BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19:

“Phao cứu sinh” thiết thực 

Cập nhật ngày: 13/09/2021 - 00:25

BTN - Thông tư 14 được xem là “phao cứu sinh” thiết thực cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân có vay tiền ngân hàng nhưng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khi do thời hạn cơ cấu lại nợ kéo dài đến ngày 30.6.2022.

Các tiểu thương tại các chợ truyền thống, có nhiều tiểu thương vay nợ ngân hàng, nên việc ngân hàng tạo điều kiện cho được cơ cấu lại thời hạn nợ cũng giúp các tiểu thương đỡ được áp lực nợ ngân hàng.

Ngày 7.9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13.2.2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giãm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thông tư 14 được xem là “phao cứu sinh” thiết thực cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân có vay tiền ngân hàng nhưng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khi do thời hạn cơ cấu lại nợ kéo dài đến ngày 30.6.2022.

Tín hiệu vui cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát vào tháng 4.2021, hầu hết các ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng, nhất là các hộ kinh doanh, nhiều cửa hàng kinh doanh chấp hành các biện pháp giãn cách xã hội, buộc phải đóng cửa trong thời gian dài.

 Dù các ngân hàng đã áp dụng nhiều chính sách theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13.2.2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hỗ trợ khách hàng. Thế nhưng theo quy định tại thông tư này, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thuộc các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 chỉ kéo dài đến ngày 31.12.2021.

Ðây là một khó khăn rất lớn cho nhiều doanh nghiệp, khách hàng là hộ kinh doanh, cá nhân vay tiêu dùng do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa kịp phục hồi kinh doanh, tái sản xuất đã đến hạn trả nợ ngân hàng.

Chị K- chủ một chủ tiệm kinh doanh mỹ phẩm trên đường Tôn Ðức Thắng, phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành cho biết, kể từ khi dịch bệnh tái bùng phát, cửa hàng không còn buôn bán được như trước đây, lượng khách mua hàng giảm mạnh, đó là chưa kể khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về giãn cách xã hội, hầu như cửa hàng đều phải đóng cửa.

Trước đó, để mở rộng quy mô kinh doanh, chị phải vay tiền ngân hàng. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, chị gần như “bạc đầu” vì lo đến hạn trả nợ ngân hàng.

Thời gian qua, để có thu nhập, chị K phải chuyển qua kinh doanh theo hình thức online để có tiền trả lãi vay ngân hàng, nhưng cũng không được là bao. Tuy ngân hàng đã giảm lãi suất, nhưng thời hạn được cơ cấu nợ chỉ đến ngày 31.12.2021, đây là một thách thức không hề nhỏ.

Công ty V hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, trúng thầu nhiều công trình. Ðể bảo đảm tiến độ thi công, doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều công trình phải tạm dừng hoặc chỉ thi công cầm chừng nên việc bảo đảm tiến độ để chủ đầu tư giải ngân theo kế hoạch rất khó khăn, doanh nghiệp phải “gồng mình” trả lương cho công nhân.

Dù ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay nhưng cũng chỉ giảm bớt phần nào, do đó rất cần chính sách hỗ trợ thiết thực như kéo dài thêm thời hạn trả nợ, giảm áp lực cho doanh nghiệp.

Qua trao đổi, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cả khách hàng cá nhân vay tiêu dùng đều cho rằng, việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay cũng chỉ hỗ trợ được phần nào khó khăn. Bởi, để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để mua sắm thiết bị, máy móc…

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc mở rộng kinh doanh không thể thực hiện, thời hạn trả nợ ngân hàng lại đến gần. Ðiều cần nhất hiện nay là, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, vì khi được phép hoạt động lại trong điều kiện bình thường mới, doanh nghiệp cần có thời gian để đưa hoạt động sản xuất trở lại ổn định.

Ngân hàng cũng vui

Có thể thấy, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hết sức cần thiết cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trước khi Thông tư 14 được ban hành, đại diện Vietcombank Tây Ninh cũng đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh điều kiện được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với dư nợ: phát sinh trước ngày 1.8.2021; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi vay trong khoảng thời gian từ ngày 23.1.2020 đến ngày 31.12.2022.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh Tây Ninh, việc Thông tư 14 được ban hành không chỉ là tín hiệu vui cho khách hàng mà còn là tín hiệu vui cho các ngân hàng. Việc được giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ngoài việc tạo điều kiện cho khách hàng trả nợ, các ngân hàng cũng giảm được tỷ lệ nợ xấu.

Tuy nhiên, hiện nay các chi nhánh ngân hàng đều đang chờ hướng dẫn của hội sở ngân hàng mẹ. Sau khi có hướng dẫn, các chi nhánh ngân hàng sẽ rà soát, phân loại khách hàng để áp dụng các quy định của Thông tư 14.

Tấn Hưng

Ðiều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN

1. Sửa đổi, bổ sung Ðiều 4 như sau:

“Ðiều 4. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NÐ-CP ngày 9 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Phát sinh trước ngày 1.8.2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.

2. Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23.1.2020 đến ngày 30.6.2022.

3. Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thoả thuận, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c, điểm d Khoản này;

b) Số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23.1.2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23.1.2020 đến ngày 29.3.2020.

c) Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23.1.2020 đến trước ngày 10.6.2020 và quá hạn trước ngày 17.5.2021.

d) Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10.6.2020 đến trước ngày 1.8.2021 và quá hạn từ ngày 17.7.2021 đến trước ngày 7.9.2021.

4. Ðược tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thoả thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

5. Khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

6. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

7. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc kể từ ngày đến hạn của từng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

8. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 30.6.2022”.