Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tổng thống Nicolas Sarkozy công khai bày tỏ quyết tâm mở rộng ảnh hưởng quân sự của Pháp và củng cố mối quan hệ với các đối tác chiến lược.

![]() |
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cùng Tổng tham mưu trưởng Jean-Louis Georgelin trong buổi lễ duyệt binh nhân Ngày Bastille. Ảnh: AP |
Tổng thống Nicolas Sarkozy công khai bày tỏ quyết tâm mở rộng ảnh hưởng quân sự của Pháp và củng cố mối quan hệ với các đối tác chiến lược khi chủ trì một buổi lễ diễu binh khá hoành tráng nhân kỷ niệm 220 năm ngày tấn công vào ngục Bastille ở Paris (14.7.1789 – 14.7.2009), khởi đầu cho cuộc Cách mạng Pháp.
Ngày hôm ấy ở thủ đô Paris, các phi đội máy bay tấn công liên tục vòng quanh trên bầu trời quanh khu vực điện Elysees. Hàng đoàn binh lính Pháp cùng với binh lính Đức và Ấn Độ trong những bộ quân phục đầy màu sắc diễu hàng qua con đường trước cổng dinh Tổng thống trước sự chứng kiến của ông Sarkozy và đệ nhất phu nhân Carla Bruni-Sarkozy, cùng Tổng thống Đức Horst Koehler, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen… Hàng ngàn người dân Pháp đến tham dự buổi lễ, cho dù mới tối hôm trước Paris rúng động khi cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay và dùi cui để giải tán hàng trăm người biểu tình quá khích phản đối việc cảnh sát tổ chức cưỡng chế một khu nhà bị chiếm dụng bất hợp pháp ở vùng ngoại ô Montreuil.
Việc có mặt binh lính Đức trong cuộc diễu hành hôm 14.7 tại Paris được xem là động thái khẳng định việc nước Pháp sẽ tham gia đầy đủ mọi hoạt động quân sự của Khối liên minh NATO sau 43 năm vắng mặt. Trước đó, ngày 3.2.2009, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã quyết định cho phép 1 tiểu đoàn quân đội Đức đóng tại Strasbourg. Trong khi đó, không phải bỗng dưng mà ông Sarkozy mời Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tham dự buổi lễ, Pháp đang cố gắng cạnh tranh với Anh và Mỹ mở rộng thị trường buôn bán vũ khí và công nghệ hạt nhân ở quốc gia này. Có tin cho biết, Pháp đang thương lượng bán cho Ấn Độ hàng chục máy bay chiến đấu Rafale và ký hợp đồng nâng cấp khoảng 50 chiếc Mirage cho quân đội Ấn Độ. Ngoài ra, các công ty của Pháp cũng đang chào bán trực thăng và hệ thống radar.
Dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, Pháp tái cấu trúc lại quân đội, đóng cửa một số căn cứ quân sự ở trong nước và châu Phi, tăng cường sự hiện diện ở vịnh Ba Tư. Một mặt để đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu vận tải hàng hoá trước mối đe doạ cướp biển; mặt khác nhằm củng cố mối quan hệ với các quốc gia Ả-rập lắm tiền của từ dầu mỏ cũng như đe doạ Iran – quốc gia bị cáo buộc đang tìm kiếm khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân.
Ông Sarkozy từng nhấn mạnh rằng, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, chính phủ Pháp vẫn sẽ không cắt giảm ngân sách dùng cho việc phát triển vũ khí kỹ thuật cao và việc thu thập thông tin tình báo. Pháp cũng sẽ tăng cường sự hiện diện của quân đội ở những điểm nóng trên thế giới, cam kết tăng thêm quân tại Afghanistan, sát cánh cùng với Mỹ trong cuộc chiến chống Taliban và tổ chức khủng bố Al-Qaeda.
Đ. Hoàng Thái
(Theo AP)