụ.
Sau nhiều bài báo phản ánh tình trạng người trồng mía “ngán ngẩm mía cuối vụ”, ngày 17.3.2011 UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT nắm lại thông tin do báo chí phản ánh, và ngày 28.3.2011 Sở đã có văn bản thông tin phản hồi đến Báo. Tuy rằng động thái phản hồi có hơi bị muộn (ngày 31.3.2011 Báo mới nhận được văn bản) so với thời khoảng thúc bách cuối vụ mía đường, nhưng dù sao việc “nắm lại thông tin” và phản hồi này cũng rất cần thiết để có giải pháp phòng ngừa tình trạng “ngán ngẩm” cho vụ sau (2011-2012).
Thông tin của Sở NN&PTNT cho biết, vụ chế biến mía đường 2010-2011 sắp kết thúc, dự kiến cuối tháng 3.2011 kết thúc vụ. Trong năm nay, thời tiết khô hạn, dẫn đến độ ẩm trong đất không đủ, khiến cho cây mía khô nhanh. Tình trạng mía chín tập trung và khô nhanh bất thường so với các vụ trước đã dẫn đến áp lực thu hoạch của bà con trồng mía tăng cao trong những tháng cuối vụ. Mặc dù các nhà máy đường đã chạy vượt công suất thiết kế (CTCP Bourbon - Tây Ninh chạy trung bình 8.500 tấn/ 8.000 tấn/ngày; CTCP đường Nước Trong chạy trung bình 1.084 tấn/ 1.000 tấn/ngày; Nhà máy đường Biên Hoà - Tây Ninh hoạt động mức bình quân 3.400 tấn/ 3.500 tấn/ngày) nhưng vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu thu hoạch của người trồng mía; nên có nhiều trường hợp nhiều hộ trồng mía tự đốt mía để được thu hoạch sớm; do công lao động thiếu, để dễ thu hoạch, nhóm công đòi chủ mía đốt họ mới thu hoạch…
Trình diễn máy thu hoạch mía (ảnh minh hoạ) |
Trước tình hình trên, ngày 3.3.2011 Sở NN&PTNT đã tổ chức hội nghị để tìm các giải pháp cho sản xuất, chế biến mía đến cuối vụ 2010-2011. Qua hội nghị, Sở NN&PTNT đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, UBND các xã, Báo, Đài trong tỉnh hỗ trợ để tạo niềm tin cho nông dân an tâm thu hoạch mía và giao mía về nhà máy theo kế hoạch.
Sở NN&PTNT cũng đề nghị các nhà máy đường cần gặp gỡ, trao đổi những bức xúc với bà con nông dân về tình hình bị thiệt hại mía do nắng nóng, khô hạn bất thường, làm giảm đi năng suất và chất lượng mía; nên có chính sách hỗ trợ thêm cho những hộ trồng mía bị thiệt hại mía khô cuối vụ. Các nhà máy đường cần quan tâm hơn trong việc chia sẻ lợi ích với người trồng mía; khi giá đường tăng thì cần điều chỉnh ngay giá thu mua mía theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT để đảm bảo lợi ích cho người trồng mía, cũng như gắn kết họ với nhà máy. Các nhà máy đường cần chấn chỉnh lại các trạm nông vụ, các đầu công thu hoạch mía của các nhà máy, không nên nhũng nhiễu hạch sách nông dân trồng mía. Các nhà máy đường cần tập trung, tổ chức thực hiện tốt việc tuyển chọn giống mía mới. Triển khai nhanh các giống mía chất lượng tốt, phù hợp cho từng vùng, bố trí cơ cấu giống mía rải vụ để giảm áp lực trong thu hoạch. Các nhà máy đường cần nghiên cứu mở rộng công suất nhà máy; coi đây là giải pháp để rút ngắn thời gian thu hoạch của bà con trồng mía, khi chúng ta chưa có các giống mía rải vụ. Các nhà máy đường cần tổ chức tốt hệ thống thu mua, vận chuyển mía về nhà máy, có cơ chế thu mua linh hoạt: Mua mía tại bàn cân nhà máy (với người trồng mía có điều kiện tự vận chuyển); mua mía tại ruộng (với người trồng mía không tự vận chuyển được). Các nhà máy cam kết thu mua hết sản lượng mía cho bà con nông dân.
Các nội dung, yêu cầu của Sở NN&PTNT so với thực trạng thu hoạch mía cuối vụ năm nay là rất phù hợp; đồng thời cũng mở ra hướng giải quyết cho thực trạng thu hoạch đông ken, dẫn tới nhiều hệ quả bất lợi cho nông dân trong những vụ sau. Tuy nhiên, việc thực hiện giải pháp căn cơ nhất là việc bố trí cơ cấu giống mía rải vụ, thì tự thân mỗi nhà máy không thể làm được trên toàn vùng mía nguyên liệu của tỉnh, mà đòi hỏi phải có một “nhạc trưởng”. Và người đó không ai khác, chính là… ngành chức năng quản lý Nhà nước về nông nghiệp.
DUY NHÃ