Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Hơn 8 triệu tấn rác nhựa đổ vào các đại dương trên thế giới mỗi năm, kéo theo mối quan ngại ngày càng gia tăng về tác động của các thành phần chất độc hại từ nhựa có thể gây ra đối với sức khỏe con người và môi trường.
Hầu hết các loại nhựa có thể tồn tại hàng trăm năm trong môi trường, do đó các nhà khoa học đang nỗ lực tìm kiếm những biện pháp tốt hơn để tiêu hủy sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ này.
Theo kết quả nghiên cứu công bố ngày 16/4, trong quá trình nghiên cứu vi khuẩn, các nhà khoa học quốc tế đã vô tình tạo ra một enzyme mới có thể giúp tiêu hủy nhựa polyethylene terephthalate (PET) - vốn được sử dụng rộng rãi để sản xuất chai nhựa.
Ảnh minh họa. (Nguồn: UPIX)
Đột phá trong nghiên cứu này xuất phát từ một loại vi khuẩn tự nhiên có tên khoa học là Ideonella sakaiensis có đặc tính "ăn" PET được phát hiện tại Nhật Bản cách đây vài năm từ một trung tâm tái chế chất thải.
Các nhà khoa học tại Đại học Portsmouth và Phòng Năng lượng tái tạo quốc gia (Bộ Năng lượng Mỹ) đã quyết định tập trung nghiên cứu cấu trúc của vi khuẩn này để xem enzyme PETase của vi khuẩn này hoạt động như thế nào.
Sử dụng tia X cực mạnh, sáng hơn Mặt trời gấp 10 tỷ lần, các nhà khoa học đã tạo ra một hình ảnh ba chiều có độ phân giải cực cao.
Trong khi đó, các nhà khoa học thuộc Đại học Nam Florida và Đại học Campinas ở Brazil đã sử dụng máy tính tạo ra một mô phỏng, trong đó cho thấy về cơ bản PETase trông giống như các loại enzyme khác được phát hiện trong nấm và vi khuẩn. Chỉ có một phần của PETase hơi khác biệt và các nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là yếu tố cho phép enzyme này phân hủy nhựa nhân tạo.
Các nhà nghiên cứu cho biết hiện nay họ đang nghiên cứu để phát triển enzyme này, với hy vọng sẽ nhân rộng nó để ứng dụng trong việc tiêu hủy rác thải nhựa.
Nguồn baoquocte (theo Science Alert)