Một trong những nguyên
nhân khiến cho tỷ lệ học sinh vào trường trung cấp chuyên nghiệp không đạt mục
tiêu như đã định là do yếu tố tâm lý của số đông học sinh.
|
Sau THCS, có bao nhiêu học sinh muốn trở thành thợ! Ảnh minh hoạ |
Phân luồng sau trung học sơ
sở (THCS) là chủ trương do Bộ Giáo dục- Đào tạo đề ra đã khá lâu, nhằm khắc phục
tình trạng mất cân đối về nguồn nhân lực mà cụ thể là tình trạng thiếu thợ lành
nghề. Theo kế hoạch của Bộ, đến năm 2010 tỷ lệ học sinh sau THCS vào các trường
trung cấp chuyên nghiệp và trường nghề là 15%. Đến năm 2020, theo tinh thần
chung là chỉ còn khoảng 70% học sinh lớp 9 học lên bậc trung học phổ thông
(THPT), số còn lại sẽ vào trung cấp chuyên nghiệp và các loại hình trường lớp
khác. Tại Tây Ninh, mặc dù ngành Giáo dục đã nỗ lực rất nhiều nhưng có vẻ như
mục tiêu này rất khó thành hiện thực.
Thực tế diễn ra tại Tây
Ninh, từ năm học 2007-2008 đến nay chưa có năm nào học sinh sau THCS vào học
trường nghề và trường trung cấp chuyên nghiệp vượt qua con số 8% (trong khi theo
định hướng của Bộ Giáo dục- Đào tạo là vào năm 2010 con số này phải đạt 15%).
Thậm chí, năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh vào trường nghề và trường trung cấp
chuyên nghiệp còn giảm đi.
Một trong những nguyên nhân
khiến cho tỷ lệ học sinh vào trường trung cấp chuyên nghiệp không đạt mục tiêu
như đã định là do yếu tố tâm lý của số đông học sinh. Phần lớn học sinh chỉ
thích con đường vào đại học. Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp THCS, đa số các em
đều tiếp tục dự tuyển vào lớp 10. Mặt khác, chủ trương phân luồng sau THCS đang
chứa đựng những mâu thuẫn nội tại. Ngành Giáo dục đề ra chỉ tiêu nâng tỷ lệ học
sinh vào trường trung cấp cho năm 2010 là 15%, năm 2020 là 30%. Nhưng thực tế
tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm cho thấy: Trong khoảng 5 năm qua, tỷ lệ học sinh
từ lớp 9 lên lớp 10 ở Tây Ninh năm thấp nhất cũng gần 76% và năm cao nhất đến
hơn 90%. Đây rõ ràng là một nghịch lý, vì một khi THPT tiếp nhận gần hết số học
sinh thì các trường trung cấp lấy đâu ra nguồn để tuyển?
Thực tế cũng cho thấy, hệ
thống trường trung cấp ở Tây Ninh chưa đủ sức hấp dẫn người học. Hiện cả tỉnh có
3 trường trung cấp chuyên nghiệp, gồm: Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật,
Trường Trung cấp Y tế, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tân Bách Khoa. Hệ
trung cấp nghề chỉ có hai trường: Trung cấp Nghề Tây Ninh và Trung cấp Nghề khu
vực Nam Tây Ninh. Bình quân hiện nay mỗi năm có khoảng từ 10.000 – 12.000 học
sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS. Với tổng cộng 5 trường trung cấp, giả sử hằng năm có
khoảng 3.000 học sinh vào học ở các trường này, thì về mặt lý thuyết, mỗi trường
đủ khả năng tiếp nhận chừng 600 học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế không thể nào
có sự chia đều như thế được. Chưa kể một số tỉnh, thành lân cận với Tây Ninh có
ưu thế cạnh tranh hơn nhờ vào hệ thống trường đào tạo tốt hơn, cơ hội việc làm
nhiều hơn.
Từ đó có thể nói việc giữ
nguyên chỉ tiêu phân luồng học sinh sau THCS từ 15% - 30% liệu có phải là duy ý
chí? Thiết nghĩ công tác phân luồng không nên rập khuôn mà phải căn cứ vào điều
kiện cụ thể của từng nơi. Vì thế, nên chăng cần điều chỉnh theo hướng giảm tỷ lệ
nói trên để tránh tình trạng chạy theo những con số không có thực?
VIỆT ĐÔNG