Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Những năm qua, Uỷ ban MTTQ các cấp phối hợp ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố tổ hoà giải ở cơ sở, góp phần giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Thái Bình phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho người dân.
Đến nay, toàn tỉnh có 442 tổ hoà giải với 2.994 hoà giải viên, trong đó có 443 thành viên là cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hoạt động hoà giải ở cơ sở của hệ thống MTTQ Việt Nam gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, đoàn viên, nhân dân; đồng thời, lồng ghép các phong trào, cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động như “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Trong năm 2021, đã tiếp nhận 364 vụ việc, đưa ra hoà giải 364 vụ việc, hoà giải thành 315/364 vụ, đạt tỷ lệ 86,5%, số vụ việc không thành chuyển về trên là 49 vụ. Qua đó, góp phần giữ gìn sự đoàn kết cộng đồng, phòng ngừa vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp.
Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp huyện và cơ quan có liên quan tổ chức tháng cao điểm tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật mới được thông qua như Luật Hoà giải ở cơ sở; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo… Qua đó, đã tổ chức được 2.395 cuộc, có 78.391 lượt người tham dự, phát 28.304 tờ rơi, tài liệu pháp luật, 882 bản tin tuyên truyền pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Trà- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Thái Bình (huyện Châu Thành) cho biết, trên điạ bàn xã có 12 tổ hoà giải với 59 hoà giải viên. Mỗi tổ có từ 3 - 5 thành viên, gồm đại diện Ban công tác Mặt trận ấp, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân; Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư… Các thành viên của các tổ hoà giải thường xuyên được trau dồi về kỹ năng nghiệp vụ để nắm bắt và giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong địa bàn các khu dân cư.
Xác định công tác hoà giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần đảm bảo sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cấp uỷ, MTTQ xã không ngừng quan tâm chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác hoà giải như đưa nội dung hòa giải ở cơ sở vào chương trình hành động năm của Đảng uỷ, xây dựng các kế hoạch, giải pháp cụ thể về công tác hoà giải ở cơ sở và tổ chức phát động phong trào thi đua liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, điều hành, Ban Tư pháp xã phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam triển khai và phát động phong trào thi đua đến các ấp, làm cơ sở đánh giá cuối năm và xét khen thưởng, đưa ra các mô hình, cách làm hay để vận dụng, nhân rộng trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư.
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hoà giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện thường xuyên, không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức để người dân được tiếp cận dễ dàng hơn như lồng ghép tuyên truyền thông qua các buổi họp dân ở các khóm, ấp; sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật; tuyên truyền trên trạm truyền thanh xã, ấp… Từ năm 2021 đến nay, MTTQ xã phối hợp với ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền được 58 cuộc với hơn 1.660 lượt người tham dự.
“Các tổ hoà giải của xã luôn nắm bắt tình hình, kịp thời hóa giải những mâu thuẫn. Sau mỗi lần hoà giải, các tổ đều tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm. Hiện trên địa bàn xã, bà con sống hoà thuận, đoàn kết, tích cực hưởng ứng các phong trào chung của xã, như văn nghệ, thể thao, từ thiện nhân đạo…”, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Thái Bình chia sẻ.
Xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu) có 6 ấp và hơn 5.000 hộ dân, trong đó số hộ theo tôn giáo Cao Đài, chiếm 90%. Đa số nhân dân sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, một số ít sống bằng nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh thương mại và dịch vụ.
Nhìn chung, tình hình hoạt động của tôn giáo trên địa bàn xã bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo, theo phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa chấp hành tốt về pháp luật nên còn xảy ra một số vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, trong đó có tín đồ tôn giáo.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã cho biết, Uỷ ban MTTQ xã triển khai thực hiện mô hình “Ban Công tác Mặt trận ấp phối hợp với Ban đại diện tổ nghi lễ tôn giáo làm công tác hoà giải ở cơ sở”. Theo đó, MTTQ xã cơ cấu một số vị chức việc hoặc tín đồ tôn giáo của 17 tổ nghi lễ vào thành viên của 6 tổ hoà giải ở các ấp.
Họ là những người có trình độ, uy tín trong cộng đồng, được đông đảo người dân tín nhiệm; trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong chấp hành pháp luật và quy định của địa phương; có khả năng vận động, thuyết phục người dân. Nhờ đó, năm 2021, Ban công tác Mặt trận ấp phối hợp với tổ nghi lễ tôn giáo hoà giải thành 3/3 vụ việc, chủ yếu các tranh chấp về ranh đất, mâu thuẫn khu dân cư.
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Bàu Năng cho biết thêm, với phương châm giải quyết vấn đề ngay từ cơ sở, từ khi mới nảy sinh, MTTQ xã thường xuyên nắm tình hình, ý kiến của nhân dân, kịp thời phát hiện vấn đề nảy sinh trong cộng đồng dân cư, tích cực tổ chức hoạt động hoà giải. Bên cạnh đó, phối hợp với ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về hoà giải ở cơ sở thông qua hội nghị, cuộc sinh hoạt hội họp của các đoàn thể, họp dân, tổ chức hội thi về hoà giải ở cơ sở, xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật…
Tuy nhiên, công tác hoà giải ở cơ sở hiện nay vẫn còn gặp không ít khó khăn như một số địa phương chưa thường xuyên quan tâm đến hoạt động của công tác hòa giải ở cơ sở, dẫn đến kết quả hoà giải thành chưa đồng đều ở các xã; việc nắm, hiểu biết pháp luật, kỹ năng vận dụng tình làng, nghĩa xóm của một số hoà giải viên còn hạn chế, việc phân công trong hoạt động tổ hoà giải chưa đồng đều; công tác phối hợp giữa chính quyền với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở chưa được thường xuyên và thiếu chủ động...
Để nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian tới, Ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành Tư pháp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho các hoà giải viên; biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải để động viên, khuyến khích đội ngũ những người làm công tác hoà giải; kịp thời nắm bắt tình hình, ý kiến của nhân dân, phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cộng đồng dân cư.
Thiên Di