BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phân loại rác thải tại nguồn khó, nhưng quyết tâm thực hiện 

Cập nhật ngày: 26/07/2022 - 19:47

BTNO - Ngày 7.7.2022, Chính phủ ban hành Nghị đinh số 45/2022/NĐ-CP (Nghị định 45) quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 25.8.2022, chưa đầy 1 tháng nữa Nghị định này sẽ được áp dụng . Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận quan tâm là việc thu gom rác thải sinh hoạt trong dân từ lâu đã khó, nay quy định vấn đề phân loại rác tại nguồn sẽ còn khó hơn…

Vẫn còn nhiều hộ dân việc sử dụng vật dụng chứa rác thải sinh hoạt của gia đình còn sơ sài ( ảnh chụp trên đường Huỳnh Thanh Mừng, phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành)

THAY ĐỔI PHƯƠNG PHÁP THU GOM, VẬN CHUYỂN RÁC

Công ty cổ phần công trình đô thị Tây Ninh là đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại nhiều địa bàn trong tỉnh. Tuy nhiên, trước những quy định của Nghị định 45, ông Dương Thái Bình- Giám đốc Công ty có những trăn trở.

Theo ông Bình, việc quy định phân loại rác thải tại nguồn cần có sự đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và quan trọng là ý thức người dân. Hiện tại với việc thu tiền dịch vụ gom rác tại các địa phương dù thời gian qua các địa phương cấp xã, phường, thị trấn đã nỗ lực tuyên truyền vận động đến từng hộ dân nhưng kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn.

Hiện nay tiền thu gom rác thải mà công ty ký với từng địa phương, phần lớn các địa phương phải sử dụng ngân sách để trả do việc thu phí từ các hộ dân chưa cao. Đơn cử, thành phố Tây Ninh là địa phương có kinh tế phát triển, dân cư có mức thu nhập khá, nhưng mỗi năm thu phí dịch vụ thu gom rác thải chỉ đạt hơn 50%.

Để bảo vệ môi trường, xây dựng xã hội văn minh và phát triển, vấn đề phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là điều cần thiết phải thực hiện. Bởi thực tế, người dân chỉ bỏ rác vào bịch nylon rồi để rác thải sinh hoạt đủ loại tại các vật dụng đựng rác trước cửa nhà chờ công nhân đến lấy.

Trong khi đó, rác thải sinh hoạt theo quy định pháp luật hiện nay phải được phân ra làm 3 loại gồm: rác thải hữu cơ, rác thải tái chế và rác thải nguy hại với ba loại bịch đựng rác có 3 màu khác nhau.

Thế nhưng do việc người dân chưa chủ động phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn nên tất cả đều bỏ chung. Công ty cũng cho nhân viên đi thu gom chung các loại rác, đưa cùng lên một xe vận chuyển đến nhà máy xử lý. Việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ do đơn vị có chức năng xử lý rác triển khai thực hiện.

Ông Dương Thái Bình cho rằng, Luật bảo vệ môi trường hiện hành quy định “người xả rác thải nhiều phải trả phí nhiều”. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương vẫn thu theo từng hộ, từng đối tượng. Để việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đi vào cuộc sống, công tác thu gom, vận chuyển rác cần được thay đổi quy trình.

Thứ nhất, các hộ dân phải được trang bị các loại dụng cụ đựng rác thải sinh hoạt khác nhau để phân loại mỗi khi vứt rác. Theo ông Bình, đây là vấn đề nan giải nhất, bởi việc thay đổi thói quen của người dân không phải chuyện “một sớm, một chiều”. 

Thứ hai là những đơn vị có chức năng thu gom rác thải sinh hoạt như doanh nghiệp ông phải tập huấn kiến thức cho nhân viên trực tiếp thu gom, rồi trang bị lại xe thu gom rác để gom từng loại rác thải, phải xây dựng nơi chứa rác để công nhân phân loại lại kỹ 1 lần nữa trước khi đưa đến các đơn vị có chức năng xử lý từng loại rác thải: vô cơ, tái chế, nguy hại. 

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay hầu hết rác thải sinh hoạt của người dân đều không được phân loại. Tại huyện Dương Minh Châu, địa phương được xem là có nhiều tích cực trong công tác thu gom rác thải sinh hoạt của người dân. Phần lớn qua công tác tuyên truyền, người dân tại các tuyến đường lớn của huyện đã trang bị thùng rác tự quản bằng thùng nhựa, có nắp đậy bảo đảm vệ sinh môi trường.

Thế nhưng rác thải sinh hoạt của từng hộ dân cũng chưa được phân loại, tất cả rác thải sinh hoạt hàng ngày đều được người dân bỏ vào chung một thùng chứa rác để chờ xe chuyên dụng đến thu gom xử lý.

Huyện Dương Minh Châu được xem là địa phương đi đầu cả tỉnh do đã vận động người dân sử dụng vật chứa rác bằng thùng nhựa, có nắp đậy bảo đảm vệ sinh môi trường.

ĐỘNG THÁI CỦA NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG 

Ông Trần Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Sở này đang tham mưu UBND tỉnh về kế hoạch triển khai Nghị định 45 và đang chờ UBND tỉnh ban hành.

Vấn đề quy định pháp luật để bảo vệ môi trường là vấn đề chung của xã hội. Tuy nhiên với quy định mới này, bước đầu các địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu và nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn. Bên cạnh đó, trách nhiệm của chính quyền địa phương càng nặng nề hơn trong việc áp dụng các chế tài xử lý theo quy định của Nghị định trong thời gian tới.

Theo ông Trần Minh Sơn, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đòi hỏi năng lực của các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Trong đó khi đấu thầu thu gom, vận chuyển rác thải,  các địa phương cần tìm hiểu kỹ về năng lực của các đơn vị tham gia đấu thầu để bảo đảm đơn vị được trúng thầu phải có năng lực thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt theo quy định mới hiện nay.

Một lãnh đạo UBND phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh cho biết, địa phương đã nắm và nghiên cứu cụ thể những quy định của Nghị định 45 và đã tổ chức họp với các khu phố để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Nghị định 45; Trạm Truyền thanh phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị định 45 cho người dân nắm để nâng cao nhận thức khi triển khai áp dụng.

Việc vận chuyển rác ở tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đều trang bị xe chở rác chuyên dụng ( ảnh xe chở rác thải sinh hoạt về nhà máy xử lý).

Rõ ràng, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là bài toán khó đối với các địa phương, các sở, ngành liên quan, kể các các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.

Tuy nhiên theo ông Trần Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, dù khó nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cũng như người dân hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, tự nguyện thực hiện phân loại, thay đổi thói quen thì sẽ có kết quả tốt.

Khoản 1 Điều 26 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Thế Nhân