Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Năm 2024, Bộ CHQS tỉnh dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng Khối quân sự địa phương Quân khu 7, được Bộ Tư lệnh Quân khu đề nghị Chính phủ tặng cờ thi đua.
Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc
Nhân dân vùng biên giới là phên giậu của Tổ quốc. Đây sẽ là lực lượng tại chỗ làm chỗ dựa cho các lực lượng chức năng trên biên giới làm nhiệm vụ. Từ thực tế đó, Bộ Tư lệnh Quân khu phối hợp UBND tỉnh triển khai Đề án “Xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới” nhằm tiếp tục thực hiện chính sách “an dân giữ đất biên cương”, “mỗi người dân là một cột mốc sống giữ biên cương”.
Cuối tháng 7.2019, Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới Bến Cừ (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành) được khánh thành và bàn giao cho 5 hộ dân. Đây là điểm dân cư đầu tiên trên biên giới được khởi công xây dựng theo Đề án “Xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới” tại 21 điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025.
Qua 6 năm triển khai, đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành có liên quan, cùng chính quyền các huyện, thị xã biên giới xây dựng được 145 căn nhà. Nếu trước đây, mỗi điểm dân cư mới xây dựng 5 căn nhà, thì nay, Bộ CHQS tỉnh đã tăng dày được 10 căn ở một số nơi như Điểm dân cư Mít Mọi (xã Tân Đông), Bàu Sen (xã Tân Hà) của huyện Tân Châu; Điểm dân cư Bố Lớn (xã Hoà Hội, huyện Châu Thành); Điểm dân cư Cua số 5 (xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên).
Hai năm nay, Chốt dân quân biên giới ấp Bố Lớn (xã Hoà Hội, huyện Châu Thành) trở nên sung túc và ấm áp hơn khi có 5 hộ dân tình nguyện lên đây sinh sống. Và vừa qua, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 – UBND tỉnh tổ chức khánh thành, bàn giao thêm 5 căn nhà nữa cho các hộ dân.
Vợ chồng anh Keo Ranl được tặng nhà lần này. Anh chia sẻ: “Là những gia đình khó khăn tình nguyện lên biên giới sinh sống và được lãnh đạo, các nhà hảo tâm chăm lo hỗ trợ xây tặng nhà ở khang trang, chúng tôi rất mừng. Chúng tôi hứa, sẽ luôn đoàn kết gắn bó để xây dựng Điểm dân cư ngày một phát triển, ổn định cuộc sống lâu dài. Chúng tôi sẽ luôn là chỗ dựa vững chắc, lực lượng tin cậy trên tuyến biên giới để bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.
Các điểm dân cư được xây dựng dọc theo đường tuần tra biên giới, có đường giao thông thuận lợi; bảo đảm điện, nước cho người dân sinh hoạt, ổn định cuộc sống lâu dài. Ngoài hỗ trợ nhà, các gia đình còn được tặng thêm đất sản xuất, bò sinh sản để làm sinh kế, phát triển điều kiện gia đình.
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Phong- Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh, Đề án “Xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới” trên địa bàn tỉnh là hiện thực hoá Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”.
“Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên, Đề án có ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng và tăng cường lực lượng tại chỗ. Các điểm dân cư liền kề là điểm tựa tinh thần “Dân đã có quân”, “Quân đã có dân”. Mỗi người dân sẽ là “cột mốc sống”, cùng Dân quân thường trực, Bộ đội Biên phòng, Công an tham gia bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc và an ninh biên giới, góp phần tăng cường sức mạnh khu vực phòng thủ, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”- Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh nói.
Gắn kết Quân - Dân
Năm 2024, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã bám sát nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của cấp trên, chủ động tham mưu đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả cho cấp uỷ, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Ngoài chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ, Bộ CHQS tỉnh còn quan tâm, chung tay chăm lo đời sống Nhân dân ở nhiều lĩnh vực.
Bộ CHQS tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”, “Đơn vị dân vận tốt” và cuộc vận động “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Tăng cường gắn kết, thân thiện, hỗ trợ giúp đỡ đồng bào dân tộc và tôn giáo”.
LLVT các đơn vị tham gia làm công tác dân vận với 71.000 ngày công, cùng với các ngành và cấp uỷ, chính quyền địa phương sửa chữa, xây nhà, thăm, tặng quà, khám bệnh cấp thuốc, hỗ trợ vật chất, với tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng.
Các mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong LLVT tỉnh đã mang lại sự gắn kết, gần gũi với người dân như mô hình “Kết nối hậu phương”, “Xoa dịu nỗi đau da cam”, “Câu lạc bộ người mẹ, người dì chiến sĩ”… Đặc biệt, mô hình “Rau sạch quân sự” đạt được nhiều kết quả tích cực với 56 điểm, đã tặng miễn phí hơn 26 tấn rau, củ, quả, nhu yếu phẩm các loại cho bà con Nhân dân.
Không chỉ hỗ trợ người dân về đời sống vật chất, Bộ CHQS tỉnh còn đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần, sức khoẻ của đồng bào tôn giáo, dân tộc. Hoạt động nổi bật là xây dựng công trình sinh hoạt cộng đồng và dụng cụ thể dục thể thao (TDTT) cho đồng bào tôn giáo, dân tộc. Tính đến nay, đã có 10 công trình TDTT được Bộ CHQS tỉnh xây dựng. Riêng trong năm 2024 đã trao tặng 3 công trình cho các tổ chức tôn giáo và cụm dân cư với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Cùng với đó, các đơn vị quân sự trong tỉnh xây dựng, bàn giao 36 căn nhà Tình nghĩa Quân-Dân, nhà Đại đoàn kết cho người dân.
“Các công trình TDTT cũng như nhà Tình nghĩa Quân-Dân là cách để Bộ CHQS tỉnh cụ thể hoá chủ trương của Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu về “Tăng cường gắn kết thân thiện, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc, tôn giáo”. Đây là việc làm ý nghĩa mà qua đó sẽ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong việc chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho đồng bào tôn giáo nói riêng và Nhân dân trên địa bàn nói chung”, Đại tá Đỗ Thành Việt- Phó Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh chia sẻ.
Với truyền thống chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ cùng nền tảng giáo dục qua từng hoạt động, phong trào của đơn vị đã trui rèn nên những người lính kiên cường, bản lĩnh cả về tư tưởng lẫn nghiệp vụ chuyên môn.
Chiến sĩ Nguyễn Văn Hoàng- Đại đội 1, Tiểu đoàn 14 nói: "Là một người lính, tôi luôn tu dưỡng, rèn luyện bản thân để thực hiện tốt nhiệm vụ tại đơn vị. Bản thân cũng chuẩn bị ra quân, tôi xác định rõ bổn phận, trách nhiệm của mình khi trở về địa phương. Tôi sẽ phấn đấu là một công dân tốt như môi trường quân đội đã đào tạo nên. Và tôi luôn sẵn sàng thực hiện trọng trách của bản thân đối với đất nước trong mọi tình huống sau này".
Khải Tường