Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhà chức trách Hong Kong đã tăng cường cảnh giác sau khi phát hiện chủng cúm gia cầm H5N8 lần đầu tiên.
Hôm 14/1, Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Bảo tồn cho biết đã nhận được thông báo từ nhóm nghiên cứu thuộc Trường Y tế Công cộng của Đại học Hong Kong về hai mẫu phân chim từ khu bảo tồn thiên nhiên Mai Po dương tính với chủng cúm H5N8. Là vùng ngập nước lớn nhất còn lại ở phía tây bắc Hong Kong, Mai Po đóng vai trò quan trọng duy trì đặc tính và là nơi trú ẩn của hàng chục nghìn loài chim di cư.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Hong Kong, đơn vị quản lý khu bảo tồn, cho biết, họ đã tăng cường làm sạch và khử trùng các cơ sở du lịch bao gồm nơi sống của chim và lối đi bộ. Họ cũng đặt một thảm có chất khử trùng ở lối vào.
Trong vòng 3 km từ khu bảo tồn không có trang trại gia cầm nào. Tuy nhiên, giới chức cảnh báo người chăn nuôi gia cầm, chủ các cửa hàng bán chim và người nuôi gia cầm làm thú cưng cần có biện pháp đề phòng căn bệnh. Cục Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm cho biết sẽ quản lý chặt chẽ đối với các cửa hàng bán gia cầm sống.
Các loại chim ở Mai Po vùng ngập nước lớn nhất còn lại ở phía tây bắc Hong Kong
Giáo sư Leo Poon Lit-man, thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết, đây là lần đầu tiên chủng cúm H5N8 được phát hiện tại Hong Kong. Poon nói: "Có thể virus được đưa vào Hong Kong do các loài chim mắc bệnh di cư từ nơi khác tới bởi loại virus này đã phổ biến ở các nước khác".
H5N8 đã bùng phát ở Trung Quốc đại lục và một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và Pháp, khiến hàng triệu con gà bị tiêu hủy.
Theo các chuyên gia, chưa có bằng chứng cúm gia cầm H5N8 lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, Poon cho biết: "Dù khả năng lây nhiễm sang người thấp, không thể loại trừ trường hợp những người có hệ miễn dịch kém".
Từ những kinh nghiệm trước, khi virus cúm gia cầm, như H5N1 và H7N9 lây nhiễm sang người gây tử vong, nhà khoa học khuyến cáo cần nâng cao cảnh giác trước phát hiện lần này.
Nguồn VNE (Theo SCMP)