Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phát huy vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội
Thứ ba: 23:02 ngày 07/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ninh, Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh ký kết biên bản hợp tác 

Theo Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Còn nhiều khó khăn

Luỹ kế, giai đoạn 2016-2020, có 3.138 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn 33.132 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh có trên 6.050 doanh nghiệp, vốn điều lệ đăng ký 120.630 tỷ đồng. Trong số này có khoảng 5.839 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm 96,49%.

Các doanh nghiệp phục vụ cho đời sống hằng ngày của người dân Tây Ninh nói riêng và của cả nước nói chung, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách và là những thành viên tích cực tham gia vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập của đất nước.

Thời gian qua, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV. Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai như: tăng cường công tác cải cách hành chính; hỗ trợ chính sách khuyến công - tập trung vào hỗ trợ máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, trình diễn kỹ thuật, thiết kế và sản xuất bao bì, sản phẩm; hỗ trợ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công nghệ, tài sản trí tuệ; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm thế mạnh của tỉnh để tìm thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp; hỗ trợ DNNVV tham gia ít nhất một cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong các ngành, sản phẩm có thế mạnh của địa phương; hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... nhằm góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, đặc biệt là DNNVV. Các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay thương mại còn gặp khó khăn do không đáp ứng được các điều kiện vay như không có hoặc thiếu tài sản bảo đảm.

Các nguồn tài chính khác như Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh được thành lập, nhưng DNNVV còn gặp khó khăn vướng mắc khi tiếp cận, chưa kể vốn của các quỹ này khá hạn hẹp.

Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp vẫn mang tính tự phát; chưa có chính sách phù hợp để khuyến khích các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi lên thành doanh nghiệp.

Khó khăn một phần do yếu về nguồn lực và tiếp cận nguồn vốn; năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp, kiến thức pháp lý yếu nên hiệu quả kinh doanh thấp, phương án sản xuất kinh doanh chưa chú trọng vấn đề cạnh tranh; năng lực kết nối thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp còn yếu, các sản phẩm của doanh nghiệp ít được phân phối qua kênh tiêu thụ của các trung tâm thương mại lớn.

Bên cạnh đó là hạn chế trong nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ DNNVV còn phân tán; chưa có cơ quan chủ trì nên chưa tập trung thống nhất, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi tiếp cận.

Xây dựng hệ sinh thái cộng sinh

Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26.8.2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh đã ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (Đề án) tại Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 7.2.2022.

Trong đó, cụ thể hoá chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành có liên quan tương ứng với từng nội dung hỗ trợ, để chủ động triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được phân công.

Đề án cũng được tỉnh triển khai đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thông qua hội thảo tổ chức tại Sở Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 4.2022, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, tham gia chính sách hỗ trợ của tỉnh.

Việc triển khai Đề án nhằm triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy DNNVV phát triển về số lượng, chất lượng, đóng góp vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV; các đơn vị liên quan đã phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo của DNNVV trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, tỉnh đã tổ chức lớp Khởi sự kinh doanh (50 học viên) và Quản trị doanh nghiệp cơ bản (50 học viên). Đồng thời, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập cho 18 doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh; áp dụng chính sách miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu, miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm và hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ cho biết, trong năm 2022, Hội Doanh nhân trẻ có rất nhiều chương trình, hoạt động thiết thực như kêu gọi đầu tư, có một số doanh nghiệp đến Tây Ninh và một số dự án lớn, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như chăn nuôi; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh tặng Thư viện container cho 2 xã An Cơ, Long Vĩnh (huyện Châu Thành), đồng thời ký kết những biên bản hợp tác toàn diện về kinh tế, đào tạo... tạo sự liên kết, gắn bó cho năm 2023 và các năm về sau.

Ông Quốc chia sẻ, Tây Ninh giáp TP. Hồ Chí Minh, theo chính sách chung, tới đây hai địa phương sẽ có nhiều dự án kết hợp. Những điểm sáng trong thu hút đầu tư có thể kể đến như việc mở ra đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài và các đường vành đai; Tây Ninh là một trong những tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có 3 cửa khẩu quốc tế, sự liên thông hàng hoá giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia tạo sự thông thương qua lại; lĩnh vực du lịch có bước phát triển mạnh mẽ...

Mặt khác, sự đột phá của Tây Ninh về chính sách, chủ trương của lãnh đạo tỉnh nhà mang tính chất cầu thị, mời gọi và tạo điều kiện thông thoáng trong thủ tục hành chính. Đây là một trong những tín hiệu làm cho các nhà đầu tư cảm thấy hấp dẫn.

HĐND tỉnh ban hành những nghị quyết quan trọng, trong đó có nghị quyết quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tỉnh uỷ có Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số, công nghệ 4.0; xây dựng và ban hành một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp...

“Sự đồng bộ từ lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị đến sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp là điều kiện rất quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế tỉnh nhà. Riêng với doanh nghiệp, phải tạo hệ sinh thái cộng sinh mới có thể vượt qua những khó khăn, thách thức, còn nhỏ lẻ, tự phát thì rất "nguy"- nguy cơ manh mún, không có sự kết nối”- ông Quốc nói.

Thời gian tới, Hội Doanh nhân trẻ sẽ đẩy mạnh liên kết với những doanh nghiệp, nhà đầu tư ngoài tỉnh, đặc biệt là những nhà đầu tư tiềm năng tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, trong đó, có Câu lạc bộ (CLB) doanh nhân Tây Ninh tại Sài Gòn để kết nối giao thương, kêu gọi đầu tư, cùng nhau đẩy một thế trận, tạo thành một hệ sinh thái cộng sinh trong cộng đồng doanh nghiệp.

Sắp tới, Hội Doanh nhân trẻ và CLB doanh nhân Tây Ninh tại Sài Gòn sẽ ký kết chương trình phối hợp như: sử dụng sản phẩm của nhau; phát triển sản phẩm tại thị trường mới; đào tạo nguồn nhân lực như đào tạo giám đốc trẻ, lớp tập huấn dành cho cán bộ cấp trung, cấp cao. Đặc biệt chú trọng tới công nghệ 4.0, mở các lớp thương mại điện tử, quản trị trên hệ thống 4.0, trong đó, có quản trị về bán hàng, nhân lực, hệ thống kế toán.

“Trong hệ sinh thái cộng sinh, tất cả các doanh nghiệp phải liên kết với nhau, sử dụng những sản phẩm, dịch vụ của nhau, sau đó liên kết phục vụ cho khách hàng hoặc liên kết thương mại. Những thành viên nằm trong chuỗi sinh thái cộng sinh này phải xây dựng những tiêu chí trên một sân chơi rõ ràng, minh bạch và thưởng phạt công minh.

Ai không đáp ứng được các tiêu chí như kinh doanh sản phẩm không bảo đảm chất lượng, dịch vụ không đạt... sẽ tự động phải rời khỏi sân chơi này”, ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ cho biết.

Trúc Ly

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục