Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát huy vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn
Thứ hai: 08:14 ngày 19/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất trên địa bàn tỉnh ngày càng đồng bộ, tập trung trên các cây trồng như lúa, mía, mì. Các vườn cây ăn trái áp dụng cơ giới hoá trên nhiều khâu chăm sóc với các loại máy như xới cỏ, hệ thống tưới nước và phân bón.

Thời gian qua, tiến bộ khoa học, công nghệ mới, công nghệ cao được đưa vào ứng dụng thực tiễn ngày càng nhiều, góp phần cho sự phát triển ngành nông nghiệp và nông thôn. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI xem phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp tỉnh là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Thu hoạch nấm mối tại xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng.

Nâng cao năng suất chất lượng, khả năng kháng bệnh cây trồng, vật nuôi chủ lực

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội, tỉnh đã đưa ra nhiều định hướng phát triển nông nghiệp, trong đó có Chương trình hành động 180-CTr/TU ngày 20.4.2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30.1.2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, Đề án Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong phát triển nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh của cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh.

Đối với cây lúa, từ năm 2020-2023, ngành thực hiện trình diễn khoảng 365 ha giống lúa chất lượng cao ST24, ST25, OM 4900, OM 5451, DT8... hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, áp dụng cơ giới hoá giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, khả năng kháng bệnh được cải thiện.

Cấy lúa bằng máy tại Hợp tác xã Giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn, Gò Dầu.

Đối với cây mì, ngành phối hợp Viện Di truyền nông nghiệp khảo nghiệm tuyển chọn được 6 giống khoai mì (HN5, HN3, HN80, HN97, HN36 và HN1) đã được Cục Trồng trọt tiếp nhận hồ sơ công bố lưu hành giống cây trồng. Các mô hình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật, hội thảo, khuyến khích người dân sử dụng giống mới, áp dụng các tiến bộ khoa học cơ giới hoá đồng bộ từ khâu cày đất, trồng, chăm sóc, bón phân, thu hoạch giúp tăng năng suất mì bình quân 15% so với các giống mì bị bệnh khảm lá ngoài mô hình.

Đối với bò thịt, để nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò, ngành Nông nghiệp thực hiện lai tạo theo hướng lai các giống bò chuyên thịt qua công tác gieo tinh nhân tạo từ tinh bò chuyên thịt chất lượng cao. Hiện đàn bò của tỉnh có tỷ lệ bò lai Zebu (lai tạo giữa giống bò vàng địa phương và nhóm Zebu như Sind, Brahman, Sahiwal) chiếm khoảng 98% tổng đàn. Từ 2020-2023, đã gieo được 10.800 liều, góp phần nâng thể trạng bò thịt từ 350 kg/con lên 500 kg/con.

Những năm qua, việc ứng dụng KHCN trong công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi cũng được ngành Nông nghiệp chú trọng, góp phần phòng trừ sớm sâu bệnh gây hại trên cây trồng, vật nuôi, giúp tăng năng suất và giảm thiệt hại cho nông dân. Trên cây trồng, hệ thống bẫy đèn duy trì thực hiện hàng năm, theo dõi hàng ngày số liệu côn trùng vào đèn phân bố tại địa phương làm cơ sở đề xuất lịch gieo sạ né rầy của các vụ lúa/năm.

Bên cạnh đó, quản lý rệp sáp bột hồng bằng ong ký sinh chuyên tính Anagyrus lopezi - đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới, nhận nuôi được 572.600 cặp và phóng thích 492.100 cặp ong ký sinh góp phần đẩy nhanh việc phòng chống và công bố hết dịch rệp sáp bột hồng trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn thực hiện thử nghiệm các mô hình phòng trừ bệnh lỡ cổ rễ gây thối gốc và củ cây khoai mì bằng nấm sinh học đối kháng Trichoderma sp. tại một số vùng trồng mì trọng điểm; nông dân sử dụng nấm sinh học, vi khuẩn đối kháng để phòng trừ các loại nấm gây hại trong đất, kết hợp với phân hữu cơ hoai mục, phân vi sinh đã hạn chế khá tốt các loại bệnh thối gốc, thối rễ trên cây trồng.

Trên đàn vật nuôi, hàng năm thực hiện các đợt tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh góp phần tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Trên địa bàn tỉnh có huyện Dương Minh Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà và 65 cơ sở chăn nuôi gà, heo, bò được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (46 cơ sở chăn nuôi gà, 17 cơ sở chăn nuôi heo, 2 cơ sở chăn nuôi bò). 6 xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà và 9 xã của huyện Bến Cầu được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng trên bò.

Ứng dụng KHCN trong các mô hình sản xuất tiên tiến, hướng tới nền nông nghiệp sạch

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao (nhà màng, nhà kính) từng bước được đầu tư thực hiện, đến năm 2023, có khoảng 35 ha sản xuất rau (dưa lưới, rau ăn lá) trong nhà màng, nhà kính nên mẫu mã, chất lượng sản phẩm sẽ cao hơn so với trồng trực tiếp ngoài đồng ruộng. Hầu hết các nhà màng, nhà kính đều sử dụng công nghệ tự động hoá trong các khâu tưới nước, bón phân, một số trang trại áp dụng công nghệ trong việc kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ.

Lễ khởi công dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh tại Tân Châu.

Mô hình chăn nuôi tuần hoàn cũng từng bước phát triển với trang trại bò sữa Vinamilk tổng đàn khoảng 8.000 con bò sữa. Việc áp dụng mô hình trồng cỏ tạo thức ăn xanh, phân bò được tận dụng để nuôi trùn quế hoặc bón trực tiếp cho cỏ, các phụ phẩm đều được tận dụng cho chuỗi tuần hoàn góp phần giảm 50% chi phí thức ăn và xử lý phế phẩm nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó một số mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất như chuồng trại nuôi bò sữa công nghệ cao của công ty Bò sữa Vinamilk, Minh Đăng với việc sử dụng thức ăn hỗn hợp lên men, hệ thống quạt làm mát, máy vắt sửa tự động, robot gạt thức ăn, gắn chíp theo dõi năng suất bò hay mô hình chăn nuôi heo, gà quy mô trang trại, đầu tư chuồng kín, hiện đại, ổn định khí hậu chuồng nuôi được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất.

Từ năm 2017-2022, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ trên 120 cơ sở chứng nhận GAP với tổng diện tích 9.015 ha (trong đó, 971 ha rau, 1.879 ha cây ăn trái và 6.165 ha lúa). Sản xuất hữu cơ cũng từng bước được hình thành với 54 ha mì, 4 ha bí đậu sản xuất nhà màng được chứng nhận hữu cơ. Đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 73 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP.

Việc ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất trên địa bàn tỉnh ngày càng đồng bộ, tập trung trên các cây trồng như lúa, mía, mì. Các vườn cây ăn trái áp dụng cơ giới hoá trên nhiều khâu chăm sóc với các loại máy như xới cỏ, hệ thống tưới nước và phân bón."

Sử dụng phần mềm Google Earth định vị tọa độ các trang trại chăn nuôi giúp công tác thẩm định khoảng cách an toàn và bảo đảm quản lý vệ sinh môi trường giữa các cơ sở giết mổ với các trang trại chăn nuôi, theo dõi được từng vùng chăn nuôi khi có dịch xảy ra, thuận lợi cho việc kiểm tra, phối hợp công tác tại các trang trại, cơ sở giết mổ dễ dàng, ít tốn chi phí.

Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến

Sở NN&PTNT nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng KHCN vào phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất còn chậm, chủ yếu ở quy mô và mô hình nhỏ; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.

Việc ứng dụng KHCN trong sản xuất đòi hỏi nguồn vốn lớn trong khi sản xuất nông nghiệp lại chịu nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, cung - cầu thị trường; bên cạnh đó việc áp dụng các phần mềm quản lý sản xuất thao tác qua điện thoại thông minh đòi hỏi người nông dân phải thay đổi thói quen, phương thức sản xuất truyền thống cũng là rào cản trong việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN trong phát triển nông nghiệp, Sở NN&PTNT đề nghị cần rà soát, xây dựng, lồng ghép áp dụng một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp như chính sách: hỗ trợ vốn nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN; hỗ trợ phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu; chính sách về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ phát triển ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao; tập huấn, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề, kỹ năng canh tác cho nông dân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Song song đó, hình thành các vùng  nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm vùng lõi, đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để làm đầu tàu trong việc đẩy mạnh và lan tỏa các mô hình ứng dụng KHCN trong sản xuất.

Giang Hà

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục