Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong những năm qua, cùng với nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Trung ương chuyển về, nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương hằng năm đã được Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho vay các chương trình về thực hiện chính sách an sinh xã hội và góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, xây dựng nông thôn mới, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh.
Bà Thân Thị Thắm (bên trái) chia sẻ mô hình trồng ổi của gia đình.
Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác sang Ngân hàng CSXH đã tăng lên rõ rệt, phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh, tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng CSXH.
Chỉ riêng năm 2020, UBND tỉnh chuyển hơn 22,8 tỷ đồng, UBND các huyện, thị xã, thành phố chuyển 10,5 tỷ đồng sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để bổ sung vào nguồn vốn cho vay. Tính đến nay, nguồn vốn uỷ thác địa phương qua NHCSXH trên địa bàn tỉnh đạt hơn 217 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh xây dựng mạng lưới 94 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn, làm cầu nối để người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nhanh nhất, đầy đủ nhất thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước; góp phần nâng cao lòng tin của người dân.
Hộ bà Nguyễn Thị Thắm, ngụ thị trấn huyện Dương Minh Châu thuộc diện khó khăn. Thông qua Hội Nông dân Thị trấn, bà được vay 20 triệu đồng để trồng hoa màu và ổi ruột đỏ. Đến nay, gia đình bà có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống dần được cải thiện. “Tạm tính, mỗi ngày tôi thu hoạch khoảng 150kg ổi, giá bán khoảng 15.000 đồng/kg, tuỳ thời điểm. Trung bình thu nhập từ rau màu và ổi 300 - 400 triệu đồng/năm, nên cuộc sống ổn định hơn”.
Cùng với NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác tập trung làm tốt công tác củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng. Tính đến nay, tổng dư nợ uỷ thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt trên 2.674 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại bởi dịch Covid-19, đến cuối năm 2020, NHCSXH tỉnh cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 99.140 khách hàng, số tiền 512,24 tỷ đồng; giải ngân cho người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với số tiền gần 300 triệu đồng.
Theo NHCSXH tỉnh, trong năm 2021, chi nhánh sẽ tích cực tham mưu UBND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí Thư, trong đó quan tâm tăng nguồn vốn nhận uỷ thác của địa phương; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng cũng như xử lý nợ rủi ro và tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn.
Vũ Nguyệt