Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Truyện ngắn
Phật Hương
Thứ bảy: 20:02 ngày 13/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm nào cũng vậy, cứ gần đến ngày cuối đông là tôi xuống suối lấy bùn về thay cho mấy chậu sen. Năm nay, mới đầu tháng mười một mà dòng Tha La đã cạn nước. Cái nắng hanh hao hắt xuống mặt suối làm cho người ta có cảm giác như bốc lửa vậy. Bờ suối vắng hoe, chỉ có mấy con chim bói cá kiên trì rình rập, lâu lâu lại lao mình xuống nước như một mũi tên, kiếm miếng mồi cơ cực.

Tôi hốt xong hai bao bùn, mình mẩy, mặt mũi lấm lem như một chú hề, nên mới bơi ra giữa dòng tắm. Còn gì thú vị hơn được hụp lặn trong dòng nước để thanh tẩy cơ thể. Con suối này đối với tôi quen thuộc lắm, chỗ nào sâu cạn tôi đều rõ như lòng bàn tay. Chỗ nào có cát nhiều là thế nào cũng có vài viên đá đẹp. Nhặt về viết chữ thư pháp nhìn rất thích mắt. Tôi lặn hai hơi dài mà chả tìm được viên đá nào. Không ngờ lần thứ ba lại vớt được một vật gì đó gói trong cái bọc bị vùi dưới đáy suối. Tôi bơi vô bờ, mở ra xem thì là một tượng Phật Thích Ca làm bằng gỗ giáng hương trong tư thế Phật nhập niết bàn. Dù ở dưới lòng suối lâu ngày nhưng pho tượng vẫn còn rất thơm, đó là đặc trưng mùi của loại gỗ quý này. Ngồi dựa lưng vào gốc cây trâm, chiêm ngưỡng pho tượng mà sao tôi cứ như thấy rất quen, hình như là đã thấy ở đâu đó thì phải. Lục tìm hồi lâu trong trí nhớ, tôi mới sực nhớ ra một người. Trời ơi, đó là ông Hai già, một người quen biết từ hơn hai mươi năm trước. Nói cho đúng, ông Hai là bạn câu kéo với cha tôi và tôi. Ông không nhà không cửa, sống trôi nổi trên một chiếc xuồng. Trên chiếc xuồng có một trang thờ nhỏ thờ pho tượng phật này.

Nhớ lại hồi lúc còn nhỏ, tôi thường theo cha đi câu hoặc đi xắn măng tre gai dọc theo bờ suối Tha La. Có lần tôi thấy một ông già độ ngoài bảy mươi tuổi ngồi trên chiếc xuồng cập mé nước hút thuốc lá, chỉ cho đứa cháu gái chừng bảy tám tuổi thả câu giăng. Không biết tên họ ông là gì, dân ở đây ai cũng gọi ông là ông Hai già. Ðứa bé cháu ông tuy còn nhỏ nhưng nó bơi, lặn, hụp giỏi như con rái cá, làm tôi hết sức khâm phục.

Ông Hai già thấy ba và tôi đứng nhìn đứa bé, liền nói:

- Nắng chang chang mà câu kéo cái gì, lên xuồng uống nước trà chơi.

Cha tôi bỏ cần câu cắm và cái rọng đựng cá trên bờ, bước xuống xuồng ngồi hút thuốc uống nước với ông Hai. Tôi ngồi nghe lóm câu chuyện mới biết cuộc đời của hai ông cháu này thật đáng thương.

Ông Hai và đứa cháu sống lang bạt trôi nổi trên chiếc xuồng này từ bên nước bạn về đã lâu lắm rồi, xuồng trôi tới đâu thì sống tới đó. Gia đình, vợ con ông đều bị bọn Pôn Pốt giết sạch và cha mẹ đứa cháu mà ông nuôi cũng cùng chung số phận. Ông lượm được lúc nó chưa được một tuổi và nuôi nấng tới ngày hôm nay. Nó kêu ông Hai là ông nội, hai ông cháu nương tựa vào nhau. Ngày ngày câu cá mà ăn, lâu lâu mới được bữa cơm. Vậy mà trời thương cho hai ông cháu luôn mạnh khoẻ, không đau ốm gì. Người dân câu kéo ở đây ai cũng thương hai ông cháu, có củ khoai, cái bánh nướng làm bằng bột khoai mì mài cũng chia cho ông. Tôi mỗi khi bán măng tre luộc được tiền cũng mua cho ông Hai một hai gói thuốc Dalat để ông hút cho đỡ buồn, đỡ lạnh lúc ngày mưa tháng nắng. Ông Hai sống thật thà, hiền lành như cành cây bụi cỏ. Ông có nhiều kinh nghiệm về nghề sông nước cá tôm, sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ cái ông biết với mọi người. Vì vậy, dân câu kéo ở đây ai cũng thương ông cả.

Tôi đi học, mấy năm sau về thì thấy chiếc xuồng của ông Hai đã rách nát, ván thuyền đã mục không còn chèo chống tới lui được nữa. Mấy người dân làm vó ở cặp mé suối giúp ông kéo chiếc xuồng lên bờ, lấy mấy tấm tranh che lại thành cái chòi cho ông trú mưa trú nắng. Ông Hai già yếu dữ lắm. Ðứa cháu ông đi phụ bưng hủ tiếu cho người ta. Một tuần nửa tháng nó đem về ít gạo muối cho ông. Bẵng một thời gian không thấy đứa cháu về thăm ông thường xuyên nữa. Nghe người ta nói có ai đó rủ nó đi làm ăn xa. Nó định kiếm ít tiền rồi về cất cho ông nội nó một ngôi nhà tranh tạm để ông sống những năm cuối đời, vì cái xuồng đã hư hỏng hết rồi… Ông Hai sống lây lất bằng lòng thương của những người làm cá ở đây cả mấy tháng trời như vậy.

Một đêm mưa gió kinh khủng, nước từ thượng nguồn ồ ạt đổ về như thác, nước cuốn trôi không biết bao nhiêu cái vó cá của dân xứ này. Sáng hôm sau, mọi người đi gom lại lưới vó bị nước cuốn còn vướng trong mấy bụi tre gai, dựng lại chòi vó, cần trục… và họ đã phát hiện ông Hai chết cứng trong cái chòi rách nát không biết tự khi nào. Người ta gom góp ít tiền mua mấy tấm ván đóng thành hòm liệm ông vội vàng trong buổi trưa đó. Và ngay cái ngày buồn não đó, đứa cháu ông cũng từ xa lại trở về thăm ông. Nó đem nào gạo, nào mắm muối, nào thuốc lá và mấy chục ngàn mà hàng mấy tháng trời nó làm lụng, chắt mót dành dụm về cho ông của nó. Nhưng hỡi ơi, ông nội của nó đã vĩnh viễn ra đi vào miền thiên cổ. Cái xe càng chở cái hòm ông Hai ra nghĩa địa do người ta kéo đi trên con đường đỏ gập ghềnh trong một buổi chiều thưa thớt nắng. Ðứa cháu gái của ông cứ khóc và kêu nội ơi nội ơi! Nghe đau như ai xát muối vào lòng.

Sau đám tang, nó bỏ ra đi. Và cũng không ai biết giờ nó ở nơi đâu.

Mười mấy hai mươi năm đã trôi qua, cứ mỗi lần đứng trước dòng suối mênh mang chảy, ngắm nhìn một thời dĩ vãng, tôi luôn nhớ hình ảnh hai ông cháu đáng thương ngày nào. Cuộc đời họ như những chiếc lá tre vàng rụng, từ trên cao cắm phập xuống dòng nước chảy, xoay xoay vài vòng và biền biệt trôi xa. Họ bất hạnh cả lúc sống lẫn lúc chết. Họ sống có nghĩa có tình, đáng trọng đáng thương biết chừng nào, họ mãi mãi là tiếng gió xạc xào, là tiếng con cá đớp mồi quẫy đuôi, là tiếng con cúm núm kêu giữa đêm khuya vắng… văng vẳng vọng về trong trái tim tôi.

Cầm pho tượng Phật mà lòng tôi cứ mãi bồi hồi như nhìn thấy cố nhân. Ông Hai là người theo Phật giáo Khmer, nên ông chỉ thờ duy nhất đức Phật Thích Ca. Tôi nhớ những lần đi câu đêm, đi ngang xuồng của ông thường thấy ông đọc kinh bằng tiếng Khmer, rồi ông ngồi thiền. Tôi biết trong con người hiền lành ấy chứa cả một trời đau khổ. Nói thật ra, nếu không có sự từ bi của Phật thì thử hỏi làm sao ông vượt qua cảnh ngộ của mình. Ðứa cháu ông lượm được và nuôi nấng nó hoàn toàn không biết cha mẹ của nó là ai, mà nó chỉ biết cuộc đời hồn nhiên của nó có ông nội mà thôi. Ông cháu cưu mang nhau mà sống. Họ sống giữa lòng thanh tịnh và từ bi.

Xưa nay, mỗi khi người ta tôn tạo tượng Phật mới thì những pho tượng hư mục thường phải hạ thổ để trở về với cát bụi của vũ trụ hoà đồng. Nhưng sao ông Hai lại không chôn pho tượng này mà lại gói nó vô bọc rồi bỏ xuống nước trước khi ông mất! Có lẽ ông nghĩ cả đời mình lênh đênh trên mặt nước thì cái quý giá nhất sau cùng cũng trả nó về với nước! Ông Hai đã ra đi hơn hai mươi năm rồi, nhưng cơ duyên sao lại cho tôi tìm lại được kỷ vật của ông tôn thờ ngày trước. Pho tượng gỗ vẫn thơm tho và toát lên lòng yêu thương vô hạn. Nói cho cùng, nó cũng có khác chi tấm lòng của ông lúc ông còn sống. Người ta vẫn nói phật tại tâm mà. Tâm từ bi thì đó là Phật chứ còn đâu nữa… Tôi đem pho tượng về lau chùi sạch sẽ, để lên đầu nằm và tôi gọi đó là “Phật hương”.

Ð.T.S

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục