Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát triển bền vững ngành hàng khoai mì đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thứ năm: 20:26 ngày 27/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 27.6, UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị “Phát triển bền vững ngành hàng sắn (khoai mì) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung (ngồi giữa), ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (bên trái), ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh (bên phải) đồng chủ trì buổi thảo luận tại hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung; ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh; đại diện lãnh đạo 24 tỉnh có diện tích trồng mì lớn trên phạm vi cả nước và một số doanh nghiệp trồng, chế biến khoai mì trong, ngoài tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho biết, tổng diện tích sản xuất khoai mì hằng năm của Tây Ninh khoảng trên 61.000 ha (diện tích trồng lớn thứ hai cả nước, sau tỉnh Gia Lai), chiếm 23% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Sản lượng trên 2 triệu tấn/năm; năng suất bình quân đạt 33,2 tấn/ha, cao nhất cả nước. Tính đến tháng 6 năm 2024, diện tích khoai mì trên địa bàn tỉnh có khoảng 45.975 ha, bằng 74,6% so với kế hoạch. Giá thu mua nguyên liệu củ khoai mì từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn tỉnh dao động từ 3.500 – 3.800 đồng/kg, doanh thu sản xuất khoai mì trên 120 triệu đồng/ha.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu khai mạc hội nghị.

Hiện nay, diện tích khoai mì nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh (giảm 7.453 ha so với năm 2019) và giảm dần mức độ gây hại các năm sau, chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ và chưa phát sinh diện tích nhiễm nặng.

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hương- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, khoai mì là một trong các cây trồng thuộc danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, từ chỗ là cây lương thực, cây xóa đói giảm nghèo đã trở thành cây làm giàu, cây nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến, nhiên liệu sinh học.

Cả nước hiện có trên 40 tỉnh trồng mì, tổng diện tích dao động từ 520.000-550.000 ha/năm, năng suất trung bình từ 19-20 tấn/ha, sản lượng hằng năm đạt trên 10 triệu tấn củ tươi.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình phát triển sản xuất và chế biến khoai mì còn thiếu bền vững, liên kết giữa nông dân trồng mì với nhà máy chế biến còn yếu; bệnh khảm lá mì bùng phát trên diện rộng; tình trạng phá rừng trồng mì; ô nhiễm môi trường trong chế biến tinh bột mì... là những vấn đề nan giải, cần được quan tâm giải quyết một cách căn cơ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nghiêm Minh Tiến- Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Viện Di truyền nông nghiệp và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Hiệp hội chuyển giao giống mì kháng bệnh khảm lá để thay thế dần bộ giống mới có năng suất, chất lượng cao nhằm khống chế hoàn toàn dịch bệnh khảm lá; tạo điều kiện hỗ trợ các giải pháp công nghệ và thị trường cho các sản phẩm chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị từ sản phẩm mì; xem xét điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng cho tinh bột mì là 5%...

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung yêu cầu Cục Trồng trọt; Cục Bảo vệ thực vật; Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường; Trung tâm Khuyến nông quốc gia; Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (thuộc Bộ NN&PTNT) căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị chủ động rà soát, tham mưu Bộ ban hành và hướng dẫn các địa phương ban hành các chính sách khuyến khích phát triển, quy trình canh tác giống mì sạch bệnh, kháng bệnh khảm lá mì;

Ông Nghiêm Minh Tiến – Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam kiến nghị một số vấn đề để phát triển ngành mì bền vững trong thời gian tới.

Thực hiện tốt công tác dự tính dự báo và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây mì, đặc biệt là bệnh khảm lá mì; xây dựng, thúc đẩy triển khai các chương trình, nhiệm vụ khoa học về công nghệ bảo quản, chế biến mì và các sản phẩm từ mì để tăng giá trị cho cây mì; hoàn thiện tài liệu và tổ chức tập huấn, tuyên truyền các quy trình nhân giống, canh tác mì tới người dân và cán bộ kỹ thuật địa phương, đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất mì bền vững, đảm bảo năng suất, chất lượng.

Quang cảnh hội nghị.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đề nghị các tỉnh có trồng mì triển khai lồng ghép các chỉ tiêu về cây mì vào các bộ chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương; có những chính sách đầu tư, khuyến khích thích đáng để phát triển ngành hàng mì, đặc biệt là đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu trồng mì; hỗ trợ triển khai liên kết sản xuất giữa người trồng mì và nhà máy sản xuất, chế biến khoai mì trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của các bên, hướng tới sản xuất chuyên nghiệp, bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung khảo sát tình hình sản xuất mì trên địa bàn tỉnh.

Đối với Hiệp hội Sắn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đề nghị Hiệp hội tăng cường tuyên truyền cho hội viên, người dân và các tổ chức, cá nhân liên quan về quy định liên quan, các giải pháp kỹ thuật cũng như vai trò của ngành hàng mì tại Việt Nam và thị trường quốc tế; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, viện, trường đại học để xây dựng các mô hình sản xuất mì bền vững trên quan điểm tăng năng suất đi cùng với bảo vệ môi trường, các mô hình sản xuất giống mì sạch bệnh.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục