Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát huy toàn diện khả năng của trẻ trong trường học
Thứ sáu: 09:26 ngày 26/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông Phạm Ngọc Hải- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhận định: “Chuyên đề “Xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm” có ý nghĩa quan trọng và tác động tích cực đến nhà trường, gia đình và xã hội. Chính vì thế, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo để chuyên đề được triển khai hiệu quả trong thời gian tới”.

Góc chợ quê cho trẻ tại Trường mẫu giáo Tân Hưng.

Từ tháng 2.2017, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu bảo đảm tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập qua vui chơi bằng nhiều cách khác nhau, phù hợp với yêu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ; môi trường giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non mang tính “mở”, qua đó kích thích sự tập trung chú ý, tư duy và cảm xúc tích cực của trẻ, thúc đẩy trẻ tham gia hiệu quả vào các hoạt động chơi và trải nghiệm đa dạng.

Bên cạnh đó, chuyên đề còn tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non được nâng cao nhận thức và năng lực về quản lý, tổ chức chăm sóc giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, phù hợp với điều kiện cụ thể của trường, lớp, địa phương; huy động sự tham gia của nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác chăm lo cho trẻ em.

Nhiều trường học thay đổi tích cực

Nhiều trường mầm non, mẫu giáo triển khai chuyên đề bằng nhiều hình thức, góp phần thay đổi diện mạo và phương pháp giáo dục tại trường theo đúng quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, tao được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.

Điển hình là Trường mầm non Xa Mát (huyện Tân Biên), thuộc địa bàn vùng xa của tỉnh. Cô Nguyễn Thị Thơm, Hiệu trưởng Trường mầm non Xa Mát cho biết, sau 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm”, trường đã hoàn thành 23/23 chỉ tiêu thực hành áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm và đạt hiệu quả, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, tích cực tham gia các hoạt động và ngày càng yêu thích đến trường hơn.

Trường mầm non Xa Mát được chọn là trường điểm mở chuyên đề tại huyện và cụm chuyên môn của Sở GD&ĐT, được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen. Sau quá trình nghiên cứu, tham quan học tập kinh nghiệm tại các đơn vị điển hình, Ban giám hiệu nhà trường đã nhận ra vai trò cốt lỗi trong việc triển khai thực hiện chuyên đề có hiệu quả đó là xây dựng môi trường giáo dục phù hợp để phát huy năng lực của trẻ.

Từ khi bắt tay vào thực hiện, nhà trường đã xây dựng mới và bố trí thêm nhiều góc vừa học vừa chơi cho trẻ trong và ngoài lớp học. Bên cạnh đó, khuôn viên trường cũng được cải tạo, sửa chữa, trang trí ngày một chỉn chu, sạch đẹp hơn. Trường mầm non Xa Mát trở nên khác lạ và khang trang hơn khi có thêm các góc vận động tinh, góc thiên nhiên, khu chợ quê, góc chơi nhạc, góc sáng tạo…

Cô Thơm cho biết thêm, đồng hành cùng với nhà trường trong việc thực hiện chuyên đề còn có sự đóng góp, hỗ trợ không nhỏ của Ban Đại diện cha mẹ học sinh. Để tạo được sự đồng lòng giữa nhà trường và gia đình, trong những năm qua, Ban giám hiệu tăng cường công tác tuyên truyền để phụ huynh học sinh hiểu và cùng tham gia với nhà trường thực hiện chuyên đề. Tất cả phụ huynh đều vui mừng khi thấy con em mình được học tập trong môi trường giáo dục ngày càng chất lượng hơn.

Một ngôi trường thay đổi tích cực khác là Trường mẫu giáo Tân Hưng (huyện Tân Châu). Từ khi thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020, cơ sở vật chất, môi trường giáo dục trong nhà trường ngày càng được khang trang, sạch đẹp.

Ngoài ra, công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tổ chức tập huấn, hội thảo về chuyên đề được thực hiện thường xuyên trong suốt thời gian qua. Hằng năm, nhà trường đều chọn lớp điểm để xây dựng mô hình chuyên đề và nhân rộng qua các lớp khác. Cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh nhà trường đoàn kết, nhiệt huyết với chuyên đề với mong muốn mang lại cho trẻ môi trường học tập toàn diện nhất có thể.

Cô Phạm Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Tân Hưng cho biết, sau 5 năm thực hiện chuyên đề, cảnh quan, môi trường ở trường ngày càng được đầu tư khang trang, sạch đẹp, qua đó phát huy được khả năng sáng tạo, tìm tòi của trẻ; giúp trẻ chủ động hơn trong học tập, biết lắng nghe và phát biểu ý kiến về bài học.

Ngoài ra, chuyên đề giúp cho giáo viên sáng tạo hơn trong việc lập kế hoạch giáo dục và lựa chọn hình thức, phương pháp tổ chức bài học phù hợp, nhằm phát huy khả năng của trẻ. Với những kết quả mà chuyên đề mang lại, cô Tuyết cho biết, trong thời gian tới, nhà trường  tiếp tục duy trì và phát triển chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” như một phương châm xây dựng và nâng cao chất lượng trường học.

Những hiệu quả thiết thực

Để đạt được các mục tiêu của chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đề ra, trong những năm qua, Sở GD&ĐT đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động như tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện chuyên đề cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non; chọn 7 trường điểm cấp tỉnh và 41 trường điểm cấp huyện  để triển khai chuyên đề...

Năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT còn tổ chức hội thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh. Qua đó có 24/28 sản phẩm dự thi đạt giải. Sở đã chọn ra 3 bộ sản phẩm của 3 Phòng GD&ĐT thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành và Tân Biên tham dự hội thi do Bộ tổ chức. Phát huy kết quả đã đạt được, hội thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” tiếp tục được duy trì trong 2 năm học tiếp theo.

Hằng năm, Sở còn tổ chức các hội thảo nhằm sơ kết công tác thực hiện chuyên đề, đồng thời biểu dương, khen thưởng, đề xuất Bộ GD&ĐT khen thưởng cho các cá nhân, đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện chuyên đề trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2018 đến 2020, Sở khen thưởng cho 60 tập thể và 102 cá nhân đạt thành tích trong công tác xây dựng và triển khai chuyên đề. Bộ GD&ĐT tặng 3 bằng khen cho 3 trường mầm non gồm mầm non Thái Chánh (TP. Tây Ninh), mầm non Xa Mát (huyện Tân Biên) và mẫu giáo Long Thành Bắc (thị xã Hoà Thành).

Sau 5 năm triển khai, chuyên đề tạo được hiệu ứng tích cực trong nhà trường, nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của phụ huynh học sinh, qua đó góp phần xây dựng môi trường giáo dục mới trong hệ thống trường mầm non trên địa bàn tỉnh.

Đó là môi trường học tập vừa mang tính thẩm mỹ - giải trí, vừa mang tính giáo dục nhằm khơi gợi sự sáng tạo, tư duy, phát huy toàn diện khả năng của trẻ. Có thể nói, chuyên đề đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục mầm non trong tỉnh thời gian qua.

Đồng thời, cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đã có nhận thức sâu sắc về quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; phát huy tính tự giác, tích cực, thực hiện đổi mới các tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.

Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng được nâng lên. Giáo viên có ý thức tìm tòi, nghiên cứu, xây dựng các bài học, hoạt động trong và ngoài lớp thiết thực, giúp trẻ khám phá cuộc sống, thiên nhiên và cung cấp các kỹ năng sống phù hợp độ tuổi của trẻ.

Một tiết học chủ động của trẻ tại Trường mầm non Xa Mát.

Bên cạnh đó, môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học được tổ chức, sắp xếp, phát triển đúng định hướng của quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Khuôn viên trường, sân chơi được quan tâm cải tạo, nâng cấp đáp ứng với nhu cầu khám phá của trẻ.

Trường lớp ngày càng khang trang, sạch đẹp, môi trường thân thiện hơn trước. Đặc biệt là các ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn trong tỉnh cũng đã thay đổi một cách tích cực nhất sau khi triển khai thực hiện chuyên đề. Hằng năm, các cơ sở giáo dục mầm non có kế hoạch mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi bảo đảm an toàn, phù hợp cho trẻ.

Đáp lại các nỗ lực từ nhà trường và giáo viên, trẻ mầm non cũng ngày càng tích cực, hứng thú với các hoạt động trong môi trường phù hợp; mạnh dạn, tự tin thực hiện các kỹ năng vận động và bồi dưỡng kỹ năng sống phù hợp lứa tuổi; được rèn luyện và phát triển các tố chất cần thiết ở đúng độ tuổi. Ngoài ra, các em còn được trau dồi cảm xúc, tình cảm với gia đình, yêu thiên nhiên và khám phá môi trường xung quanh.

Ông Phạm Ngọc Hải- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhận định: “Chuyên đề “Xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm” có ý nghĩa quan trọng và tác động tích cực đến nhà trường, gia đình và xã hội. Chính vì thế, ngành Giáo dục  sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo để chuyên đề được triển khai hiệu quả trong thời gian tới”.

Lê Thuỳ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục