Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát huy hiệu quả công tác hòa giải trong đồng bào công giáo
Thứ tư: 20:25 ngày 08/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Công tác hoà giải trong đồng bào công giáo luôn được các ban, ngành, đoàn thể đặc biệt quan tâm, chú trọng. Qua đó, đã hòa giải kịp thời, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, không để các vụ việc nhỏ chuyển biến phức tạp, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Là địa phương có 4 giáo xứ, 2.613 hộ với 9.535 nhân khẩu, trong đó khoảng 63% người dân theo đạo công giáo, những năm qua, Đảng uỷ, UBND thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành) luôn chủ động phối hợp với Hội đồng giáo xứ, Cha xứ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật, tín ngưỡng, tôn giáo cho bà con giáo dân bằng nhiều hoạt động cụ thể. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, mọi người luôn nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Khi có tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra, chính quyền địa phương trực tiếp tham gia giải quyết, không có việc người dân tự xử lý làm mất an ninh trật tự. Hiện nay, thị trấn Châu Thành có 4 tổ hoà giải được củng cố, kiện toàn. Đội ngũ hòa giải viên cơ sở đi sâu, bám sát để giải quyết mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp… Năm 2019, các tổ hoà giải tiếp nhận 11 vụ, hoà giải thành 9 vụ, 2 vụ không thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, chuyển hồ sơ về cấp huyện.

Tổ hoà giải khu phố 2, thị trấn Châu Thành được đánh giá là một trong những tổ hoà giải hoạt động tốt, hiệu quả cao. Trên địa bàn khu phố 2 hiện có 2 giáo xứ là Cao Xá và Thánh Tuân. Đây là nơi có đồng bào theo đạo công giáo lớn nhất của thị trấn Châu Thành.

Ông Trần Kim Quy - người trực tiếp tham gia công tác hoà giải trên địa bàn khu phố 2 cho biết, mỗi khi có vụ việc mâu thuẫn xảy ra, tổ hoà giải sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tìm hiểu kỹ vụ việc, các văn bản pháp luật có liên quan. Sau đó, tổ chức họp bàn phương án hoà giải, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng giáo xứ, Cha xứ nhà thờ, khéo léo vận dụng phong tục, tập quán, luật tục kết hợp với pháp luật để hòa giải vụ việc.

Nhiều vụ việc được giải quyết hợp lý, hợp tình và đúng pháp luật. Trong năm 2019, tổ hòa giải khu phố 2 đưa ra hòa giải 3 vụ, tỷ lệ thành đạt 100%. Mâu thuẫn phát sinh chủ yếu liên quan đến tranh chấp quyền thừa kế, về vấn đề không trả ngày công lao động...

Thời gian trước, trên địa bàn khu phố 2 xảy ra một vụ tranh chấp về trả tiền công lao động giữa chủ thầu và thợ xảy ra. Nhờ sự can thiệp kịp thời của tổ hoà giải, vụ việc được giàn xếp ổn thoả, mong muốn giữa chủ thầu và người thợ được bày tỏ.

Người nói, người nghe, từ đó đưa ra hướng giải quyết phù hợp, vừa lòng đôi bên, tình làng nghĩa xóm được hàn gắn. “Qua việc tuyên truyền, nhận thức của bà con được nâng lên, tình hình thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, các vụ tranh chấp trong nội bộ của đồng bào công giáo giảm rõ rệt.

Người dân không chỉ sống chan hòa, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau mà còn tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo”, ông Trần Kim Quy chia sẻ thêm.

Bên cạnh hoạt động của các tổ hoà giải, ở thị trấn Châu Thành còn có các mô hình “Xứ đạo an toàn về an ninh trật tự” hoạt động thường xuyên, góp phần quan trọng trong việc giáo dục tư tưởng, nhắc nhở nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.

Trong quá trình hoạt động, Ban điều hành mô hình sẽ tuyên truyền, cho tất cả gia đình giáo dân trên địa bàn cam kết giáo dục con em không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và chấp hành các quy định khi tham gia giao thông. Thành viên Ban điều hành đến các hộ gia đình có con đang nghiện ma tuý để tuyên truyền, giúp đỡ từ bỏ ma tuý, giới thiệu việc làm ổn định cuộc sống.

Trên địa bàn xã Thái Bình (huyện Châu Thành) có 6 tổ hoà giải, với 51 hoà giải viên. Số lượng hoà giải viên luôn được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng trong công tác hoà giải ở cơ sở. Cán bộ tư pháp xã Thái Bình đánh giá, hoà giải viên ở cơ sở là người được sự tín nhiệm của nhân dân, am hiểu kiến thức pháp luật, có uy tín, tâm huyết, nhiệt tình trong công tác hoà giải và được UBND xã ra Quyết định công nhận.

Trong năm 2019, UBND xã quán triệt và tổ chức triển khai Luật Hoà giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành luật; củng cố, nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở gắn với triển khai thực hiện đề án Năng lực đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022 và Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải ở cơ sở cho hoà giải viên.

Năm qua, các tổ hoà giải tiếp nhận 11 vụ, trong đó hoà giải thành 9 vụ. Thời gian tới, địa phương tiếp tục duy trì hoạt động của tổ hòa giải, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Ấp Bình Phong (xã Thái Bình) có 1 nhà thờ, 2 nhà nguyện, 1 chùa, 19 tổ tự quản, 782 hộ dân với 2.812 nhân khẩu, trong đó bà con giáo dân chiếm tới 2/3 số dân.

Tổ hòa giải của ấp có 7 thành viên. Định kỳ hàng tháng, quý, tổ hòa giải tổ chức sinh hoạt để đánh giá tình hình trên địa bàn, tuyên truyền về các nội dung như Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Xử lý vi phạm hành chính...

Các thành viên cùng trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức trong công tác hòa giải. Từ đó, mọi người nắm bắt các quy định của pháp luật, hiểu sâu về các vấn đề cần tuyên truyền.

Ông Trần Văn Dũng - Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Bình Phong chia sẻ, để hoà giải một vụ việc, trước tiên tổ hoà giải phải tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân của sự việc, phân tích đúng – sai, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các bên để làm cơ sở giảng hòa. Các thành viên chủ động giải quyết mâu thuẫn ngay từ đầu, không để vụ việc diễn biến ngày càng phức tạp, khó xử lý.

Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Bình Phong cho biết thêm, trong công tác hòa giải, tổ xử lý trên nguyên tắc tình cảm, cái lý, cái tình phải dựa trên sự gắn kết cộng đồng.

Với bà con giáo dân, thành viên tổ hoà giải tuyên truyền, giải thích cặn kẽ để tạo sự gần gũi với mọi người. Từ đó, nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trên địa bàn đã được giải quyết từ gốc góp phần xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, không để phát sinh khiếu nại và khiếu kiện vượt cấp.

Trong năm 2019, tổ hoà giải đã tiếp nhận 7 vụ việc, trong đó hòa giải thành 7 vụ với các mâu thuẫn chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình…

Ngoài ra, ấp Bình Phong thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật cho đồng bào công giáo thông qua hệ thống loa của ấp, trong các buổi lễ, sinh hoạt. Bà con giáo dân ngày càng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tự nguyện hiến đất làm đường giao thông, tích cực tham gia bảo hiểm y tế.

Bà Ngọc Trân, ngụ ấp Bình Phong chia sẻ, từ nhiều năm nay, tình hình an ninh trật tự trong khu vực cơ bản ổn định, mọi người đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Những mâu thuẫn, tranh chấp mới phát sinh đều được chính quyền can thiệp kịp thời. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được bà con tuân thủ tốt.

Phương Thảo- Thiên Di

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục