BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phản hồi của UBND xã Lợi Thuận (Bến Cầu) về vụ cán bộ địa chính “gây khó” cho dân: Nhiều nội dung còn mâu thuẫn, chưa thuyết phục

Cập nhật ngày: 03/02/2010 - 05:42

 

Giấy xác nhận của ông Quân (năm 2004), khẳng định ông Chạy còn 7m ngang.

Như Báo Tây Ninh đã thông tin, mặc dù giữa ông Trần Văn Chạy (ngụ ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) không hề tranh chấp với những hộ dân xung quanh nhưng bị cán bộ Địa chính xã Lợi Thuận là ông Lê Văn Cửa “làm khó”, bằng cách dựng lên chuyện ông Chạy tranh chấp với một số hộ xung quanh nên ông Chạy không được nhận tiền đền bù về đất. Sau đó, ông Cửa đã “tham mưu” cho UBND xã Lợi Thuận tiến hành “hoà giải” giữa ông Chạy và bà Lê Thị Khoái, mặc dù không có đơn khiếu nại, tranh chấp gì cả. Sau khi “hoà giải không thành”, UBND xã Lợi Thuận tiếp tục “hợp thức hoá hồ sơ ma” gửi về TAND huyện Bến Cầu. Sau 4 tháng, toà trả hồ sơ về UBND xã Lợi Thuận do “không có nguyên đơn”.

Mới đây, Báo Tây Ninh nhận được văn bản phản hồi bài báo “Nhiều điều khó hiểu xung quanh một vụ “tranh chấp” ở xã Lợi Thuận, Bến Cầu” của UBND xã Lợi Thuận.

Văn bản của UBND xã Lợi Thuận cho biết: Vào năm 1994, ông Trần Văn Quân (anh ruột ông Chạy) cho ông Chạy diện tích đất 20m x 60m, toạ lạc ven đường 786 (đoạn qua ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, nằm ở phía Tây đường 786-PV). Thửa đất này giáp với ông Yển ở hướng Nam và giáp bà Khoái ở hướng Bắc. Sau một thời gian sử dụng, ông Chạy nhờ ông Quân bán 10m ngang từ hướng Nam qua, rồi lại bán thêm 5m ngang. Tiếp đó, ông Quân cho ông Chạy thêm 2m ngang. Tổng cộng, ông Chạy được ông Quân cho 22m ngang, đã bán 15m ngang, còn lại 7m ngang.

Vào năm 1993, ông Quân và vợ là bà Thuỷ bán cho bà Lê Thị Khoái 20m ngang đất mặt đường 786. Đến năm 1995, bà Khoái bán cho ông Phan Văn Sơn 10m ngang và bán cho ông Nguyễn Thành Phương 6m ngang, bà Khoái còn 4m ngang. Sau đó, bà Khoái mua thêm của ông Chạy 3m ngang nữa liền kề với 4m ngang còn lại và bán toàn bộ số đất còn lại (7m ngang) cho ông Lê Văn Dơn. Ông Dơn nhờ cháu là ông Trần Văn Thường mua thêm 1m ngang của ông Trần Văn Chạy (!?). Việc ông Chạy bán 3m ngang đất cho bà Khoái và 1m ngang cho ông Thường có làm “giấy tay” nhưng “hiện nay bà Khoái, ông Thường đã mất giấy mua bán tay nhưng có những người xung quanh biết rõ sự việc”. Việc UBND xã Lợi Thuận không xác nhận cho ông Chạy được nhận tiền đền bù là vì trong thực tế ông Chạy chỉ còn 3m ngang. Trong khi đó, ông Chạy đã lấn thêm 4m ngang của ông Trần Văn Quân và cất nhà trên đất này. Do “hoà giải không thành” nên UBND xã Lợi Thuận đã chuyển hồ sơ đến TAND huyện Bến Cầu để giải quyết.

Xung quanh nội dung phản hồi trên, chúng tôi thấy UBND xã Lợi Thuận chưa nhìn thẳng vào sự sai trái của mình trong vụ “tranh chấp” trên.

Thứ nhất, mặc dù trên thực tế, ông Chạy và bà Khoái không hề xảy ra tranh chấp, ông Chạy không hề có đơn khiếu nại nhưng UBND xã Lợi Thuận vẫn “tự tiện” đưa ra “hoà giải”, buộc ông Chạy trở thành “nguyên đơn”. Điều này trái với các quy định của pháp luật bởi chính quyền địa phương không thể “ép” người dân tranh chấp, kiện tụng lẫn nhau nếu thật sự giữa họ không nảy sinh mâu thuẫn.

Thứ hai, UBND xã Lợi Thuận cho rằng ông Chạy đã bán 4m đất của ông cho bà Khoái và ông Thường từ năm 1995 nhưng không có đủ cơ sở xác nhận việc này  (tứ cận, vị trí thửa đất, giấy tờ mua bán hợp pháp…) mà lại bảo rằng “giấy tay đã mất”. Điều này không thể chứng minh ông Chạy chỉ còn 3m đất. Trong khi đó, cho đến năm 2004, ông Trần Văn Quân vẫn làm giấy xác nhận ông Trần Văn Chạy còn 7m ngang đất tại khu vực trên, “em tôi (ông Chạy) được trọn quyền sử dụng, mua và bán”. Và cho đến nay, giữa ông Chạy và ông Quân không hề xảy ra tranh chấp diện tích 4m mà UBND xã Lợi Thuận cho rằng ông Chạy “lấn” của ông Quân.

Thứ ba, UBND xã Lợi Thuận và ông Lê Văn Cửa đã làm trái pháp luật khi tự tiện “giải quyết vụ tranh chấp” (không có nguyên đơn, bị đơn) trong khi toà án thụ lý hồ sơ vụ việc.

Thứ tư, tại Văn bản số 90/BC-UBND ngày 15.9.2009 của UBND xã Lợi Thuận gửi Phòng TN&MT huyện Bến Cầu cho biết, vào năm 1990, ông Trần Văn Quân cho ông Chạy 7m ngang đất mặt đường 786. Trong khi đó, văn bản của UBND xã Lợi Thuận phản hồi Báo cho biết: “vào năm 1994, ông Trần Văn Quân cho ông Chạy diện tích đất…”. Như vậy, ông Quân cho ông Chạy đất vào năm nào là chính xác?

 Cũng tại Văn bản số 90/BC-UBND ngày 15.9.2009 của UBND xã Lợi Thuận gửi Phòng TN&MT huyện Bến Cầu nêu: “Quá trình tranh chấp, từ năm 1995 đến tháng 8.2009 mà ông Chạy không có ý kiến gì cả… Ông Chạy cho rằng không bán cho ai cả. Bà Khoái và ông Dơn cho rằng ông Chạy có bán 4m đất ngang, từ đó ông Dơn cất nhà ở cho đến nay, làm giấy tay qua nhiều năm không còn giữ được nên ông Chạy mới xảy ra tranh chấp”. Thế nhưng tại văn bản gửi Báo Tây Ninh, UBND xã Lợi Thuận lại nêu: “Hiện nay ông Lê Văn Dơn cất nhà ở trên phạm vi 8m ngang, từ năm 1995 đến nay không ai tranh chấp”. Những nội dung trên do UBND xã Lợi Thuận khẳng định rồi lại tự phủ định, khiến cho người ta khó hiểu: ông Chạy tranh chấp với ai, ông Dơn hay bà Khoái, hay thừa biết rằng ông Chạy không tranh chấp với cả hai?

Thứ năm, một khi không có tranh chấp, lẽ ra UBND xã Lợi Thuận phải xác nhận cho ông Chạy được nhận tiền đền bù. Sau đó, nếu xảy ra tranh chấp (nếu có thì chỉ tranh chấp với ông Quân chứ không phải với bà Khoái), toà án sẽ thụ lý giải quyết theo Luật Dân sự. Đằng này, “tự nhiên” UBND xã Lợi Thuận lại “bày ra” chuyện “tranh chấp” vô lý để ngăn ông Chạy nhận tiền đền bù, chẳng khác nào gây khó khăn cho người dân, để rồi phải mất thời gian giải quyết “cái hậu” của vụ việc này.

BẢO TÂM