Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát hiện nhiều dấu tích hơn 1.000 năm tuổi ở di tích Bến Đình
Thứ tư: 19:18 ngày 04/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau gần 2 tháng khai quật, đoàn khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu tích có ý nghĩa về mặt lịch sử văn hóa ở Khu di tích lịch sử-văn hoá Bến Đình.

Sau gần 2 tháng tổ chức khai quật tại Khu Di tích Lịch sử - văn hóa Bến Đình (ấp B, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu), đội ngũ khảo cổ thuộc Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ đã phát hiện nhiều dấu tích có niên đại hơn 1.000 năm tuổi.

Để khai quật và phát hiện những dấu tích có niên đại hơn 1.000 năm tuổi này, Trung tâm đã huy động 30 công nhân, nhà khảo cổ, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ thực hiện.

Dấu tích gạch nung, mảnh bình gốm vừa được phát hiện tại Khu di tích.

Thạc sĩ Lê Hoàng Phong- Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học, người trông coi công tác khai quật tại khu di tích, cho biết công tác khai quật được triển khai từ ngày 10.10.2019, với mục đích thăm dò vùng lõi tại khu di tích Bến Đình. Quá trình khai quật được chia làm 2 khu vực, khu vực 1 tại vùng gò của Bến Đình; khu vực 2 là đào thám sát xung quanh để xác định mật độ di tích phân bố nhằm xác định vùng lõi di tích, thuận tiện cho việc bảo vệ di tích được khai quật.

Trên gò Bến Đình, đoàn đã mở 6 hố khai quật, tổng diện tích hiện tại khoảng 300m2. Khu vực xung quanh Bến Đình có 14 hố thám sát, tổng cộng 30m2.

Ths.Phong cho biết thêm, trong 6 hố khai quật, đội phát hiện rất nhiều nền móng của kiến trúc. Trong đó, hố khai quật 1 và 6 phát hiện dấu tích của Nhà dài có quy mô lớn với bề ngang khoảng 6 m và dài 22 m. Ngoài ra, trong lòng của di tích có để lại dấu vết sinh hoạt và kiến trúc của nhà sập còn giữ nguyên lại trên bề mặt.

Dự đoán về niên đại của các dấu tích, Ths.Phong cho biết: “Niên đại sớm của giai đoạn này có thể từ thế kỷ thứ VIII, IX. Còn có một số giai đoạn muộn về sau nữa, nhưng để biết chính xác thì phải chờ đến kết luận nghiên cứu phân tích của các nhà khoa học. Tuy nhiên, giai đoạn sớm của các dấu tích có thể ở thế kỷ thứ VIII, thứ IX sau Công nguyên, thuộc giai đoạn hậu Óc Eo cách đây hơn 1.000 năm”.

Nền đá được chôn lấp dưới lòng đất hơn 1.000 năm tuổi.

Ngoài dấu tích Nhà dài và Đền tháp, tại 6 hố khai quật còn phát hiện những mảnh gốm vỡ, gạch nung, nền đá, rõ nhất tại hố 6, trên từng dấu tích gạch nung đều thể hiện rõ các chi tiết hoa văn cầu kỳ, tỉ mỉ, chứng tỏ kỹ thuật nung và chế tác của người xưa rất cao. “Một số kiến trúc tại hố 6 còn vết tích trang trí điêu khắc rõ nét, mang đậm dấu ấn Hindu giáo”- Ths.Phong khẳng định.

Tại Tây Ninh có rất nhiều di tích ở giai đoạn hậu Óc Eo, cùng giai đoạn với di tích Bến Đình này. Tuy nhiên, nếu so với di tích đã được khai quật trước đó, các dấu tích tại Khu di tích Bến Đình có nhiều điểm đặc biệt hơn.

Giải thích thêm về các kiến trúc đặc biệt vừa được khai quật, Ths.Phong nói: “Một điểm rất đặc biệt đó là điêu khắc, hoa văn và mỗi cấu kiện kiến trúc của các dấu tích. Có thể so sánh với một trong những di tích nổi tiếng ở Tây Ninh, đó là di tích Chót Mạt và Tháp cổ Bình Thạnh. Điểm đáng chú ý nhất, đó là những mô típ hoa văn tại Bến Đình tuy có nét tương đồng, nhưng đường nét cầu kỳ và sắc sảo hơn so với di tích ở khu vực Chót Mạt và Bình Thạnh”.

Họa tiết cầu kỳ trên từng viên gạch.

Khu Di tích Lịch sử - văn hóa Bến Đình được công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 72/QĐ-CT ngày 13.6.1998 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. Đây là khu di chỉ khảo cổ lớn của tỉnh, ngoài giá trị lịch sử kiến trúc đền tháp, phương pháp chế tạo vật liệu… di tích còn giúp cho các nhà nghiên cứu về tập tục xưa về một nền văn minh Óc Eo.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Bảo tàng tỉnh Tây Ninh phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ khai quật khảo cổ tại di tích Bến Đình.

Sau gần 2 tháng khai quật, đoàn khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu tích có ý nghĩa về mặt lịch sử văn hóa.

Để giữ gìn, bảo quản và phát huy giá trị những hiện vật được phát hiện, Ths. Lê Hoàng Phong đề xuất: “Đây là một di tích rất đặc biệt. Sau khi khai quật đã để lại nhiều nền móng kiến trúc khá nguyên vẹn. Do đó, cách bảo quản ban đầu, chúng tôi sẽ lắp địa kỹ thuật bằng phương pháp lấp vải và cát, sau đó lấp đất trả lại hiện trạng ban đầu. Các cơ quan chức năng nên tiếp tục đầu tư để sau này khai quật lớn hơn; hoặc có thể xây dựng những mái che để phát huy giá trị của khu di tích này về mặt lịch sử văn hóa.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục