Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, từ những hiện vật như rìu đá, đồ gốm ở di chỉ khảo cổ Gò Bà Đao, có thể xác định được, gần 3.000 năm trước, người tiền sử thuộc thời kỳ Đồng Thau đã sống quần tụ ở khu vực này.

(BTNO) - Theo người phụ trách khai quật, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, từ những hiện vật như rìu đá, đồ gốm ở di chỉ khảo cổ Gò Bà Đao thuộc ấp Chánh, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, có thể xác định được, gần 3.000 năm trước, người tiền sử thuộc thời kỳ Đồng Thau đã sống quần tụ ở khu vực này.
Ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, năm 2009 khi triển khai đề tài khoa học cấp tỉnh “Điều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh”, các nhà khảo cổ và cán bộ Bảo tàng tỉnh đã tổ chức nhiều đợt khảo sát điền đã và nghiên cứu các di tích trên địa bàn tỉnh. Từ đó xác định, ở khu vực Bến Cầu nói riêng và Tây Ninh nói chung, có rất nhiều di tích có giá trị lịch sử khoa học cần phải tiếp tục nghiên cứu.
![]() |
Khu vực khai quật di chỉ Gò Bà Đao |
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Long giải thích về quá trình chế tác từ rìu "vai" sang rìu "tứ giác" của người tiền sử |
![]() |
Rìu vai bằng đá silic |
![]() |
Phát lộ dần một chiếc rìu "tứ giác" dưới hố khai quật |
![]() |
Những mảnh gồm ở di chỉ Gò Bà Đao |
![]() |
Một chiếc bình gốm còn tương đối nguyên vẹn sau gần 3.000 năm ngủ yên dưới lòng đất. |
Cũng trong năm 2009, trong đợt đào thám sát ở Gò Bà Đao, đã phát hiện những đồ dùng sinh hoạt của người tiền sử. Nhưng phải đến giữa tháng 6.2010, Bảo tàng tỉnh mới phối hợp với Viện phát triển bền vững vùng Nam bộ triển khai khai quật. Tiến sĩ Nguyễn Văn Long cho biết, từ hàng ngàn mảnh gốm tìm thấy ở di chỉ Gò Bà Đao, có thể xác định được trình độ kỹ thuật của người tiền sử. Những hiện vật tìm thấy ở Gò Bà Đao có niên đại tương đương với những hiện vật tìm thấy ở di chỉ khảo cổ An Sơn (ấp Sơn Lợi, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), khoảng 3.000 năm.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Long cho rằng, các loại rìu đá “vai” và rìu “tứ giác” bằng đá silic tìm thấy ở Gò Bà Đao có thể không do cư dân cổ ở đây chế tác, vì loại đá này không có ở khu vực Tây Ninh. Có khả năng, để có được các loại rìu đá này, họ đã phải trao đổi với cư dân cổ sống ở vùng Bắc Đồng Nai. Với những hiện vật tìm được, hoàn toàn có thể tin rằng, cách đây 3.000 năm, có rất đông cư dân cổ sống ở khu vực Gò Bà Đao. Khi đến thăm di chỉ hồi giữa tháng 6.2010, các nhà khảo cổ thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cũng đã tán đồng giả thuyết này.
Ông Dũng và Tiến sĩ Long nhận định, chỉ riêng khu vực Bến Cầu, có khá nhiều di chỉ khảo cổ cần được giữ gìn và bảo quản. Sắp tới đây, Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Viện phát triển bền vững vùng Nam bộ đào thám sát di chỉ khảo cổ Bến Đình (xã Tiên Thuận). Khu vực này được đánh giá là có quy mô rất lớn, bao gồm cả khu vực cư dân sinh sống, bến cảng, đền tháp của người xưa…
Đặng Hoàng Thái