Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển bền vững nông nghiệp hữu cơ 

Cập nhật ngày: 21/08/2024 - 06:54

BTN - Trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, ngành Nông nghiệp luôn được xác định là một trong những “trụ cột” quan trọng.

Hiện nay, tỉnh Tây Ninh định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường hướng đến xuất khẩu, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, góp phần làm thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững.

Nhiều kết quả nổi bật

Tây Ninh có nhiều lợi thế để tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đó là lợi thế về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị. Để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh đang chuyển từ phát triển tập trung đơn ngành sang phát triển đa ngành, chuyển sản xuất từ đơn giá trị sang sản xuất tích hợp đa giá trị với mục tiêu lớn là hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái.

Qua đó, phát huy tối đa lợi thế các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo phương pháp đổi mới tư duy, đổi mới từ khâu quản lý sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; đổi mới từ tập trung phát triển sản lượng sang chú trọng chất lượng sản phẩm. Tất cả chung sức, đồng lòng vì ngành nông nghiệp xanh.

Sử dụng phân bón hữu cơ giúp vườn cao su của ông Đặng Ngọc Thắng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi khoảng 8.000 ha cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả, nâng luỹ kế tổng số diện tích cây trồng đã chuyển đổi toàn tỉnh đạt khoảng 41.000 ha, gia tăng giá trị sản phẩm thu được trên một héc-ta trồng trọt đạt 109 triệu đồng/năm.

Trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh, tiếp tục chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp, trang trại gắn với an toàn sinh học. Hiện nay, toàn tỉnh có 627 trại chăn nuôi gia súc, 107 trang trại chăn nuôi gia cầm, tăng 12,6% so với năm 2020 với quy mô chăn nuôi đạt trên 10 triệu con gia súc, gia cầm. Về thuỷ sản, tỉnh duy trì diện tích vùng nuôi 570 ha, sản lượng đạt trên 14.000 tấn thuỷ sản/năm.

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Tây Ninh đã triển khai thực hiện 39 mô hình khuyến nông với kinh phí 6,6 tỷ đồng. Thông qua các mô hình khuyến nông, tỉnh đã thực hiện chuyển giao các giải pháp về khoa học, công nghệ, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus cho 180 tổ chức, cá nhân với diện tích 805 ha (luỹ kế từ năm 2019 đến nay, hỗ trợ tổng diện tích hơn 1.700 ha cây ăn quả, cấp 50.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm).

Ông Lê Văn Sơn, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, hiện có một vườn mãng cầu gần 7 năm tuổi, với diện tích 1,7 ha, được sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong đó, ông Sơn đã sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc vi sinh vật để chăm sóc cho vườn cây, nhờ sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ ngay từ khi xuống giống, nên vườn mãng cầu của gia đình ông luôn xanh tốt và ít bị sâu bệnh, năng suất mỗi đợt thu hoạch luôn đạt hơn 10 tấn/ha.

Ông Sơn cho biết: “Khi trồng cây con là tôi bắt đầu mình sử dụng dòng phân bón hữu cơ để cho cây phát triển được tốt hơn. Phân này có ưu điểm là những nấm vi sinh vật như nấm Trichoderma làm cho cây phát triển được tốt hơn, lá dày hơn, rễ phát triển cũng được nhiều hơn, ra được nhiều rễ trắng, nên cây phát triển được tốt hơn”.

Còn đối với gia đình ông Đặng Ngọc Thắng, ngụ tại xã Tân Hưng, hiện đang có hơn 80 ha đất trồng cây cao su tại xã Tân Hà, Tân Châu. Theo kinh nghiệm của ông Thắng, để cây cao su phát triển tốt, cho nhiều mủ, khai thác được lâu năm cần phải áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, bón phân và chọn được loại phân phù hợp. Ông đã lựa chọn sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh Tri-mix của Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ Hi-Tech Organic.

Ông Thắng cho biết, trong những năm qua, ông thường xài Tri-mix, hợp chất ba màu, 20-20-15, 19-9-27. Tuỳ theo cây trồng mà có liều lượng thích hợp, nếu cây cạo, ông dùng loại nào kali nhiều, còn cây tơ ông sử dụng Tri-mix. Qua sử dụng ông thấy phân bón hữu cơ giúp cây sinh trưởng tốt, bền và cho năng suất cao.

Nỗ lực cho mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ

Trong giai đoạn 2020-2025, Tây Ninh định hướng và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng gồm: lúa, rau màu, cây ăn quả, bò, heo, dê, gà. Theo đó, nhiệm vụ được UBND tỉnh đề ra là xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực; phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ; đồng thời tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ và phát triển các vật tư đầu vào phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Mô hình trồng mãng cầu theo hướng hữu cơ của ông Lê Văn Sơn.

Để hiện thực hoá mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ theo định hướng tại Nghị định số 109, ngày 29.8.2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1934, ngày 19.8.2020 về triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Đồng thời, tỉnh cũng đã ban hành 2 chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, nguồn kinh phí thực hiện là nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách tỉnh. Hai chính sách này hiện đang phát huy hiệu quả khả quan, góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn với sức khoẻ con người, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, từng bước hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, để phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, hữu cơ trên lĩnh vực trồng trọt, tỉnh cũng định hướng cho các trang trại, doanh nghiệp áp dụng các biện pháp công nghệ tái chế, xử lý các phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất.

Đồng thời xây dựng chính sách đặc thù khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi cho cả hộ nông dân và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải chăn nuôi; xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái trong trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, cung cấp hữu cơ cho trồng trọt; áp dụng các kỹ thuật mới sản xuất phân bón từ phân và chất thải chăn nuôi, khí đốt từ hầm biogas, sử dụng làm nguyên vật liệu nuôi trồng đối tượng khác để khép kín tuần hoàn sản xuất; khuyến khích nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, ưu tiên phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi tuần hoàn, các mô hình liên kết hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; xây dựng và nhân rộng các mô hình sử dụng thức ăn chăn nuôi phối trộn, sử dụng phế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong chăn nuôi.

Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sẽ giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Vũ Nguyệt