Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát hiện dấu ấn người Tiền sử ở hang Thúi Thó – Ninh Bình

Cập nhật ngày: 15/03/2012 - 05:18

Hình ảnh, ký tự còn khắc trên đá.

Hang Thúi Thó nằm ở núi Mèo Cào, trong Khu bảo tồn vùng đất ngập nước Vân Long, trên địa bàn hành chính xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

Hang này đã được nhắc đến trong: “Báo cáo kết quả nghiên cứu cơ sở khoa học và giải pháp khai thác tiềm năng hang động Karst phục vụ phát triển du lịch khu vực Tam Điệp-Yên Mô-Kênh Gà-Vân Trình-Vân Long, tỉnh Ninh Bình, 2006” do thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên chủ trì đề tài. 

Những ngày đầu tháng 9 năm 2010, chúng tôi, những người làm công tác ở Phòng Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình cùng với những người làm công tác trong ngành ở địa phương đã trở lại hang Thúi Thó. Hang có cửa rộng 9m quay theo hướng tây nam, lòng hang sâu 13m, trần hang cao từ 7 đến 8m trên đó có nhiều nhũ đá đẹp. Nền hang có độ cao bằng mực nước trung bình và thường bị ngập vào mùa lũ. Trên nền hang còn một số tảng trầm tích lớn bám đầy vỏ hầu biển đây là dấu tích, là tàn dư của đợt biển tiến Holocen cách chúng ta ngày nay từ 5.000 đến 7.000 năm. Điều đặc biệt đáng chú ý là trên vách hang ở độ cao từ 2 đến 3m so với nền hang còn sót lại một số mảng trầm tích thuộc thế Pleistocen, cách ngày nay trên 10.000 năm ken dầy vỏ ốc suối, vỏ trai nước ngọt, ốc núi, xương thú, một số mảnh đất sét có mầu đỏ do tác động của lửa... 

Cửa hang Thúi Thó trên vùng đất ngập nước Vân Long.

Như vậy vào thời điểm cách ngày nay trên 10.000 năm có người cổ sinh sống ở nơi đây có thể là cư dân thuộc nền Văn hóa Khảo cổ học Hòa Bình thường sống trong những hang động và khai thác nguồn thức ăn ở những thung lũng lân cận. Việc phát hiện này có ý nghĩa trong việc nghiên cứu văn hóa thời Tiền sử cũng như sự tác động của biển tiến đối với cư dân cổ thời đó. Nó có ý nghĩa cho việc nghiên cứu biển tiến hiện tại tác động đối với chúng ta. Trước mắt hang Thúi Thó cần được bảo tồn nguyên trạng và tiếp tục nghiên cứu. 

Hang Thúi Thó cùng với các di tích quanh đó như những hình vẽ cổ trên mái đá Cửa Chùa, Vườn Thiên, đền Bến Nổi…là những dấu ấn về văn hóa trong cảnh quan thiên nhiên đẹp và kỳ vỹ nằm giữa lưu vực sông Đáy (ở phía đông bắc) và lưu vực sông Hoàng Long (ở phía tây nam) chắc sẽ ngày càng thu hút các nhà khoa học, khách du lịch đến với Khu du lịch sinh thái Vân Long.

Theo BaoNinhBinh