Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát huy tính chủ động trong nhà trường
Thứ bảy: 06:53 ngày 31/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Tây Ninh tiếp tục đổi mới công tác quản lý, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đẩy mạnh tự chủ, bảo đảm vai trò kiến tạo phát triển giáo dục, trách nhiệm giải trình.

Chuẩn bị năm học mới, ngày 27.8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổng kết năm học 2023-2024. Lãnh đạo Sở GD&ĐT đánh giá, năm học vừa qua diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước và trong tỉnh vẫn còn có những khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế - xã hội đã diễn ra sôi động hơn và có nhiều chuyển biến tích cực. Đây cũng là thời điểm ngành Giáo dục chuẩn bị các điều kiện tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT khen thưởng cho tập thể có nhiều thành tích trong năm học 2023-2024.

Đổi mới công tác quản lý

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Tây Ninh tiếp tục đổi mới công tác quản lý, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đẩy mạnh tự chủ, bảo đảm vai trò kiến tạo phát triển giáo dục, trách nhiệm giải trình.

Sở GD&ĐT ban hành các văn bản chỉ đạo, tăng cường các hoạt động thúc đẩy các cơ sở giáo dục đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, Sở đã ban hành và triển khai kế hoạch biên soạn tài liệu, xây dựng học liệu điện tử, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản trị chuyển đổi số cho cán bộ quản lý trong các trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông có học sinh bán trú đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT chủ động phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ. Đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục; đồng thời, chủ động tìm hiểu, áp dụng các mô hình, cách làm mới để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Công tác quản trị tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước được hoàn thiện theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.

Tư duy về quản lý nhà trường theo hướng quản trị thực hiện từng bước có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên sáng tạo trong dạy học. Ngành Giáo dục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho đổi mới quản trị nhà trường.

Các cơ sở giáo dục đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình, bảo đảm tính dân chủ, công khai, thống nhất giữa các tổ chức trong nhà trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở GD&ĐT đánh giá trong lĩnh vực này vẫn còn “một số cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chưa chủ động chuyển hướng từ quản lý sang quản trị nhà trường; chưa phát huy được vai trò của công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường”.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tiếp nhận quà tặng của Công ty cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục cho ngành Giáo dục Tây Ninh.

94/94 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2

Đối với giáo dục mầm non, toàn tỉnh có 133 trường mầm non, mẫu giáo. Năm học 2023-2024, bậc học này có 243 cơ sở tổ chức bán trú, tăng 13 cơ sở so với cùng kỳ, 128 trường, 115 cơ sở GDMN độc lập, bảo đảm 100% các cơ sở GDMN có tổ chức bán trú không thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp suất ăn bên ngoài cơ sở cho trẻ em theo quy định.

Bậc học mầm non tiếp tục triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” năm học 2023-2024. Tính đến thời điểm tổng kết năm học, có 133/133 trường mầm non, mẫu giáo được đánh giá theo bộ tiêu chí “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.

Cơ sở GDMN thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ, 100% cơ sở GDMN được kiểm tra đánh giá đạt tiêu chuẩn “Cơ sở GDMN an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích” theo quy định. Bậc học này, năm học vừa qua, tỷ lệ huy động nhà trẻ đến trường ở các địa phương còn thấp, có sự chênh lệch về bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non giữa các cơ sở, địa phương.

Ở bậc học phổ thông, Sở GD&ĐT sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp một cách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh; duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố, giảm số phòng học tạm, mượn, đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2023-2024, Tây Ninh có 307 cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, có 178 trường tiểu học (giảm 5 trường tiểu học so với năm học 2022-2023), 101 trường THCS và 28 THPT, tổng số 194.289 học sinh.

Ngành đã làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình tăng, giảm học sinh tại các địa bàn, vì thế, các địa phương đáp ứng được điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên để tổ chức dạy - học đúng theo quy định của chương trình.

Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và THCS tiếp tục được quan tâm nhằm củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục, từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 94/94 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, tỷ lệ 100%.

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức dạy các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc và các môn học tự chọn theo quy định đối với từng cấp học.

Cũng trong năm học này, Sở GD&ĐT ban hành công văn hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nhằm tháo gỡ, khắc phục được khó khăn do giáo viên (Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu đảm nhận toàn bộ môn học.

Căn cứ các hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học đã được Bộ GD&ĐT ban hành, Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, vừa bảo đảm tính khoa học, sư phạm, vừa bảo đảm yêu cầu chuẩn đầu ra của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kế hoạch giáo dục nhà trường bảo đảm thống nhất giữa kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học rà soát các điều kiện để tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, môn Tin học bắt buộc ở lớp 3, lớp 4 đối với cấp tiểu học bảo đảm các yêu cầu được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, kết quả: 99,93% học sinh lớp 3, 4 học môn Tiếng Anh, 100% học sinh lớp 3, 4 được học môn Tin học.

Ở bậc học này, Sở GD&ĐT đánh giá, việc dạy các môn học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, nội dung giáo dục địa phương, tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp… ở một số địa phương còn gặp khó khăn.

Việc tổ chức các hoạt động trong giờ học đôi khi vẫn còn có biểu hiện hình thức, thiếu hiệu quả, chưa đúng bản chất. Nguyên nhân là nhận thức, năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế, giáo viên hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu đảm nhận toàn bộ môn học.

Năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT triển khai và hoàn thành chương trình học bổng tiếng Anh Access giai đoạn 2022-2023, chi phí 630.768.790 đồng (được tài trợ toàn phần từ Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh). Chương trình nhận được sự quan tâm sâu sắc từ phía lãnh đạo UBND tỉnh, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Sở, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.

Chương trình giúp học sinh tự tin, đủ kiến thức ngôn ngữ cơ bản khi giao tiếp bằng tiếng Anh, được rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng mềm qua các hoạt động trải nghiệm thực tế, tham gia các hoạt động vì lợi ích cộng đồng, tiếp thu thêm kiến thức về văn hoá, xã hội Hoa Kỳ.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh