Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp
Thứ tư: 00:43 ngày 27/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chính sách đưa cán bộ trẻ về làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp đã thực hiện hỗ trợ được 10 lao động trẻ (kỹ thuật 6 lao động, nghiệp vụ 4 lao động) làm việc có thời hạn tại 7 HTX với kinh phí hỗ trợ 723 triệu đồng/950 triệu đồng, đạt 76% kinh phí giao.

Cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc ở hợp tác xã

Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, các đại biểu HĐND tỉnh dành nhiều sự quan tâm đối với việc triển khai các chính sách nông nghiệp; việc tiếp cận chính sách của người dân, doanh nghiệp; hiệu quả của việc triển khai các chính sách sau khi được ban hành và các giải pháp để phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp thời gian tới.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành 6 chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, gồm: chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025; chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025; kế hoạch thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025; chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, có thể nói, đây là bước đột phá trong việc khuyến khích phát triển nông nghiệp theo định hướng của tỉnh và thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Để chính sách sớm đi vào thực tế, Sở đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách qua nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị; đăng lên cổng thông tin điện tử của Sở; phát hành các văn bản triển khai, hướng dẫn đến các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, hằng năm, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương thực hiện công tác kiểm tra để chi tiền hỗ trợ lãi vay cho các nhà đầu tư theo quy định, hướng dẫn các nhà đầu tư lập dự án, thực hiện các quy trình thủ tục hồ sơ liên kết sản xuất.

Đối với chính sách hỗ trợ lãi vay, đã phê duyệt hỗ trợ được 13 dự án với kinh phí hỗ trợ 4,6 tỷ đồng, đạt 30% kinh phí giao 15,5 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ liên kết, UBND cấp huyện đã phê duyệt 7 dự án (4 dự án bò, 3 dự án lúa), kinh phí hỗ trợ 4 tỷ đồng, đạt 21% so với kinh phí được giao 19 tỷ đồng; riêng trong năm 2022, hỗ trợ Công ty cổ phần sản xuất thương mại Lúa Vàng Việt thực hiện dự án hỗ trợ liên kết sản xuất, xay xát và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao theo hướng VietGAP với kinh phí khoảng 32 tỷ đồng.

Chính sách đưa cán bộ trẻ về làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp đã thực hiện hỗ trợ được 10 lao động trẻ (kỹ thuật 6 lao động, nghiệp vụ 4 lao động) làm việc có thời hạn tại 7 HTX với kinh phí hỗ trợ 723 triệu đồng/950 triệu đồng, đạt 76% kinh phí giao.

Việc triển khai thực hiện chính sách vẫn còn một số khó khăn. Đối với chính sách hỗ trợ lãi vay và chính sách hỗ trợ liên kết, có khó khăn phải điều chỉnh, giải ngân thấp so với kinh phí được giao; số lượng dự án của các địa phương thực hiện còn ít so với chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, bước đầu đạt một số kết quả, nhất là giúp nhà đầu tư thực hiện các dự án nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ đầu ra cho người nông dân tham gia liên kết ổn định.

Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn, xây dựng kế hoạch tuyển dụng cán bộ trẻ của địa phương cho các HTX và chi trả lương hàng tháng cho cán bộ còn chậm so với kế hoạch, dẫn tới trường hợp thời gian dài không tuyển dụng được cán bộ hoặc cán bộ trẻ chỉ làm việc trong thời gian ngắn đã xin thôi việc, chưa đóng góp được nhiều cho HTX.

Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn vẫn chưa có doanh nghiệp đăng ký thực hiện do không đáp ứng yêu cầu, quy định về quy mô đầu tư, địa điểm thực hiện, doanh nghiệp ngại quy trình, thủ tục hành chính.

Từ những khó khăn và nguyên nhân như trên, để phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết sẽ thường xuyên rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách; đơn giản hoá thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư (giảm số lượng, thời gian giải quyết thủ tục), kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư. Hằng năm, Sở sẽ kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, tổ chức tổng kết cuối giai đoạn để đánh giá kết quả chính sách làm cơ sở thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong các năm sau và giai đoạn tiếp theo.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục