Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Gần đây trên các mạng xã hội, việc phát tán các văn hoá phẩm đồi truỵ, như các hình ảnh, video nhạy cảm diễn ra nhiều, rầm rộ và công khai hơn bao giờ hết. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải lên án.
Mọi người sử dụng mạng xã hội không nên chia sẻ hình ảnh, video nhạy cảm, đường link trang web “đen” để tránh vi phạm pháp luật.
Không ít người bày tỏ lo ngại, thậm chí bức xúc về hành vi phát tán các hình ảnh, video nhạy cảm lên mạng internet, không chỉ vi phạm thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người xuất hiện trong các bức hình, đoạn clip mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hiểm hoạ, đặc biệt đối với thanh thiếu niên và trẻ nhỏ.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, ngụ phường 3, TP.Tây Ninh chia sẻ, hiện nay trên mạng internet còn xuất hiện nhiều trang web “đen”, hình ảnh, video với các nội dung nhạy cảm. Những nội dung phản cảm là mối hiểm họa vô cùng lớn đối với thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em-lứa tuổi chưa đủ nhận thức để phân biệt các hành vi an toàn và không an toàn, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của giới trẻ. “Tôi cho rằng những hành động như vậy cần phải có biện pháp để ngăn chặn, bởi nó vô tình tiếp tay cho mục đích truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, làm mất đi giá trị của truyền thống văn hóa”, ông Hùng bày tỏ.
Bên cạnh đó, những hình ảnh, video nhạy cảm được lan truyền rộng rãi không chỉ do những người trực tiếp phát tán gây ra mà còn có sự tham gia tích cực của nhiều cư dân mạng thiếu ý thức. Dù không phải là người trực tiếp tung ra các hình ảnh, video nhạy cảm với mục đích xấu nhưng hành động chia sẻ đã vô tình làm cho việc phát tán những văn hóa phẩm đồi trụy lan truyền rộng khắp, trở thành trào lưu độc hại trong giới trẻ.
Bà B.T.T.B, ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành cho biết, trong một lần mượn điện thoại của con trai đang học cao đẳng, bà vô tình phát hiện trên facebook của con có không ít hình ảnh, đoạn clip nhạy cảm được chia sẻ dưới dạng chỉ mình tôi. “Tôi gặng hỏi thì được biết số video, hình ảnh đó do bạn bè của cháu gửi cho. Ngay lập tức, tôi đã xoá toàn bộ hình ảnh, đoạn clip nhạy cảm đó, đồng thời quản lý chặt việc sử dụng mạng xã hội của con trai”, bà B nói.
Luật sư Phan Văn Vĩnh, Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh cho biết, văn hóa phẩm đồi trụy là những sách, báo, phim, tranh, ảnh, nhạc có nội dung cổ xúy lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Việc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy không phải là một tệ nạn xã hội mới trong thời đại hiện nay. Thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nhiều trường hợp có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin có nội dung khiêu dâm, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Tuy nhiên, gần đây nội dung và hình thức của loại văn hóa phẩm này ngày càng nguy hiểm theo hướng tập trung vào giới trẻ. Vấn đề này làm gia tăng tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em và ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của các em.
“Việc phát tán các văn hoá phẩm đồi truỵ như hình ảnh, video nhạy cảm của người khác lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến sự lành mạnh của văn hóa xã hội, đồng thời xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Do đó, tùy thuộc vào mức độ vi phạm cũng như hậu quả xảy ra mà đối tượng có hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính, nặng hơn có thể là bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Phan Văn Vĩnh cho hay.
Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15.7.2013, Nhà nước nghiêm cấm việc lợi dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm vào mục đích tuyên truyền, kích động dâm ô, đồi trụy, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Người vi phạm sẽ phải chịu xử phạt hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Mức phạt trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp cá nhân vi phạm, mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Hành vi phát tán hình ảnh, video nhạy cảm trên mạng có thể bị khởi tố hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây: Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 1 gigabyte (GB) đến dưới 5 gigabyte (GB); ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh; sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị; phổ biến cho từ 10 người đến 20 người... thì bị phạt tiền từ 10 triệu – 100 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm. Tùy theo mức độ nghiêm trọng do hành vi này gây ra mà người làm ra, phát tán các hình ảnh, video nhạy cảm này có thể bị phạt tù từ 3 - 10 năm; nặng hơn nữa là từ 7 - 15 năm.
“Việc chia sẻ những hình ảnh, video trên mạng xã hội là một hiện tượng vô cùng phổ biến. Tuy nhiên, trước khi chia sẻ bất kì điều gì, mọi người luôn cần phải xem xét tính đúng đắn của chúng; không nhận, chia sẻ những hình ảnh, video nhạy cảm, đường link trang web “đen” để tránh vi phạm pháp luật. Đồng thời, khi phát hiện các hành vi vi phạm, mọi người cần nhanh chóng trình báo đến lực lượng chức năng để kịp thời xử lý, ngăn chặn việc phán tán văn hoá phẩm đồi truỵ”, luật sư Phan Văn Vĩnh chia sẻ thêm.
Thiên Di