Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát triển án lệ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Chủ nhật: 07:50 ngày 13/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Việc phát triển án lệ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

 Từ năm 2016 đến nay, TAND tối cao tổ chức rà soát các bản án, quyết định của các Toà án đã có hiệu lực pháp luật, đề xuất lựa chọn các bản án, quyết định là nguồn để phát triển thành án lệ; thực hiện các thủ tục theo quy trình lựa chọn án lệ.

Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí như có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể; có tính chuẩn mực; có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Đến nay, TAND tối cao đã công bố 63 án lệ, trong đó có 14 án lệ về hình sự, 27 án lệ về dân sự, 5 án lệ về hôn nhân và gia đình, 8 án lệ về kinh doanh, thương mại, 1 án lệ về lao động, 1 án lệ về hành chính, 4 án lệ về tố tụng dân sự, 3 án lệ về tố tụng hành chính. Ngay sau khi được công bố, các án lệ đã được đăng trên cổng/trang tin điện tử về án lệ của TAND tối cao và được gửi cho các Toà án để các thẩm phán kịp thời nghiên cứu, áp dụng.

Tại Chỉ thị số 01/2023/CT-CA ngày 3.1.2023 của Chánh án TAND tối cao về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Toà án năm 2023, Chánh án TAND tối cao yêu cầu TAND các cấp đề xuất bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ ít nhất 1 bản án, quyết định đối với TAND cấp tỉnh, Toà án quân sự quân khu và tương đương; 3 bản án, quyết định đối với TAND cấp cao, Vụ Giám đốc kiểm tra thuộc TAND tối cao.

Ông Đỗ Văn Thinh- Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, việc áp dụng và viện dẫn án lệ được TAND hai cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, bước đầu đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Án lệ là cơ sở để các thẩm phán, hội đồng xét xử nghiên cứu, áp dụng vào việc giải quyết các vụ án khi có tình huống pháp lý tương tự. Việc áp dụng án lệ sẽ giúp cho thẩm phán rút ngắn thời gian nghiên cứu và nâng cao được chất lượng xét xử, nhất là trước tình trạng án thụ lý ngày một tăng.

Hiện nay, một số văn bản quy phạm pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng gây nên nhiều cách hiểu, quan điểm khác nhau. Các văn bản quy phạm pháp luật cũng không thể lường trước được hết những tình huống sẽ xảy ra trong thực tế để có thể ban hành áp dụng đầy đủ được hết các quan hệ xã hội.

Do đó, áp dụng án lệ giúp cho việc giải quyết các vụ việc được thống nhất. Việc áp dụng án lệ cũng là chuẩn bị trước điều kiện cho việc điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Mặc dù án lệ được Chánh án TAND tối cao ban hành nhưng vẫn không làm mất vai trò của các văn bản quy phạm pháp luật. Vì khi áp dụng án lệ luôn phải tuân thủ nguyên tắc ưu tiên áp dụng văn bản quy phạm pháp luật nếu án lệ mâu thuẫn văn bản quy phạm pháp luật.

Theo TAND tỉnh, thời gian qua, TAND tối cao đã đưa vào sử dụng 4 ứng dụng công nghệ thông tin mang tính đột phá như phần mềm trợ lý ảo, Trung tâm Giám sát và điều hành TAND, nền tảng xét xử trực tuyến, Trung tâm Tư liệu - Thư viện để giúp công tác quản lý, điều hành, xử lý công việc của các Toà án, hỗ trợ cho thẩm phán, cán bộ Toà án trong việc tra cứu văn bản pháp luật phục vụ công tác xét xử.

Từ đó, việc nghiên cứu án lệ được dễ dàng, nhiều thuận lợi và hiệu quả hơn. Hằng năm, TAND tỉnh đã lựa chọn, tập hợp, đề xuất TAND tối cao những sự kiện pháp lý để xem xét lựa chọn án lệ nhằm đáp ứng yêu cầu công tác.

Một thẩm phán thuộc TAND TP. Tây Ninh cho hay, tuy án lệ khá dài nhưng các án lệ đều có những yếu tố có giá trị tham khảo như “từ khoá của án lệ”, “quy định liên quan đến án lệ”, “khái quát nội dung án lệ” và các thành tố khác trong nội dung án lệ. Khi xét xử, giải quyết những vụ việc đã có án lệ thì thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu án lệ đó để quyết định việc viện dẫn, áp dụng hoặc không áp dụng.

Trường hợp áp dụng án lệ thì số án lệ, số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ (nội dung khái quát của án lệ) phải được viện dẫn, phân tích trong phần “nhận định của Toà án”; tuỳ từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn nguyên văn những nội dung hạt nhân của án lệ để làm rõ quan điểm của Toà án trong việc xét xử, giải quyết các vụ việc tương tự.

Tuy nhiên, việc áp dụng, viện dẫn án lệ tại các Toà án hiện vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Chẳng hạn, khó xác định tình tiết trong vụ việc đang giải quyết có tính chất tương tự như trong án lệ để áp dụng, viện dẫn. Việc truy cập phần mềm trợ lý ảo Toà án cũng như nghiên cứu các án lệ của TAND tối cao chưa được các thẩm phán quan tâm, chú trọng…

Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 8 Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC ngày 18.6.2019 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ quy định khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tình huống pháp lý tương tự là như thế nào dẫn đến các thẩm phán còn lúng túng, có tâm lý sợ sai khi viện dẫn, áp dụng án lệ trong quá trình giải quyết các vụ việc. Số lượng án lệ được TAND tối cao công bố nêu trên hiện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn xét xử, chỉ tập trung số lượng lớn án lệ về hình sự, dân sự, kinh doanh, thương mại, còn lại các án lệ về lĩnh vực khác là rất ít.

Để việc áp dụng và viện dẫn án lệ đạt hiệu quả cao trong công tác xét xử, thiết nghĩ, ngành Toà án cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, bản án, quyết định của Toà án nhằm tạo nguồn tốt trong công tác phát triển án lệ; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các thẩm phán, cán bộ, công chức Toà án về kỹ năng nghiên cứu, áp dụng và viện dẫn án lệ.

Thiên Di

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục