BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã nông thôn mới:

Phân vân…. nhà tạm lánh 

Cập nhật ngày: 02/10/2017 - 05:50

BTN - Theo quy định mới, xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới phải chú trọng đến vấn đề bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, trong đó có quy định về việc xây nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo hành. Từ đó, có một câu hỏi đặt ra là liệu có nhất thiết phải thực hiện quy định này hay không?

Có ý kiến đề xuất dùng nhà văn hoá, văn phòng ấp làm nơi cho phụ nữ tạm lánh.

Cách nay ít ngày,  Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) tổ chức tập huấn hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ đánh giá, thẩm định kết quả đạt các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới năm 2017.

Ông Nguyễn Văn Quá, Phó Giám đốc Sở cho biết, tháng 12.2016, thực hiện đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng nông thôn mới), Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Bộ tiêu chí này liên quan đến các vấn đề về hộ nghèo, lao động, việc làm và bình đẳng giới.

Trên cơ sở đó, Sở LĐ-TB&XH đã cụ thể hoá, chi tiết hoá các nội dung có liên quan để hướng dẫn cán bộ trong ngành ở cấp huyện, xã, thị trấn triển khai, đánh giá, thẩm định từng chỉ tiêu trong mỗi tiêu chí.

Những tiêu chí không dễ

Theo tinh thần mới, xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới (kể từ giai đoạn 2016 - 2020) có tỷ lệ hộ nghèo không quá 1%. Tỷ lệ vừa nêu không bao gồm hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội.

Đối với vấn đề việc làm, xã đạt tiêu chí về lao động có việc làm khi tỷ lệ người lao động có việc làm trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động đạt 90% trở lên. Ở xã xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ lao động có việc làm được tính cho cả người có hộ khẩu thường trú và tạm trú.

Người lao động có thể làm bất kỳ việc gì (không bị pháp luật cấm) từ một tiếng đồng hồ trở lên để tạo ra sản phẩm hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ nhằm tạo thu nhập cho bản thân và gia đình. Xã đạt chuẩn nông thôn mới còn phải thoả mãn chỉ tiêu về lao động qua đào tạo bằng hoặc cao hơn tỷ lệ của từng khu vực trong cả nước.

Ở khu vực miền Đông Nam bộ, tỷ lệ lao động qua đào tạo ít nhất phải đạt 45% trở lên. Người lao động đã qua đào tạo là những người từ 15 tuổi trở lên đã tham gia các lớp giáo dục nghề nghiệp hoặc chương trình cao đẳng, đại học, sau đại học.

Xã nông thôn mới cũng phải bảo đảm vấn đề bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương. Tại những xã này, ít nhất có một nữ lãnh đạo và giữ chức vụ chủ chốt trong Đảng hoặc chính quyền, ví dụ như bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND hoặc HĐND.

Quy định mới cũng đề ra chỉ tiêu 100% phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ chương trình giảm nghèo, giảm nghèo và các nguồn tín dụng khác. Xã nông thôn mới không được để xảy ra trường hợp tảo hôn, cưỡng bức kết hôn. Đáng lưu ý, quy định mới yêu cầu tại mỗi xã có ít nhất một nhà tạm lánh cho các nạn nhân bị bạo lực giới và bạo lực gia đình.

Trước những quy định liên quan đến xây dựng nông thôn mới như trên, nhiều người cho rằng cần xem lại tính hợp lý của chúng. Theo quan điểm của vị đại diện xã Thái Bình, huyện Châu Thành, không nên xếp phụ nữ ở nhà làm nội trợ vào diện thất nghiệp, vì phụ nữ làm nội trợ cũng góp phần xây dựng kinh tế gia đình.

Liên quan chuyện giảm tỷ lệ hộ nghèo để đạt chuẩn nông thôn mới, có ý kiến đặt ra hai lựa chọn: nếu thực hiện giảm nghèo theo tinh thần đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo tăng, còn nếu ưu tiên xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng mọi cách phải giảm tỷ lệ hộ nghèo. Vậy, nên chọn cái nào, nông thôn mới hay hộ nghèo? Tương tự, một ý kiến đến từ lãnh đạo huyện Hoà Thành cho rằng, nếu “quyết tâm” giảm nghèo thì cũng có thể làm được, nhưng như thế liệu có ảnh hưởng gì đến giảm nghèo bền vững chăng?

Một quy định khá mới trong xây dựng nông thôn mới là chuyện xây nhà tạm lánh cho người bị bạo hành. Nhà tạm lánh cho người bị bạo hành phải được trang bị đầy đủ các dụng cụ sinh hoạt, kể cả bàn chải, kem đánh răng… 

Đại diện của các Phòng LĐ-TB&XH đều thống nhất rằng, vấn đề này còn khá mới mẻ trong khi Trung ương lại không quy định cụ thể phải xây như thế nào, ai quản lý. Đó là còn chưa kể, quỹ đất, kinh phí để xây nhà tạm lánh cũng là cả một vấn đề. Có ý kiến đề xuất: nên chăng lấy văn phòng ấp hoặc nhà văn hoá ấp để làm nhà tạm lánh cho người bị bạo hành?

Thực ra, việc xây cơ sở cho người bị bạo hành không phải bây giờ mới được bàn đến. Ngày 16.3.2010, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL nhằm hướng dẫn một số nghị định có liên quan của Chính phủ cũng như Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Thông tư này quy định thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình. Chức năng hoạt động của cơ sở là trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình và tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong đó bao gồm chăm sóc sức khoẻ và tư vấn chăm sóc sức khoẻ; chăm sóc y tế; tư vấn pháp luật; tư vấn tâm lý; cung cấp nơi tạm lánh trong trường hợp nạn nhân không có chỗ ở khác; hỗ trợ một số nhu cầu thiết yếu về đồ ăn, nước uống, cung cấp hoặc cho mượn quần áo, chăn màn và các đồ dùng thiết yếu khác cho nạn nhân bạo lực gia đình.

Cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình có chức năng tư vấn pháp luật; tư vấn tâm lý cho các đối tượng có nhu cầu tư vấn bao gồm nạn nhân bạo lực gia đình, người gây bạo lực gia đình và những đối tượng khác.

Phải cân nhắc kỹ

Theo thông tin đã được công bố rộng rãi, mô hình nhà tạm lánh được hình thành ở một số nước châu Âu. Vào đầu những năm 2000, Cộng hoà liên bang Đức có 600 nhà tạm lánh dành cho người bị bạo hành (tại thời điểm đó, số dân của nước Đức tương đương Việt Nam).

Quy định xây nhà tạm lánh cho người bị bạo hành có thể phù hợp với các nước phương Tây nhưng chưa chắc đã cần thiết đối với người Á Đông. Ở phương Tây, khi bị bạo hành, người vợ sẵn sàng gọi cảnh sát đến xử lý ông chồng nhưng ở phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng thì khác.

Do yếu tố văn hoá, khi bị bạo hành, người phụ nữ ở nước ta ít muốn cho ai biết, trừ trường hợp quá mức đến không chịu đựng nổi mới nhờ chính quyền can thiệp. Nói chung, khi bị bạo hành, thường là nạn nhân chọn hướng “lánh nạn” ở nhà người quen, bà con, bạn bè, nhà cha mẹ ruột…

Vây nên, vấn đề xây nhà tạm lánh cần được cân nhắc cho kỹ, vì mô hình này không chỉ liên quan đến kinh phí, quỹ đất mà còn kéo theo cả đội ngũ nhân lực mới hoạt động được (Thông tư 02 đã dẫn có quy định cụ thể).

VIỆT ĐÔNG

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đã được công bố rộng rãi, tại Việt Nam, cứ ba phụ nữ có chồng, một người từng bị bạo hành, chiếm khoảng 35%. Từ năm 2011 tới 2015, cứ mỗi ngày ở Việt Nam lại có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo hành gia đình.