BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát huy lợi thế, tạo bước đột phá trong đầu tư phát triển 

Cập nhật ngày: 30/06/2017 - 05:30

BTN - Để nền kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh và bền vững, Đảng bộ và chính quyền huyện xem việc thu hút đầu tư là khâu đột phá cần phải ưu tiên thực hiện. Trước hết, huyện tập trung bám sát 2 đề án quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của huyện đến năm 2025- tầm nhìn đến năm 2030.

Lễ khánh thành nhà máy xuất khẩu gạo ở xã An Thạnh, Bến Cầu.

QUA RỒI MỘT THUỞ “ĐÒ GIANG CÁCH TRỞ”

Bến Cầu là huyện nông thôn, biên giới, nằm trên tuyến giao lưu trực tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Việt Nam và vương quốc Campuchia, cách TP. Hồ Chí Minh không xa, cũng là nơi tiếp giáp hai tỉnh Tây Ninh và Long An qua tỉnh lộ 786.

Đi qua địa phận Bến Cầu quan trọng nhất là tuyến Xuyên Á (QL22A) nối liền TP Hồ Chí Minh với thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Mới đây, cầu Bến Đình (qua sông Vàm Cỏ Đông) và tuyến đường từ trung tâm huyện kết nối với quốc lộ 22B đã xây dựng hoàn thành; đường vành đai biên giới đoạn nối từ xã Ninh Điền (huyện Châu thành) đến xã Long Thuận (Bến Cầu), với chiều dài 25km đã được nhựa hoá. Trên địa bàn huyện còn được tỉnh đầu tư xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài…

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật tốt là yếu tố thuận lợi để tạo đà cho lĩnh vực công nghiệp và thương mại-dịch vụ của huyện phát triển. Bên cạnh đó, Bến Cầu còn có mạng lưới giao thông nông thôn được nhựa hoá nối thị trấn trung tâm huyện với tất cả các xã, cũng là điều kiện thuận lợi để các địa phương thuộc huyện phát triển.

Thời gian qua, tranh thủ những lợi thế đã có, Đảng bộ, chính quyền của huyện đã không ngừng nỗ lực đưa kinh tế - xã hội của huyện từng bước ổn định và phát triển.

Theo đánh giá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI: “Những năm gần đây, kinh tế - xã hội của huyện đã đi vào ổn định và phát triển khá toàn diện. Tổng giá trị sản xuất của một số ngành kinh tế chủ yếu tăng bình quân hằng năm trên 15%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trước đây, tỷ trọng ngành nông nghiệp và thuỷ sản chiếm trên 80% thì những năm gần đây giảm xuống gần 34%.

Trong khi đó, các ngành công nghiệp - xây dựng từng bước tăng lên chiếm tỷ trọng trên 51%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 15%”. Đây là kết quả nỗ lực rất lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của một huyện chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như Bến Cầu.

Trên lĩnh vực đầu tư phát triển, huyện đã thực hiện tốt các chính sách hiện hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.

Bước đầu, huyện đã thu hút được một số dự án như: Nhà máy chế biến gạo tại xã An Thạnh, công suất xay xát bình quân 80.000 tấn sản phẩm/năm (tương đương tiêu thụ 160.000 tấn lúa hàng hoá/năm); dự án trồng rau sạch theo hướng công nghệ cao kết hợp khai thác du lịch sinh thái với quy mô 3 ha đang trong giai đoạn hoàn thành.

Ngành chăn nuôi của huyện được đầu tư theo hướng công nghệ cao với các trang trại bò sữa ở xã Long Khánh; chăn nuôi theo mô hình gà “trại lạnh” ở xã Long Khánh và Long Phước.

Đối với Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, từ khi tỉnh có chủ trương thực hiện chuyển đổi công năng từ thương mại-dịch vụ sang sản xuất công nghiệp chế tạo, hoạt động nơi đây khởi sắc trở lại, trong đó phải kể đến Công ty cổ phần Việt Nam - Mộc Bài hoạt động có hiệu quả, đã giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động ở trong và ngoài huyện, hiện Công ty đang tiếp tục mở rộng diện tích thêm 20 ha để có thể thu hút thêm hơn 5.000 lao động, đồng thời dự án Khu công nghiệp TMTC với diện tích 100 ha cũng đang được triển khai.

Từ khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng về giao thông, thuỷ lợi và các công trình công cộng được tập trung đầu tư xây dựng, góp phần tạo điều kiện cho các xã nông thôn của huyện biên giới phát triển ổn định, bền vững.

Về giáo dục - đào tạo, huyện đã có bước phát triển đáng kể, hệ thống trường lớp ổn định từ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đến cơ sở vật chất theo chuẩn quốc gia, hiện đã có 10 trường xây dựng đạt chuẩn quốc gia.

Trên lĩnh vực y tế, Bến Cầu đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 9/9 trạm y tế xã, thị trấn và Trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế; chất lượng khám, chữa bệnh không ngừng nâng lên, tỷ lệ người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế tăng theo từng năm, các chương trình quốc gia về y tế đều được thực hiện tốt.

Các lễ hội truyền thống được phục hồi, hình thức sinh hoạt phong phú, khởi sắc; toàn huyện có 12 khu di tích lịch sử, văn hoá được giữ gìn, trùng tu và bảo vệ nghiêm ngặt; các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên, hoạt động khá sôi nổi.

Chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, 100% đối tượng chính sách, hộ nghèo được hưởng bảo hiểm y tế; các chính sách ưu đãi tín dụng hộ nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ việc làm; kiểm tra chặt chẽ việc thực thi Luật Lao động; tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. Quốc phòng-an ninh trong địa bàn và trên tuyến biên giới được bảo đảm, công tác đối ngoại luôn được tăng cường. Những kết quả đó góp phần cho kinh tế - xã hội của huyện phát triển bền vững.

ĐÓN ĐẦU DỰ ÁN, ĐỘT PHÁ TRONG THU HÚT ĐẦU TƯ

Trong tương lai gần, những dự án khả thi của Chính phủ, của tỉnh đầu tư có tác động trực tiếp đến tiềm năng phát triển của huyện, trong đó: tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài xây dựng thêm 12km đường giao thông, cùng một nhà máy cấp nước công suất 7.000m3/ngày đêm và một nhà máy xử lý nước thải để phục vụ cho khu đô thị mới.

Riêng Trung tâm thương mại Hiệp Thành trước đây, sẽ chuyển sang phục vụ dịch vụ kho bãi và dịch vụ logistics để đáp ứng cho 7 khu công nghiệp hoạt động tại thành phố Bavet (Campuchia).

Một triển vọng khác, là dự án xây dựng đường cao tốc Hồ Chí Minh - Mộc Bài, dự án mở rộng quốc lộ 22 và dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh kết nối với các tuyến vành đai 3 và 4 của thành phố Hồ Chí Minh, sau khi hoàn thành sẽ tạo thành những trục giao thông kết nối nhiều tỉnh phía Nam Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN, tất yếu sẽ mở ra cho Bến Cầu thuận lợi rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội, bởi địa phương nằm trên cửa ngõ kết nối các nguồn lực hành lang kinh tế xuyên Á, là điểm đến đầy tiềm năng của nhà đầu tư.

Về phía địa phương, huyện tiếp tục kêu gọi đầu tư, và tạo mọi điều kiện để Công ty Vinamilk mở rộng quy mô trang trại với diện tích 685 ha tại xã Long Khánh, đồng thời xây dựng nhà máy chế biến sữa, công suất dự kiến đạt 35 triệu lít/năm.

Các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn qua việc liên kết chăn nuôi bò sữa; trồng bắp và các loại cỏ phục vụ cho chăn nuôi...

Tỉnh cũng đã có chủ trương thực hiện thực hoá dự án đưa nước tưới từ hồ Dầu Tiếng sang phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, điều đó sẽ tạo đà cho ngành nông nghiệp Bến Cầu phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao.  

Để nền kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh và bền vững, Đảng bộ và chính quyền huyện xem việc thu hút đầu tư là khâu đột phá cần phải ưu tiên thực hiện. Trước hết, huyện tập trung bám sát 2 đề án quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của huyện đến năm 2025- tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, tăng cường thực hiện các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như: đẩy mạnh công tác quy hoạch và chuẩn bị đầu tư; tập trung giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; chú trọng cải cách thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch theo cơ chế “Một cửa liên thông”… nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào các dự án: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí; công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản; đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; dịch vụ kho vận logistics; dịch vụ giáo dục - đào tạo; chăm sóc sức khoẻ và dịch vụ y tế.

ĐÌNH NHẬT

(BTG Huyện uỷ Bến Cầu)