Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Công tác giám sát, phản biện từ lâu đã được Đảng ta đề cập trong các văn kiện, nghị quyết chỉ đạo. Trong hệ thống pháp luật Nhà nước, từ Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở… cũng đã thể hiện rõ.
Tuy nhiên, cơ sở nền tảng để MTTQ và các tổ chức thành viên thể hiện trách nhiệm rõ nét là Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Ban đầu thực hiện còn bỡ ngỡ, nhưng càng về sau- với việc nghiên cứu kỹ các chủ trương, quyết định của Trung ương, của Tỉnh uỷ, cũng như tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của Mặt trận Trung ương- công tác giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh phát huy hiệu quả ngày càng tốt hơn.
Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh nắm chắc các chủ trương, nghị quyết, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh; nắm bắt tình hình xã hội, những khó khăn, vướng mắc của người dân, của MTTQ việt Nam các cấp, cũng như các thành viên các Hội đồng tư vấn của Mặt trận, đã phối hợp xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện hằng năm sát với thực tiễn cũng như đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ. Bên cạnh đó, trong công tác triển khai thực hiện, MTTQ Việt Nam tỉnh luôn đặt chất lượng, hiệu quả lên hàng đầu, vì vậy mà sản phẩm giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam tỉnh, khi gửi lại cơ quan được giám sát, cơ quan yêu cầu phản biện đón nhận, tiếp thu.
Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, do Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức. Ảnh: Phương Thảo
Về công tác tham gia giám sát, 5 năm qua, MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức giám sát gần 20 nội dung, gồm: giám sát 4 cấp uỷ cấp huyện, 2 cấp uỷ cấp xã trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; giám sát 3 sở, ngành trong việc thực hiện các chương trình, nghị quyết của Chính phủ, của HĐND tỉnh về một số lĩnh vực, nhiệm vụ được giao; giám sát 2 cơ quan Toà án, 3 cơ quan Thi hành án cấp huyện trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; công tác xét xử và thi hành án. Đặc biệt, MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động tổ chức giám sát 4 trường hợp là các cá nhân có đơn khiếu nại tập trung vào các nội dung như: tranh chấp về lối đi, đất đai, tài sản mà các cấp chính quyền cấp dưới sau nhiều lần, nhiều thời gian vẫn không có chủ trương, giải pháp giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, MTTQ Việt Nam tỉnh còn tham gia giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 ở các địa phương trong tỉnh.
Với việc tập hợp được nhiều chuyên gia trên các lĩnh vực, MTTQ Việt Nam tỉnh đã góp phần cung cấp thêm cơ sở pháp lý cho chính quyền địa phương các cấp để giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, tránh gây dư luận bức xúc.
Về công tác phản biện xã hội, trong nhiệm kỳ, MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức phản biện trên 12 dự thảo nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND tỉnh. Ngoài ra, MTTQ Việt Nam tỉnh còn tham gia vào các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; dự thảo Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Biểu giá bán lẻ điện; 4 dự thảo luật; tham gia hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với MTTQ và nhân dân tỉnh. Nhiều ý kiến góp ý xây dựng Đảng, chính quyền được kiến nghị, phản ánh tới lãnh đạo tỉnh và được lãnh đạo tỉnh lắng nghe, trả lời cụ thể.
Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu thực tiễn thì cũng phải nhìn nhận kết quả công tác giám sát, phản biện vẫn còn khiêm tốn; chưa tiếp cận đối với nhiều lĩnh vực.
Để công tác giám sát, phản biện ngày càng đi vào chiều sâu, thời gian tới, MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên cần quan tâm hơn một số vấn đề sau:
Một là, phải nắm chắc các chủ trương, nghị quyết, quyết định, quy định của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Trung ương về công tác giám sát, phản biện.
Hai là, phải nghiên cứu nắm chắc các nội dung quy định của chính sách, pháp luật, chương trình lĩnh vực chuẩn bị giám sát, phản biện.
Ba là, tiếp cận thực tiễn, nắm bắt được những yêu cầu, đòi hỏi của đời sống xã hội đặt ra để sau phản biện, chính sách, nghị quyết được ban hành xuống cơ sở, người dân thì chính sách đó, nghị quyết đó đi vào lòng dân một cách trọn vẹn, được người dân đón nhận.
Thứ tư, kịp thời phát hiện vấn đề thông qua nắm dư luận xã hội, nắm những vụ việc bức xúc của nhân dân; qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát hiện những mâu thuẫn xã hội, vi phạm chính sách hoặc vụ việc khiếu nại của người dân, từ đó đề xuất, kiến nghị với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đưa vào nội dung giám sát.
Với truyền thống đoàn kết và với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước Nhân dân, công tác giám sát, phản biện của Mặt trận sẽ đạt hiệu quả cao trong thực hiện chương trình hành động Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029 đề ra. Đồng thời, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND, MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục có những hoạt động năng động, sáng tạo, đổi mới, thiết thực, hiệu quả hơn nữa, chung sức, đồng lòng góp phần xây dựng quê hương Tây Ninh ngày càng phát triển, phồn vinh, nhân dân Tây Ninh ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Nguyễn Văn Nhiếm