Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các "thế giới đã mất" hoàn toàn trái ngược với Nam Cực hiện đại, đầy sự sống kỳ lạ, mặc dù tất cả đã biến thành hóa thạch.
Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances, kết quả phân tích địa thời học và trầm tích học của lõi khoan lấy từ thềm biển Amundsen ở Tây Nam Cực đã tiết lộ về hai "thế giới đã mất" đầy bất ngờ.
Thế giới đầu tiên, được thể hiện thông qua lớp trầm tích sâu có niên đại từ giữa kỷ Phấn Trắng, tức khoảng 85 triệu năm trước.
Đó là một lớp trầm tích chứa đầy dấu vết hóa thạch của vô số động thực vật kỳ lạ, hiện nay đã không còn tồn tại trên địa cầu.
Bằng chứng về một "thế giới đã mất" thời khủng long xuất hiện bên dưới Nam Cực băng giá - Ảnh AI: Anh Thư
Ngoài các hóa thạch căn bản, bào tử và phấn hoa được giữ chặt trong băng cũng tiết lộ về một khu rừng mưa ôn đới từng ngự trị ở miền đất nay là băng hà vĩnh cửu.
Phát hiện này là bằng chứng xác thực về một giả thuyết cho rằng vào thời đại mà loài khủng long còn sinh sống, đã có thời điểm Trái Đất nóng nực hơn - ít nhất ở phía Nam - và Nam Cực ngày nay là một miền đất ngập đầy sự sống.
Lớp trầm tích thứ hai, nông hơn, lưu giữ bằng chứng về một thời kỳ xanh tươi khác thuộc thế Thủy Tân (55,8-33,9 triệu năm trước) của kỷ Cổ Cận, là kỷ ngay sau kỷ Phấn Trắng, khi loài khủng long đã tuyệt chủng.
Những gì được trầm tích lưu giữ cho thấy Nam Cực thế Thủy Tân vẫn là một đồng bằng sông rộng lớn, với tải lượng chất hữu cơ lớn, cho thấy nhiều động thực vật đã sinh sống nơi đây vào thời kỳ đó.
Đồng bằng sông cổ đại đó có "xương sống" là một hệ thống sông khổng lồ, chảy từ dãy núi xuyên Nam Cực đang dâng cao vào biển Amundsen.
Theo Heritage Daily, trước đó các nhà khoa học từng biết đến về một thời kỳ không bị bao phủ bởi băng hà khác của Nam Cực, thông qua chuyến thám hiểm Terra Nova không may mắn vào năm 1910–1913.
Chuyến thám hiểm đã phát hiện ra hóa thạch từ cây Glossopteris, một chi dương xỉ hạt đã tuyệt chủng trong thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt cuối kỷ Nhị Điệp, xảy ra khoảng 252 triệu năm trước.
Nguồn NLĐO