Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Pháp lam là những sản phẩm làm bằng đồng, vàng và bạc, trên bề mặt tráng men trang trí nhiều màu, sau đó nung chín rất đặc biệt, tạo dựng được dấu ấn đặc sắc thông qua các đồ gia dụng, các mảng trang trí nội thất, ngoại thất ở cung điện, lăng tẩm thuộc triều Nguyễn (1802-1945) ở Cố đô Huế.

Pháp lam là những sản phẩm làm bằng đồng, vàng và bạc, trên bề mặt tráng men trang trí nhiều màu, sau đó nung chín rất đặc biệt, tạo dựng được dấu ấn đặc sắc thông qua các đồ gia dụng, các mảng trang trí nội thất, ngoại thất ở cung điện, lăng tẩm thuộc triều Nguyễn (1802-1945) ở Cố đô Huế.
Ở Việt Nam, kỹ nghệ pháp lam du nhập vào đầu thế kỷ XIX do vua Minh Mạng đưa một nhóm thợ vẽ chuyên lo công việc trang trí trong hoàng cung đi học nghề chế tác pháp lam ở Quảng Đông – Trung Quốc. Năm 1827, một số xưởng chế tác được mở đặt tên Pháp lam tượng, chỉ lo việc trong cung đình đáp ứng các nhu cầu triều đình và hoàng gia. Các sản phẩm pháp lam Huế có cốt liệu bằng đồng đỏ được tráng men. Sản phẩm pháp lam trang trí nội ngoại thất các công trình kiến trúc cung đình giàu giá trị mỹ thuật, trường tồn qua nắng mưa xứ Huế. Kỹ nghệ tích hợp các nghề kim hoàn, gốm sứ, đúc đồng, chạm kim loại…. làm nên sự độc đáo, đa dạng của pháp lam.
|
|
Bình pháp lam chạm khảm |
![]() |
Bát pháp lam |
![]() |
Pháp lam ô hộc |
![]() |
Pháp lam chạm khảm |
Pháp lam Huế triều Nguyễn (1802-1945) gồm: pháp lam trang trí ngoại thất trong các cung điện, lăng tẩm qua các chi tiết rồng, mây, bầu rượu, hoa lá, la mảng màu; pháp lam trang trí nội thất và đồ tế tự đa dạng với các đồ án hoa lá, tứ linh, bát bửu, sơn thủy… màu từ đơn sắc tới hòa sắc. Đồ tế tự thường dùng các màu đỏ, vàng chanh, trắng, xanh đậm; pháp lam đồ gia dụng bát, đĩa, chén, tước, hộp đựng, khay, nậm rượu, bình vôi… có các màu lam, hồng tía, xanh lục, nâu nhạt… Ngoài ra còn có pháp lam ký kiểu do các vua nhà Nguyễn đặt làm ở Quảng Đông – Trung Quốc, Sévres – Pháp, Spode – Anh, sau đó cho khắc niên hiệu vua lên đồ vật. Vượt qua khuôn khổ đồ làm cho sinh hoạt, lưu niệm, thờ tự, pháp lam triều Nguyễn trở thành vật liệu kiến trúc đắt giá cho các cung điện, lăng tẩm, đền đài ở Cố đô Huế trải qua 200 năm tồn tại vẫn tươi nguyên sắc màu nét son lộng lẫy như vơi đi nỗi u buồn, trầm mặc giữa kinh thành rêu phong cổ kính.
Qua 60 năm khởi đầu từ triều vua Minh Mạng (1820-1840), hoàng kim ở triều vua Thiệu Trị (1841-1847), dần mai một dưới thời Tự Đức (1847-1883), pháp lam Huế tạo dựng dấu ấn đặc sắc qua các đồ gia dụng, các mảng trang trí nội thất, tự khí và pháp lam trang trí ngoại thất tại các cung điện, lăng tẩm… Sau đó sa sút dù được phục hồi dưới triều vua Đồng Khánh (1885-1888) nhưng chưa phục hưng nổi mà rơi vào thoái trào vào thời Bảo Đại (1925-1945).
Sau hơn một thế kỷ bị lãng quên, tiếp sau quần thể Di tích Huế được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới năm 1993, từ năm 2000 việc nghiên cứu, phục hồi kỹ nghệ chế tác pháp lam được tiến hành. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có những cán bộ nghiên cứu chuyên sâu về pháp lam trên các phương diện mỹ thuật, kỹ thuật, văn hóa, lịch sử. Các sản phẩm pháp lam do Tiến sĩ Nguyễn Nhân Đức, Thạc sĩ Đỗ Hữu Triết, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Bình, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, họa sĩ Lê Phước Tân… phục chế đã ứng dụng thành công cho việc trùng tu các di tích, công trình.
Công ty TNHH Thái Hưng của nhóm Thạc sĩ Đỗ Hữu Triết cùng các cộng sự tạo nên các mặt hàng mỹ nghệ, các tác phẩm mỹ thuật trên chất liệu pháp lam cùng sự phối hợp hài hòa các chất liệu sơn mài truyền thống đã làm sống lại pháp lam Huế từng bị thất truyền.
(Theo BAVN)