BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9: Xây dựng đất nước phồn vinh 

Cập nhật ngày: 02/09/2019 - 10:46

Mùa thu này, cả dân tộc hân hoan kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9 (1945 - 2019); 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

74 mùa thu đã qua, nhớ lại vào sáng ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt hơn 80 năm dưới ách cai trị của thực dân Pháp.

Trong Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, vang vọng non sông, Người nói: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong các quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Và Người tiếp tục khẳng định: “Mọi người Việt Nam quyết giữ vững nền độc lập ấy. Không có gì quý hơn độc lập tự do”!

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. (Ảnh tư liệu)

Từ Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra đất nước, 74 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng tâm, hiệp lực của mọi tầng lớp, tôn giáo trong xã hội... dân tộc ta đã làm nên những chiến công hiển hách trên mọi lĩnh vực. Mở đầu là “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành khăn đỏ nên thiên sử vàng”- chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) buộc quân đội viễn chinh Pháp phải rút hoàn toàn khỏi chiến trường Đông Dương, đồng thời buộc các bên phải ngồi vào bàn đàm phán bằng việc ký kết Hiệp định Giơ- Ne- Vơ về tổng tuyển cử tự do.

Tiếp đó là cuộc chiến tranh thần kỳ 25 năm đánh bại sự can thiệp của đế quốc Mỹ làm nên đại thắng mùa xuân 1975, non nông thu về một mối. Hòa bình lập lại chưa lâu, niềm vui thống nhất chưa trọn vẹn thì một lần nữa quân đội Nhân dân Anh hùng phải làm nhiệm vụ quốc tế cao cả là giúp nước bạn Campuchia chống lại chế độ diệt chủng của Pôn- Pốt và tiếp đó là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Có thể nói với tâm niệm “Không có gì quý hơn độc lập tự do” dù trong bất luận hoàn cảnh nào, phẩm giá và nhân cách của con người Việt Nam luôn bừng sáng.

Chiến tranh dần khép lại, cũng là lúc cả dân tộc phải gồng mình với nạn đói triền miền, một phần do hệ quả của cuộc chiến để lại, một phần do sự bao vây cấm vận của Chính phủ Mỹ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, không để tình cảnh đói nghèo diễn ra quá lâu, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập với bên ngoài.

Chính nhờ quyết sách đúng đắn này của Đảng mà thế và lực của Việt Nam nay đã hoàn toàn khác. Từ thân phận nước nghèo, đến nay chúng ta đã vươn lên thành quốc gia có mức thu nhập trung bình; Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận đến nay Việt Nam đã tham gia đầy đủ vào các tổ chức của quốc tế; Yếu tố nội lực đang ngày được phát huy để khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”!

74 năm qua Hà Nội đã có bước đột phá về kinh tế và phát triển đô thị. (Ảnh: HN)

Để đạt được những thành tựu trên trong suốt hơn 74 năm qua, ngoài sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự điều hành năng động của Chính phủ, chính quyền các cấp; sự đoàn kết một lòng của mọi thành phần, tôn giáo trong xã hội, giai cấp công nhân - người lao động luôn đóng góp phần quan trọng. Thời chiến tranh, tuy không trực tiếp ra mặt trận, song công nhân lao động đã hăng say sản xuất tại hậu phương để tiếp viện các nhu yếu cần thiết cho chiến trường, góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại.

Thời bình, với vai trò là chủ thể sản xuất, đội ngũ công nhân viên chức, người lao động đang ngày đêm miệt mài lao động, góp phần làm giàu cho đất nước. Công đoàn với tư cách là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Đảng, thầm nhuần tư tưởng trong Bản Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc 74 năm trước, Tổ chức Công đoàn đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước để kịp thời tạo ra cơ chế chính sách tốt nhất cho người lao động.

Cụ thể, như giờ làm, tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm, cơ chế mua cổ phiếu trong doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp - chế xuất. Công đoàn luôn tham gia đến cùng trong việc đấu tranh với người sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho công nhân lao động. Đây chính là tiền đề, để Công đoàn Việt Nam nói chung, Công đoàn Thủ đô nói riêng vững tin khi Việt Nam đã, đang và sẽ thực thi nhiều Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Để tiếp tục khẳng định vai trò của Công đoàn, mới đây trong Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chỉ rõ “ở đâu doanh nghiệp có 25 lao động trở lên phải có tổ chức Công đoàn”.

Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám bất diệt; phát huy những giá trị bất hủ của Bản Tuyên ngôn Độc lập và những giá trị trường tồn của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong bối cảnh thế giới có quá nhiều sự đổi thay, từ biến đổi khí hậu, cạnh tranh địa chính trị về kinh tế, chính trị; chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi với mưu đồ bành trướng lãnh thổ… vấn đề có tính sống còn là chúng ta một mặt tiếp tục tạo ra sự đoàn kết, một mặt nắm chắc thời cơ để xây dựng Tổ quốc mạnh giàu cũng như bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

“Nhận định trúng và đúng tình hình thế giới, trong nước để không bỏ lỡ thời cơ phát triển”, như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban kinh tế - xã hội Đại hội Đảng lần thứ XIII tại Hội nghị xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước về Văn kiện Đại hội tổ chức mới đây sẽ là phương châm trong chiến lược phát triển kinh tế trong thời kỳ mới.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9 bất diệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể dân tộc Việt Nam nguyện chung sức một lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ tiếp tục bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, xây dựng đất nước phồn vinh!

Nguồn NLĐO